Bài viết kêu gọi “tẩy chay” cà phê chồn thu hút hơn 45k lượt tương tác, “vạch trần” quy trình hành hạ động vật quá tàn ác!

Được xếp vào loại hiếm bậc nhất thế giới, cà phê chồn từ lâu đã được săn đón, đặc biệt bởi giới thượng lưu. Tuy nhiên xuyên suốt lịch sử phát triển của cà phê chồn, đã nhiều lần loạt hạt này bị lên án, phản đối do quá trình sản xuất công nghiệp thiếu tính nhân đạo.

Dành cho những ai chưa biết, cà phê chồn được thu hoạch từ… phân của loài chồn. Con chồn sẽ ăn quả cà phê nguyên hạt, sau đó lớp thịt của hạt cà phê được tiêu hóa, còn lại phần nhân trong bụng con chồn sẽ gặp các enzyme và xảy ra quá trình lên men tự nhiên. Cuối cùng, nhân được thải ra cùng phân sẽ có quá trình xử lý kỹ lưỡng để thu hoạch ra loại cà phê hương vị độc đáo.

So với các loại cà phê thông thường, cà phê chồn có nhiều điểm khác biệt: màu đỏ đậm hơn, cứng giòn hơn, hương vị ít chua hơn, thoảng thoảng vị socola, trái cây…

Trước đây, cà phê chồn được khai thác hoang dã nhưng khi nhu cầu khách hàng càng tăng, thu hoạch ngoài tự nhiên không còn đủ đáp ứng, các trang trại sản xuất cà phê chồn công nghiệp đã ra đời. Các con chồn sẽ bị nuôi nhốt, “ép” tiêu hoá liên tục từ khi 6 tháng tuổi, gặp nhiều thương tích, tổn thương tâm lý, cả đời sống trong lồng. Làn sóng kêu gọi “tẩy chay” loại cà phê này nổi lên từ đó, ngày càng có sức ảnh hưởng.

Một bài viết về vấn đề này của PETA châu Á – Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật của Mỹ hoạt động trên quy mô toàn cầu hiện hiện đang viral mạnh mẽ trên MXH với hơn 45k lượt tương tác, trong đó có 8,7k share. Bài viết nhận được sự ủng hộ lớn từ dư luận.

Lược chia sẻ của tổ chức PETA như sau:

“Cà phê chồn (Kopi luwak) làm từ sự tàn nhẫn. Dưới đây là lý do tại sao bạn không nên mua cà phê chồn và cách để giúp đỡ cầy hương:

Tại Indonesia, Kopi luwak được làm bằng cách tách cầy hương ra khỏi môi trường sống tự nhiên khi cầy mới chỉ 6 tháng tuổi. Cầy bị nhốt vào những chiếc lồng nhỏ hẹp, ép ăn một chế độ ăn chủ yếu là quả cà phê; và sau đó thu hoạch những hạt cà phê mà cầy đào thải ra ngoài theo phân.

Một nông dân so sánh việc cầy hương ăn quá nhiều quả cà phê với con người hút thuốc, do sức khỏe của cầy hương bị giảm sút rất nhiều trong quá trình nuôi nhốt vì thiếu vitamin và dinh dưỡng. Cũng chính người nông dân này nói với điều tra viên của PETA rằng một số cầy hương không thể sống sót sau khi được thả trở lại tự nhiên.

Những cá thể đủ ‘may mắn’ sống sót khi không còn khả năng sản xuất hạt cà phê, sẽ bị bán cho các chợ động vật sống, tiếp xúc trực tiếp với con người và tạo ra môi trường cho SARS hoặc một số loại virus khác lây lan.

Ngoài nguy cơ lây nhiễm do các trang trại và người bán cầy hương gây ra, điều tra viên còn nhận thấy sự tàn ác lan tràn ở mọi trang trại mà họ đến thăm. Cầy hương thường bị giam giữ trong những chiếc lồng cằn cỗi, bẩn thỉu với đầy phân, chất bẩn, quả mọng phân hủy và thường được bao phủ bởi mạng nhện.

Nhiều người cầy hương có vết thương hở đau đớn mà không được chữa trị thú y. Cầy hương có những biểu hiện bất thường như tự cắn vào đuôi của mình và liên tục đi đi lại lại do bị căng thẳng kéo dài.

Mặc dù cà phê chồn thường được quảng cáo là ‘có nguồn gốc từ động vật hoang dã’, một nông dân nói với điều tra viên PETA rằng gần như không thể sản xuất nếu chỉ từ động vật hoang dã. Các nhà sản xuất đã đề nghị cố tình ghi sai nhãn cà phê.

Cà phê chồn gây ra đau khổ cho động vật. Đừng bao giờ mua và sử dụng cà phê chồn”.

Bức ảnh tổ chức PETA chia sẻ kèm bài viết

Một số phản hồi của dân mạng:

– “Tôi không dùng cà phê chồn. Hạt cà phê bản thân nó đã rất ngon rồi. Không nhất thiết phải hành hạ 1 loài vật khác để nuông chiều sự quái đản của loài người”.

– “Vì lợi nhuận, con người đã bất chấp. Hoàn toàn ủng hộ không bao giờ sử dụng cà phê chồn”.

– “Nhu cầu mỗi người mỗi khác, hàng trăm loài động vật cũng bị con người nuôi nhốt và khai thác đó chẳng phải sao”.

– “Hãy bảo vệ động vật bằng những bài thế này. Sẽ không ai phản đối đâu”.

Hiện bài viết vẫn đang được chia sẻ mạnh mẽ trên MXH. Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào?

Nguồn: Tổng hợp