Trắng đêm săn "thủy quái" thu tiền triệu mỗi đêm ở Gia Lai: Bí mật về loài vật đuôi đỏ

Mỗi đêm, bờ sông Sê San nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia lai và Kon Tum lại nhộn nhịp những cần thủ đi câu theo nhóm. Họ túc trực ngày đêm để săn loại “thủy quái” có giá trị cao nhất trên sông nhưng cũng vô cùng khó bắt.

Ngay cả những cần thủ lâu năm đầy kinh nghiệm, đầu tư hàng chục triệu đồng vào bộ đồ nghề câu cá của mình cũng chỉ biết phó mặc cho sự may rủi. Lý do “thủy quái” này có tập tính loài di chuyển ngược dòng nước và chỉ đi ăn ban đêm nên rất khó bắt.

Cá lăng đuôi đỏ (Ảnh: Megafishingthailand)

Mỗi đêm, chỉ cần may mắn câu được 1 đến 2 con thôi cũng đã có trong tay tiền triệu, do đó các cần thủ luôn xem mục tiêu tối cao khi đi câu trên con sông Sê San là “thủy quái” này và dù khó bắt thế nào thì họ cũng không nản lòng.

Những cần thủ sẵn sàng ôm cần thức trắng xuyên đêm để phục kích “thủy quái” sông Sê San mà nếu may mắn có thể trúng con cá hàng chục ký, giá thương phẩm từ 300 – 400 nghìn đồng/kg (thậm chí 700 nghìn đồng/kg) nên một con cá cũng có thể có giá vài triệu hay vài chục triệu đồng.

Điển hình là trường hợp một cần thủ có tên Nguyễn Chất Sâm (thị trấn Ia Ly, Chư Păh, Gia Lai) đã câu được hai con cá lăng nặng tổng cộng hơn 60 kg (trung bình mỗi con 30 kg, xem ảnh dưới) vào ngày 2/9, tính sơ sơ cũng đã hơn 21 triệu đồng.

Hai con cá lăng nặng hơn 60 kg

Loài “thủy quái” được đề cập ở trên chính là loài cá lăng đuôi đỏ hay còn gọi là cá lăng nha đuôi đỏ hay cá lăng chiên (danh pháp khoa học: Hemibagrus microphthalmus). Đây là loài cá được tìm thấy ở khu vực sông thuộc Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan hay sông Mê Kông.

Cá lăng đuôi đỏ có thân dài, đầu to dẹp, da trần không có vảy đặc trưng ở loài cá da trơn, có 4 đôi râu với 1 đôi ở mũi, 1 đôi ở hàm và 2 đôi ở cằm. Chúng sống đơn độc ở tầng nước giữa chứ không bơi thành đàn, nên để bắt loài cá này càng trở nên khó khăn.

Vào thời cao điểm, giá cá lăng đuôi đỏ có thể lên đến 700 ngàn đồng mỗi ký (Ảnh: Giahanghoa)

Đặc điểm phân biệt đơn giản của loài cá này so với các loài cá lăng khác chính là chiếc đuôi cá màu đỏ, vây lớn cùng kích thước ‘khủng" ở các cá thể trưởng thành.

Mặc dù ở nước ta thì cá lăng được nuôi nhiều ở sông Bình Di, huyện An Phú, An Giang với gần 200 bè nhưng cá lăng tự nhiên vẫn là loài cá được người mua ưa chuộng nhất và sẵn sàng mua với giá cao hơn thị trường.

Loài cá lăng yêu thích môi trường sống nước ngọt hay nước lợ nhẹ, chúng là thành viên có kích thước lớn nhất trong tất cả các loài cá thuộc họ Bgridae. Kích thước lớn nhất khi bắt bằng cần câu được ghi nhận là 52,16 kg, dài 150 cm và được bắt ở Thái Lan.

Cá lăng khủng ở Thái Lan (Ảnh: Fishing-worldrecords)

Còn với phương pháp bắt cá khác thì thậm chí những con cá lớn nhất còn nặng tới 80 kg, được bắt tại Myanmar, Ấn Độ và Lào (theo trang Fishing-worldrecords). Ở sông Sêrêpôk cũng từng bắt được những con cá lăng 70 – 80 kg mà cả làng ăn không hết.

Ở Tây Nguyên, người đồng bào Mnông còn có cách săn cá lăng đuôi đỏ rất độc đáo bằng cách cưỡi thuyền độc mộc, tay cầm lao có nối dây để phóng xuống nước khi gặp cá. Có rất nhiều trường hợp bắt được những con cá trên 40 kg.

Lý do giá của loài cá này rất cao là vì thịt của chúng rất mềm, thơm và có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong các dòng cá lăng với hơn 245 loại khác nhau sinh sống tại khắp các vùng trên thế giới.

https://soha.vn/trang-dem-san-thuy-quai-thu-tien-trieu-moi-dem-o-gia-lai-bi-mat-ve-loai-vat-duoi-do-2021121908550307.htm