Thục Hán diệt vong, Lưu Thiện giả ngốc hỏi 1 câu: Tư Mã Chiêu tiết lộ nước cờ của "hổ phụ"

Sau khi Lưu Bị qua đời ở thành Bạch Đế vào tháng 6/223, Gia Cát Lượng hết lòng phò tá Lưu Thiện và nhà Thục Hán. Nhờ tài trí bậc thầy của Gia Cát Lượng, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Thục Hán không những dần lấy lại vị thế mà còn quốc phú, binh cường. Tuy nhiên, sau 5 lần Bắc phạt thất bại, và sức cùng lực kiệt sau nhiều năm “cúc cung tận tụy” vì Thục Hán, Gia Cát Lượng mắc bệnh rồi qua đời ở gò Ngũ Trượng vào năm 234.

Gia Cát Lượng mất đi là một tổn thất vô cùng lớn của Thục Hán. Đồng thời, Tư Mã Ý cũng mất đi một kỳ phùng địch thủ đáng gờm.

Gia Cát Lượng phò tá Lưu Thiện sau khi Lưu Bị qua đời.

Có nhiều người thắc mắc rằng, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, đây quả thực là thời cơ thuận lợi đối với Tư Mã Ý. Tuy nhiên, vì sao Tư Mã Ý lại không tiến hành thảo phạt Thục Hán? Há chẳng phải là tự mình đánh mất cơ hội tốt để dần thống nhất thiên hạ hay sao?

Tuy nhiên, Tư Mã Ý là một chiến lược gia tài giỏi, nổi tiếng là người biết nhẫn nhịn, giỏi chịu đựng và biết nắm bắt thời cơ. Mọi nước đi của ông trên bàn cờ chính trị Tam Quốc đều được tính toán vô cùng cẩn trọng.

Nguyên nhân Tư Mã Ý không phạt Thục sẽ được tiết lộ qua lời nói của con trai là Tư Mã Chiêu, một quyền thần của nhà Tào Ngụy.

Câu hỏi giả ngốc của Lưu Thiện: Cái kết bất ngờ!

Sau khi Thục Hán bị diệt vong năm 263, trong một bữa tiệc, Lưu Thiện (con trai của Lưu Bị, đồng thời là vị hoàng đế cuối cùng của Thục Hán) đã buột miệng hỏi Tư Mã Chiêu rằng: “Vì sao trước kia các người không ra tay?“.

Tư Mã Chiêu khi ấy đã nói với Lưu Thiện rằng: “Cho dù Gia Cát Lượng còn sống cũng không thể chống đỡ được lâu dài, huống hồ chỉ có một Khương Duy“.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Khương Duy nhận được ủy thác của thừa tướng, tiếp tục Bắc phạt. Kết quả, Thục Hán chịu tổn thất lớn, thương vong nặng nề.

Lưu Thiện thắc mắc về nguyên nhân Tào Ngụy không đánh Thục Hán ngay sau khi Gia Cát Lượng qua đời.

Câu nói trên của Tư Mã Chiêu ngụ ý rằng Lưu Thiện tư chất tầm thường, cho dù Gia Cát Lượng còn sống cũng không thể bảo vệ Thục Hán an toàn lâu hơn, huống hồ Khương Duy vốn kém hơn thì kết quả lại càng tệ. Thục Hán nếu không có Gia Cát Lượng thì sẽ dần suy yếu và cuối cùng diệt vong.

Vì vậy, dù không đụng tới Thục Hán thì sớm muộn cơ đồ này cũng sẽ đến bờ diệt vong trong tay Lưu Thiện. Nếu đã là cái kết khó tránh thì nhà Tư Mã cũng không cần phải vội vàng hao binh tốn lực mà đối phó với Thục Hán.

Đây chẳng phải là cái kết mà Tư Mã Ý mong muốn sao?

Minh chứng này đã được thể hiện trong thực tế. Bằng chứng là phải 16 năm sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Tư Mã Ý cùng hậu duệ của ông mới bắt đầu có những động thái nhắm vào Thục Hán.

Tuy nhiên, nếu chỉ vì nguyên nhân khách quan trên để dừng chiến với Thục Hán thì Tư Mã Ý không xứng làm kỳ phùng địch thủ của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc.

Thực tế, ngụ ý trong câu nói của Tư Mã Chiêu còn ẩn 3 nguyên nhân mà Tư Mã Ý cẩn trọng suy tính.

