Tìm về “thuở bình minh” của vũ trụ

Hình ảnh mô phỏng JWST trong vũ trụ

JWST trị giá 9 tỷ USD, được chế tạo trong 30 năm, là sản phẩm hợp tác giữa Mỹ, châu Âu, Canada. Kính thiên văn này nặng 6 tấn, dài 12m, với nhiều công nghệ tinh vi, được nhiều người coi là “cỗ máy nhân loại chưa từng chế tạo ra”. Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), kế hoạch phóng JWST đã bị hoãn tới 3 lần vì nhiều lý do khác nhau. Sự kiện phóng JWST có thể xem như một món quà Giáng sinh lớn dành cho các nhà khoa học đã chờ đợi 3 thập niên.

NASA cho biết, sau khi phóng khoảng 26 phút, JWST tách khỏi tên lửa để bắt đầu hành trình của mình. JSWT sẽ di chuyển đến điểm nằm trong quỹ đạo Mặt trời cách Trái đất khoảng 1,6 triệu km, tức gấp 4 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng. Đích đến của JWST là nơi nhiệt độ ở vào khoảng -2330C. Nhiệt độ càng lạnh và càng xa ánh sáng Mặt trời, kính sẽ càng hoạt động tốt hơn. Gần 30 ngày nữa, JWST sẽ đến đích. Những hình ảnh đầu tiên do JWST thực hiện đến với công chúng trong 6 tháng.

JWST là thế hệ sau của kính viễn vọng không gian Hubble. Siêu kính viễn vọng JWST có kích thước và độ phức tạp chưa từng thấy. Phần gương của nó có đường kính đến 6,5m, gấp hơn 2 lần so với kính Hubble, được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác. Nó lớn đến mức NASA phải gấp lại để lắp vào tên lửa.

JWST có quỹ đạo quay quanh Mặt trời là 1,5 triệu km tính từ Trái đất, xa hơn nhiều so với kính viễn vọng Hubble chỉ hoạt động trên quỹ đạo của Trái đất tại độ cao khoảng 610km kể từ năm 1990.

JWST, kính thiên văn lớn nhất được đưa lên vũ trụ cho đến nay, có thể nhận dạng những thiên hà đầu tiên, cũng như bầu khí quyển của các hành tinh xa xôi, có khả năng có sự sống. Hãng tin Reuters cho biết, JWST mạnh gấp 100 lần so với Hubble. Khác với Hubble (quan sát với ánh sáng thường), JWST quan sát bằng tia hồng ngoại.

Kính thiên văn Hubble đã làm nên một cuộc cách mạng trong hiểu biết của con người về vũ trụ, đặc biệt là việc phát hiện ra nhiều hố đen, đã được thiên tài Einstein mô tả kỹ trong các lý thuyết về vũ trụ của ông. Năm 2017, với Hubble, các nhà thiên văn đã phát hiện được hố đen ra đời chỉ 690 triệu năm sau vụ nổ Big Bang, vào lúc vũ trụ của chúng ta “còn trẻ”. Quan sát của Hubble đã đảo lộn một số lý thuyết đã có về giai đoạn vũ trụ ra đời.

Với JWST, các nhà khoa học muốn đi xa hơn. Nhiệm vụ của JWST là truy tìm những dấu tích sớm nhất ở giai đoạn “bình minh” của vũ trụ – khoảng 100 triệu năm sau vụ nổ Big Bang, tức là cách đây khoảng 13,7 tỷ năm (xa hơn khoảng 300 triệu năm so với khả năng quan sát của kính Hubble).

Nhiều người đã ví JWST là “cỗ máy đi ngược thời gian”. Việc khám phá vũ trụ ở khoảng thời gian hơn 13 tỷ năm trước sẽ giúp giải đáp các câu hỏi cơ bản về vũ trụ. Nhìn lại lịch sử ban đầu của vũ trụ, hiểu sự hình thành của các ngôi sao và thiên hà đầu tiên; từ đó hiểu về sự hình thành của Trái đất, về loài người, về vị trí của chúng ta trong vũ trụ. Ngoài ra, kính thiên văn thế hệ mới này cũng sẽ cung cấp thông tin mới về gần 5.000 hành tinh nằm ngoài hệ Mặt trời.