Bé trai 12 tuổi đi bốc cám, chặt củi nuôi cả nhà 5 người, cha thoi thóp trên giường bệnh

Học đến lớp 5, K"Sơn xin mẹ cho nghỉ, đi kiếm tiền nuôi cha và các em. Ngày biết tin bố không thể qua khỏi, em nghẹn ngào khóc…

Cậu bé đi bốc cám, được trả 180k/ngày

“Mẹ ơi con thấy mẹ tội nghiệp quá, không có ai lo. Con sẽ đi kiếm tiền mua sữa cho cha, cho em…”.

K"Sơn vừa nhìn mẹ, vừa nói một câu đầy sự quả quyết. Cậu bé 12 tuổi người gầy gò, làn da đen nhẻm nhưng đôi mắt rất sáng. Nắng gió cao nguyên đã biến K"Sơn dạn dĩ, trưởng thành hơn những cậu bé cùng trang lứa.

Đã 3 năm qua, anh K"Bun (33 tuổi) – cha của K"Sơn bị bệnh nặng, người chỉ còn da bọc xương. Anh cũng không rõ bản thân bị bệnh gì, chỉ biết sau một hôm đi hái cà, đầu óc anh choáng váng, ngất lịm trong vườn. Mở mắt ra, anh thấy tay chân tê cứng, người mệt mỏi, đau nhức. Kể từ ngày đó, anh nằm liệt giường, ăn uống, tắm rửa hay vệ sinh đều phải nhờ vào vợ con.

Anh K"Bun người gầy rộc vì bệnh lạ, chỉ nặng 30kg

Chị K"Tuyết (31 tuổi) biết chồng bệnh nặng nhưng nhà nghèo, chị không dám vay mượn ai để đưa anh đi khám. Chị bảo vay rồi sợ rằng sẽ không có khả năng trả….

“Tưởng dần dần sẽ khỏi, nào ngờ càng ngày càng nặng. Lúc trước anh vẫn đi làm bình thường, bảo vợ chỉ cần ở nhà nấu cơm, nuôi con thôi, chồng đi làm là được rồi. Ai ngờ…“, chị K"Tuyết nghẹn ngào.

Cả hai vợ chồng chị K"Tuyết là người đồng bào dân tộc thiểu số, sống nơi rừng núi bao quanh ở một thôn nhỏ, xã Liên Sơn, huyện Đam Krong, tỉnh Lâm Đồng. Lấy nhau được 13 năm, chị K"Tuyết sinh được 3 người con. K"Sơn là anh trai cả, 12 tuổi, ở dưới là cậu em đang đi học trường nội trú cách nhà chục cây số. Ở đó người ta nuôi ăn, ở, lo cả phí học hành cho những con em hộ nghèo. Bé gái 2 tuổi là con út, lúc nào cũng bám mẹ, khóc ngặt.

Từ việc ăn uống, vệ sinh, anh K"Bun phải nhờ tới vợ
Chị K"Tuyết khóc khi thấy chồng yếu dần theo từng ngày

Từ ngày cha bị bệnh, K"Sơn trở thành chỗ dựa lớn nhất của mẹ. Học đến lớp 5, K"Sơn xin mẹ nghỉ, cho đi kiếm tiền nuôi cha và các em. Ngày nào cũng đều như vắt chanh, cậu bé dậy sớm, lên rừng kiếm củi xuống thị trấn bán.

Trước em còn lên cả Đắk Lắk, cách nhà vài chục cây số để đi bốc cám thuê. Mỗi ngày như thế, K"Sơn được người ta trả công 180k/ngày. Khoản tiền đó khi ấy là con số rất lớn với cậu bé 12 tuổi.

Giờ hết mùa vụ, không ai mướn nữa, K"Sơn đi nhặt củi, có khi trong thôn xóm ai nhờ công việc gì đó, người ta lại trả em 2, 3 nghìn đồng. Có người đến thăm nhà, hỏi đùa cậu bé rằng sẽ đưa em lên Sài Gòn làm thuê, trả 3 triệu/tháng, em có muốn đi không? K"Sơn lập tức gật đầu không đắn đo.

Trong suy nghĩ của cậu bé hiếu thảo chỉ mong sẽ kiếm thật nhiều tiền để mua sữa, mua thuốc cho cha. Từ đầu năm nay tới giờ, K"Sơn đã phụ giúp mẹ kiếm được hơn 2 triệu.“Con muốn đi học mà không được. Con phải lo cho em, cho mẹ, cho ba”, K"Sơn thật thà.

K"Sơn đi bốc cám, chặt củi kiếm tiền nuôi cha

Bật khóc khi biết tình trạng của cha 

Cách đây 1 tháng, một vài mạnh thường quân biết tới hoàn cảnh đã gửi chị K"Tuyết hơn 4 triệu để đưa chồng đi khám bệnh. Nhưng khi lên đến Bệnh viện Đa khoa Đà Lạt và cả Bệnh viện Sài Gòn, chị chỉ nhận được những cái lắc đầu. Bệnh anh K"Bun đã diễn biến quá nặng, các bác sĩ trả về vì không cứu chữa nổi nữa.

“Bác sĩ nói chồng bị suy thận, viêm gan, xơ gan, tiểu đường… Nhiều bệnh lắm. Chắc có dấu hiệu từ ngày xưa nhưng không biết, nhà nghèo không có tiền đi khám. Sau này anh đi rồi mấy mẹ con biết bấu víu vào ai…”, chị K"Tuyết buồn rầu.