3 nguyên nhân Tư Mã Ý không đánh Thục Hán

Thứ nhất, Thục Hán không phải là kẻ địch duy nhất của Tào Nguỵ

Tào Nguỵ và Thục Hán có nhiều năm giao chiến liên miên, hao tổn binh lực là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa, người có uy quyền lớn nhất của Thục Hán là Gia Cát Lượng cũng đã qua đời.

Ngoài Thục Hán, Tào Nguỵ còn có kẻ địch mạnh ở phía nam là Đông Ngô vẫn luôn rình rập, chờ đợi thời cơ để tấn công.

Gia Cát Lượng qua đời đột ngột khiến kế hoạch Bắc phạt cũng phải tạm dừng lại. Suy cho cùng, đây lại là thời điểm thuận lợi cho Tào Nguỵ khi có thời gian để khôi phục quốc lực.

Gia Cát Lượng là đối thủ lớn nhất trong cuộc đời của Tư Mã Ý.

Thứ hai, Tư Mã Ý tập trung giải quyết những việc trọng yếu trước.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời vào năm 234, trong bối cảnh đó, Tào Nguỵ cũng không có nguồn binh lực dự phòng mạnh. Tuy rằng, tấn công lúc bấy giờ là thuận lợi nhưng tình hình nội chính của Tào Nguỵ phát sinh nhiều vấn đề, nội bộ không được đoàn kết. Nếu sa vào giao chiến với Thục Hán, sẽ làm nảy sinh ra nhiều cuộc nội chiến, thiệt hại là khó lường.

Mặt khác, do là một đại thần nên Tư Mã Ý cũng có rất nhiều việc nội chính trọng yếu cần phải giải quyết, dẹp loạn phản tặc. Thời gian dừng chiến với Thục Hán cũng là giai đoạn quan trọng để Tư Mã Ý rèn luyện, tập trung thâu tóm quyền lực trong tay, đồng thời tìm kiếm cơ hội thuận lợi để hoàn thành đại nghiệp.

Đầu năm 239, Tào Nguỵ Minh Đế (tên thật là Tào Duệ), hoàng đế thứ hai của nhà Tào Nguỵ, trước khi qua đời đã phó thác con trai cho Tư Mã Ý và Tào Sảng.

Sau này, Tào Sảng trở nên chuyên quyền, lộng hành trong triều. Sau vài năm nhượng bộ, Tư Mã Ý chớp thời cơ phát động sự biến lăng Cao Bình, thành công tiêu diệt Tào Sảng và đoạt lại quyền hành trọng yếu trong triều.

Tư Mã Ý tạm hoãn đánh Thục Hán là có ẩn ý thâm sâu.

Thứ ba, Thục Hán là kim bài “miễn tử” của Tư Mã Ý.

Cổ nhân có câu “Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh” (tạm dịch là Thỏ khôn chết thì chó săn bị làm thịt). Nếu Thục Hán bị tiêu diệt thì Tư Mã Ý cũng mất đi giá trị đối với nhà Tào Nguỵ. 

Nếu đã không còn giá trị lợi dụng gì thì Tư Mã Ý rất có thể bị hoàng tộc Tào Nguỵ tuỳ ý sát hại bởi từ thời Tào Tháo còn sống đã luôn đề phòng với ông. Đây là một mối hoạ lớn bởi trong bối cảnh đó Tư Mã Ý vẫn chưa nắm được quyền lực trọng yếu.

Hơn nữa, trong mắt Tư Mã Ý, việc Thục Hán mất đi bậc kỳ tài như Gia Cát Lượng thì chẳng còn gì đáng ngại, gây chiến lúc này trở nên vô nghĩa, chi bằng tạm hoãn để có thể bảo toàn tính mạng của mình, đồng thời tập trung gây dựng thế lực trong nội bộ Tào Nguỵ

Cuối cùng, ngay cả khi Tư Mã Ý không phát động thảo phạt Thục Hán sau khi Gia Cát Lượng qua đời, nước Thục vẫn đi đến kết cục diệt vong.

Từ những nguyên nhân này cho thấy, việc tạm thời đình chiến với Thục Hán trong 16 năm sau khi Gia Cát Lượng qua đời, thực chất là một nước đi đầy khôn ngoan và thâm sâu của Tư Mã Ý trên bàn cờ chính trị. Suy cho cùng, Tư Mã Ý cùng gia tộc của ông là người thắng cuộc trong cuộc chiến vương quyền thời Tam Quốc.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, QQ

https://soha.vn/thuc-han-diet-vong-luu-thien-gia-ngoc-hoi-1-cau-tu-ma-chieu-tiet-lo-nuoc-co-cua-ho-phu-20211229174025246.htm