Vật thể khiến khoa học bối rối: hành tinh "nâng cấp" thành "quái vật"
Theo Sci-News, nhóm tác giả dẫn đầu bởi tiến sĩ Jackie Faherty từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ, đồng sáng lập dự án “Backyarl Worlds: Planet 9”, W1243 là một vật thể đồng hành quay quanh một ngôi sao trẻ kiểu K0 tên BD+60 1417, nằm cách chúng ta khoảng 146 năm ánh sáng trong chòm sao Ursa Major (Đại Hùng).
Vật thể này quay rất xa ngôi sao mẹ của nó, cách khoảng 1.662 lần so với khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời, mang những dấu hiệu gợi ý rằng nó là một hành tinh .
Tuy nhiên nó lại có khối lượng gấp 15 lần Sao Mộc, trong khi một trong những tiêu chuẩn để phân biệt giữa hành tinh và sao lùn nâu là khối lượng gấp 13 lần Sao Mộc.
Sao lùn nâu là những vật thể giống như một ngôi sao thất bại, vì không thể tạo được phản ứng nhiệt hạch phù hợp để trở thành sao, nhưng lại là thứ gì đó cao cấp hơn một hành tinh. Chúng thường nhỏ hơn ngôi sao nhiều nhưng lại quá to lớn so với một hành tinh.
Nhưng một trong những đặc điểm của sao lùn nâu là “sinh ra từ hư không”, tức dường như hình thành trực tiếp từ đám mây phân tử nơi nó trú ngụ giống như ngôi sao chứ không phải từ đĩa tiền hành tinh của một ngôi sao nào cả.
Vật thể mới tìm thấy, vừa to lớn quá chuẩn so với hành tinh, nhưng lại có sao mẹ nên cũng khó có thể là sao lùn nâu. Các nhà khoa học cho rằng nó là một hành tinh “quái vật”, kỳ lạ và có phần “cao cấp” hơn các hành tinh thông thường như Trái Đất hay gã khổng lồ Sao Mộc.
Theo tiến sĩ Faherty, họ vẫn đang tiếp tục xem xét các khả năng và nếu có thể khẳng định W1243 là một hành tinh, nó sẽ giúp mở rộng định nghĩa hành tinh cũng như phạm vi mà người ta có thể tìm thấy một hành tinh quanh những ngôi sao xa xôi.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal.