Khách quốc tế đến nhỏ giọt, các hãng lữ hành nói gì?
Du khách nản lòng vì quy định
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, ước tính số liệu khách du lịch quốc tế cả năm 2021 đến Việt Nam chỉ đạt 3.500 lượt. Đây là con số thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Một số doanh nghiệp lữ hành Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng các quy định quá chặt chẽ khiến không ít du khách nước ngoài không muốn đến Việt Nam.
Bà Kim Kyung Jin – Giám đốc hãng lữ hành Travel Diary (Hàn Quốc) cho biết sự chặt chẽ trong quy trình cấp thị thực nhập cảnh và các yêu cầu cách ly khiến du khách Hàn Quốc không muốn đến Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh. Trong khi đó, người Hàn Quốc được miễn cách ly khi đến Singapore hoặc Saipan (quần đảo Bắc Mariana thuộc Mỹ). “Thực tế là lượng du khách quay lại Việt Nam ít hơn so với Bali, Phuket hay Singapore” – bà Kim Kyung Jin nói thêm.
Theo ông Fujinami Koji (Công ty JTB-TNT, Nhật Bản), các quy định nhập cảnh hiện nay sẽ gây khó khăn cho du khách, đặc biệt là những khách đi tự túc không qua công ty lữ hành. Bên cạnh những thế mạnh như ẩm thực, an toàn, chi phí phải chăng và nhiều điểm tham quan; những rào cản về ngôn ngữ, điều kiện vệ sinh và điểm mua sắm đang là điểm yếu của du lịch Việt Nam.
Đồng quan điểm, bà Tamiko Kitagawa – Giám đốc hãng lữ hành Showa Travel (Nhật Bản) cho rằng du khách Nhật rất quan tâm liệu họ có bị cách ly sau khi nhập cảnh hay không. Các quy định về tiêm đủ vaccine và xét nghiệm Covid-19 bằng PCR trước 72 tiếng vẫn là cần thiết.
“Nếu tôi là du khách, rất khó lựa chọn đi du lịch Việt Nam nếu phải cách ly sau khi nhập cảnh. Theo tôi nghĩ, mặc dù địa điểm tham quan bị hạn chế nhưng khả năng cao du khách Nhật Bản sẽ đến thăm Việt Nam, nếu bỏ quy định cách ly. Tuy vậy, việc khôi phục du lịch quốc tế của Nhật Bản nhanh nhất là khoảng mùa thu năm 2022” – bà Tamiko Kitagawa nói.
Ngoài ra, gần đây chính phủ Hàn Quốc hay Nhật Bản đã thắt chặt quy định với công dân khi trở về, gây khó khăn cho hoạt động du lịch quốc tế. Theo bà Kim Kyung Jin, lo ngại về biến thể Omicron khiến cho thị trường du lịch tại Hàn Quốc “vừa sống lại trong thời gian ngắn” đã trở lại trạng thái “đóng băng”. Ông Fujinami Koji cho biết hiện nay người Nhật Bản chủ yếu đi du lịch trong nước, vì việc ra nước ngoài vẫn rất khó khăn khi chính phủ nước này duy trì chính sách tự cách ly 14 ngày sau khi trở về.
Đoàn khách Hàn Quốc đi du lịch ở TP.HCM trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: Duy Phương
Việt Nam cần quảng bá mạnh mẽ hơn
Theo bà Tamiko Kitagawa, thông tin về các điểm đến Việt Nam không đầy đủ tại Nhật Bản, đó là một điểm bất lợi lớn. “So với các điểm đến như Bali, Phuket hay Singapore, tôi thấy hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam trên các tạp chí và truyền hình Nhật là khá ít. Từ bây giờ, Việt Nam cần bắt đầu các kế hoạch để trở thành điểm đến được yêu thích sau đại dịch Covid-19. Quan trọng là quảng bá rộng rãi thông tin và lợi thế so sánh so với các địa điểm của quốc gia khác”.