Từ ngày ở viện về, anh K"Bun lại càng thêm yếu. Anh không uống nổi sữa, ăn vào đến đâu nôn tới đó. Cả thân hình gầy gò của người cha 33 tuổi chỉ nặng ước chừng 30kg.

K"Sơn ngoan ngoãn làm việc nhà, chăm bố chăm em

K"Sơn biết bố bệnh nặng khó cứu chữa nên nghỉ kiếm củi, ở nhà lo cơm nước, giặt quần áo và chăm sóc cha. Ngày thường, mấy bố con chỉ ăn cơm trắng với cà, thêm chút rau rừng.

Hôm nào dư dả lắm, chị K"Tuyết sẽ mua thêm 20 nghìn tiền thịt về nấu cho cả nhà ăn. Những bữa cơm đó, K"Sơn nhường cha và em gái ăn hết, còn em chỉ ăn canh rau.

Tới bữa, 2 anh em chỉ ăn cơm trắng với cà

Chị Păng Tinh K Măng, đại diện Ủy ban Mặt trận thôn 6 (xã Liên Sơn) cho biết, hoàn cảnh gia đình chị K"Tuyết rất tội nghiệp. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn nhất của xã. Thấy bé K"Sơn ngoan ngoãn, mới 12 tuổi nhưng rất hiểu chuyện, vừa chăm bố và các em, dân làng rất thương.

“Trước gia đình được mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng cho căn nhà tình thương, đợt vừa rồi cũng quyên góp tiền cho vợ chồng đi khám. Nhưng bệnh nặng quá, người ta trả về, nói rằng đến giai đoạn cuối rồi. Hàng xóm cũng qua lại thăm hỏi, động viên cố gắng, ai cũng xót xa cho mấy mẹ con.

Có bé K"Sơn mới nghỉ học được 1 năm nay, cháu hiếu thảo, rất thương bố. Mọi người khuyên nên cho cháu đi học lại, K"Sơn cũng bảo cũng thích đến trường nhưng hoàn cảnh không cho phép”, chị Măng cho biết thêm.

Trường hợp của em Nguyễn Văn Tốt (13 tuổi) và Nguyễn Văn Được (11 tuổi) cũng không tốt hơn câu chuyện của cậu bé K"Sơn là mấy. Từ ngày mẹ bỏ đi, cuộc sống của hai anh em luôn trong tình trạng bấp bênh bữa no, bữa đói. Cha 2 em là Nguyễn Văn Toàn (42 tuổi) lâm bệnh nặng, Tốt và Được cùng nhau chăm sóc cha.

Theo thông tin trên báo Thanh Niên cho biết, anh Toàn có kinh nghiệm 25 năm sửa đồ dân dụng dạo chăm chỉ làm lụng để nuôi gia đình. Một năm trước, gia đình anh qua Đồng Tháp thuê trọ, đi làm kiếm sống. Không hiểu vì lý do gì, mẹ các em bỏ đi từ đó. Cách đây vài tháng, anh Toàn bị đột quỵ do tai biến mạch máu não. Sức khỏe suy yếu nên anh chỉ nằm một chỗ. Tất cả chuyện sinh hoạt, thuốc thang anh đều cần sự giúp đỡ từ 2 con thơ. Mới đây, Tốt nghỉ học để nhường cơ hội cho em.

Hằng ngày, bên cạnh giường bệnh của cha là những cuộn lưới Tốt nhận về đan kiếm tiền. Hằng ngày, Tốt cặm cụi đan, cố gắng càng nhiều càng tốt. Mỗi sản phẩm hoàn thiện được trả 4.000 đồng. Tiền gom góp mua thuốc chữa trị bệnh tình cho cha, nhưng cũng chẳng đâu vào đâu. “Em cũng muốn đi học lắm nhưng đi học thì ai lo cho cha bây giờ. Em ước phải chi có phép màu xảy ra cho cha khỏi bệnh, em lại được đến trường, dù có đi học trễ 2, 3 năm so với các bạn thì em cũng không mắc cỡ mà sẽ rất vui”, Tốt bày tỏ. Hiện việc học của Được cũng nhiều trắc trở, nhưng em cũng phải cố gắng để cha và anh vui.

Câu chuyện của em Nguyễn Mạnh Cường (SN 2008, ở thôn Thọ Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) ai cũng không thể nào kìm được nước mắt.

Dẫn nguồn trên báo Dân Trí cho biết, em Cường không có cha cha từ năm 14 tuổi, Cường là trụ cột trong gia đình, đôi bàn tay của em chai sạn vì hàng ngày phải mò cua, bắt ốc mang đi bán để lấy tiền nuôi mẹ bị bệnh tâm thần.

Chia sẻ với phóng viên, Cường rưng rưng: “Mẹ bị như thế này lâu rồi chú ạ. Mẹ la hét và nói nhảm cả ngày, hôm nào nắng nóng còn bỏ đi lung tung. Có những ngày cháu đi học về thấy mẹ nằm lịm một góc giường vì đói nên chỉ biết hô hoán làng xóm đến cứu giúp”.

Trời xế trưa, Cường vội chạy xuống bếp nhưng nhìn xung quanh chẳng có một thứ gì kể cả gạo nấu cơm. Nhìn sang mớ cua, ốc mới bắt được ngày hôm qua, Cường gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt nói: “Hôm qua cháu gặp may nên bắt được khoảng 3kg cua và ốc nên tý nữa đi bán chắc mua được vài cân gạo để mẹ con ăn cả tuần chú ạ”.

Hoài Phương (T/H)