Tìm ra lý do khiến người đầu tiên ghép tim lợn không thể qua khỏi: Cầm chắc phần sống trong tay vẫn ra đi vì sự cố y khoa không lường trước nổi
Đầu năm 2022, ca ghép tim lợn biến đổi gen cho người đầu tiên thành công đã khiến cả thế giới chú ý, người nhận là ông David Bennett Sr. (57 tuổi, Mỹ). Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau đó, tình trạng của ông đột ngột chuyển biến nặng và được thông báo không qua khỏi.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, các chuyên gia đã tìm ra nguyên nhân khiến ông Bennett ra đi.
Trang Daily Mail đưa tin, trước đó, các bác sĩ tham gia cấy ghép tim cho ông đã tìm đủ mọi cách để chọn ra loại thuốc điều trị phù hợp với bệnh nhân nhưng vẫn không thể cứu sống được ông Bennett. Người trực tiếp tham gia vào buổi cấy ghép tim – tiến sĩ Bartley Griffith cho biết, ông Bennett không bị nhiễm trùng nên lý do khiến cho bệnh nhân này ra đi thực sự khó hiểu.
Cho đến mới đây, MIT Technology Reviews đăng tải, tiến sĩ Griffith đã công bố kết quả từ các xét nghiệm cho thấy tim lợn được dùng để cấy ghép đã bị nhiễm một loại virus có tên cytomegalo. Đây là virus có thể gây ra các triệu chứng như đau mắt đỏ, hắt hơi và các biến chứng xấu khi mang thai. Trước đó, virus cytomegalo cũng từng được phát hiện trong các ca cấy ghép nội tạng thất bại ở khỉ đầu chó.
Tiến sĩ Griffith cho biết toàn bộ ekip đã không phát hiện được loại virus này trước khi tham gia phẫu thuật cấy ghép cho bệnh nhân nên nhiều khả năng cytomegalo chính là nguyên nhân gây ra sự mất mát lớn với gia đình ông Bennett.
Được biết, Công ty Công nghệ sinh học Revivicor là nơi đã nuôi dưỡng chú lợn để sử dụng lấy tim cấy ghép. Tại đây, nó đã được thay đổi bộ gen để giảm nguy cơ hệ miễn dịch bài trừ cơ quan nội tạng mới. Dù ekip phẫu thuật đã kiểm tra virus trong miệng chú lợn nhưng cytomegalo thường ẩn sau ở trong mô và rất khó phát hiện. Chuyên gia Joachim Denner thuộc Viện Virus học – Đại học Free Berlin cho rằng nhóm các bác sĩ phẫu thuật đã bỏ qua vị trí quan trọng kia khi làm xét nghiệm virus ở lợn cấy ghép.
Vị này nói thêm: “Con lợn được hiến tạng đã bị nhiễm bệnh, virus truyền qua cơ thể vật chủ mới qua đường cấy ghép”.
Trường hợp của ông Bennett khá đặc biệt vì trước đó ông có tiền sử suy tim, nhịp tim đập thất thường và không đủ điều kiện để ghép tạng người. Việc sử dụng tim lợn biến đổi gen có mục đích loại bỏ một phân tử đường trong tế bào, loại phân tử này gây ra hiện tượng thải trừ nội tạng siêu nhanh ở người.
Dù gia đình mất đi người cha thân yêu nhưng con trai của ông Bennett vẫn cho rằng ca phẫu thuật chính là phép màu và có ý nghĩa rất lớn đối với thế giới trong tương lai. Anh chia sẻ: “Chúng tôi rất biết ơn mọi sự cố gắng, mọi khoảnh khắc và mọi nỗ lực của mọi người để mang tới một kỳ tích lịch sử này. Câu chuyện của cha tôi sẽ là mở đầu của hy vọng mới chứ không phải là sự kết thúc!”.
Ca ghép tim của ông Bennett từng gây chấn động vì đã tạo nên kỳ tích. Vì vậy, các nhà khoa học vẫn có thể tiếp tục nghiên cứu để tìm ra phương pháp tốt nhất cấy ghép nội tạng ở con người trong tương lai.