Ông Fujinami Koji cho rằng với năm 2022, điều quan trọng đầu tiên để thu hút khách du lịch Nhật Bản vẫn là an toàn trước dịch bệnh Covid-19, sau đó là các điểm đến mới như Phú Quốc. Du khách cũng mong đợi nhiều trải nghiệm hơn tại Việt Nam, như thưởng thức ẩm thực và tìm hiểu văn hóa.
Bà Ratiwan Boonprakhong (Giám đốc Văn phòng TP.HCM, Tổng cục Du lịch Thái Lan) cho biết du khách Thái Lan vẫn đánh giá cao và thích đi du lịch Việt Nam từ trước đại dịch Covid-19: “Chính phủ cũng như doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần sử dụng công nghệ thông tin để giao tiếp với du khách, chú trọng thông điệp nhất quán. Đối với các sản phẩm và dịch vụ du lịch, cần tập trung trình bày những điểm độc đáo, nét tự nhiên, trải nghiệm bản địa, sự hiếu khách… vốn là thế mạnh của Việt Nam mà du khách Thái Lan đánh giá cao”.
Theo bà Kim Kyung Jin, hiện nay khách du lịch Hàn Quốc quan tâm nhiều hơn về gói “staycation” tại khách sạn, vì vậy Việt Nam có thể thu hút khách Hàn Quốc nếu quảng bá các khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp tại Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng hay khắp cả nước.
“So với một số nơi trong khu vực, Việt Nam có điểm đến du lịch đa dạng hơn, từ đô thị, khu nghỉ dưỡng, thiên nhiên và cả các sân golf. Việt Nam có đủ sức hấp dẫn với du khách. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam đang được mở rộng, kết nối đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng tăng lên” – bà Kim Kyung Jin nói.
Kỳ vọng từ đường bay thương mại
“Được biết tháng 1/2022, Việt Nam sẽ tái mở cửa chuyến bay thương mại quốc tế. Đây thực sự là tin rất tốt cho ngành du lịch của chúng tôi” – bà Tamiko Kitagawa nói. Dù thị trường Nhật Bản chưa sẵn sàng, nhưng Showa Travel đã bắt đầu giới thiệu hình ảnh đẹp của Việt Nam đến người dân Nhật và chuẩn bị các kế hoạch kinh doanh. “Khách hàng của chúng tôi đã có kế hoạch du lịch nước ngoài vào năm 2022. Chúng tôi đang giới thiệu các gói tour Việt Nam, trong đó Hạ Long, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc là những điểm du lịch rất được yêu thích”.
Đại diện Công ty Discova (khu vực Việt Nam, Trung Quốc) – ông Trần Gia Bách cho rằng việc mở lại đường bay thương mại quốc tế thường xuyên sẽ tạo thuận tiện và lòng tin của du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam. “Discova đã và đang đưa du khách quốc tế trở lại Thái Lan, Singapore và Indonesia. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn và an toàn. Chính phủ nên có lộ trình mở cửa từng phần đảm bảo cân bằng về sự an toàn, bền vững và trải nghiệm thú vị” – ông Trần Gia Bách nói.
Với Travel Diary, bà Kim Kyung Jin khẳng định nếu các chuyến bay thường lệ đến Việt Nam được nối lại, công ty này sẵn sàng triển khai các sản phẩm như combo khách sạn – vé máy bay, tour du lịch chuyên đề hoặc kết hợp với các hãng lữ hành lớn tại Hàn Quốc để đưa khách đến Việt Nam; trong đó có những sản phẩm trọn gói về chơi golf và nghỉ dưỡng.
“Tôi tin rằng người Hàn Quốc rất muốn đến thăm Việt Nam trong năm 2022, nếu biên giới hai nước mở lại. Hơn 4 triệu du khách Hàn Quốc đã tới Việt Nam vào năm 2019, chúng ta hoàn toàn có thể lặp lại điều này” – bà Kim Kyung Jin nói./.