Sự thật về những đứa trẻ trên vỏ hộp sữa: Cơn ác mộng bao trùm khắp nước Mỹ và giấc mơ đoàn tụ của hàng triệu gia đình đau đớn vì mất con
Đã có một thời kì những hộp sữa in hình mặt những đứa trẻ như thế này đã được chuyển đi khắp nước Mỹ, chở cùng hy vọng của hàng triệu gia đình sống trong nỗi đau mất con.
Trước khi các chương trình đài phát thanh đưa tin về các vụ trẻ em đi lạc hay bị bắt cóc, những thông tin và hình ảnh về chúng được in trên bìa hộp sữa trong suốt những năm 1980. Vậy nên, thế hệ trẻ em mất tích giai đoạn này được biết đến với tên gọi “Những đứa trẻ trên vỏ hộp sữa”.
Trong ký ức của một chỉ huy cảnh sát ở Chicago có tên Joe Mayo, những năm ấy trôi qua với sự hiện diện của nỗi buồn xen lẫn hy vọng: “Vào mỗi buổi sáng, khi mọi người cầm trên tay hộp sữa in hình các cậu bé hay cô bé bị mất tích cùng những dòng thông tin ngắn ngủi về chúng, họ sẽ để ý và nhớ khuôn mặt những đứa trẻ đó. Và biết đâu, một sự tình cờ nào đó sẽ giúp gia đình những đứa trẻ đó tìm được chúng”.
Ý tưởng sản xuất hộp sữa in các mảnh tin tìm trẻ mất tích ra đời như thế nào?
Truyền thông hồi đó không giống bây giờ, không có tờ báo nào được phát hành rộng rãi toàn quốc, không có phát sóng trực tiếp và cũng không có web tin tức quốc tế. Vì vậy, trong trường hợp khẩn cấp, cách duy nhất người dân có thể làm là nhấc điện thoại lên và quay số. Nếu có con mất tích, cha mẹ sẽ nhanh chóng đến quầy photocopy để in hàng trăm tờ giấy “tìm người” rồi đi dán khắp nơi, trong mọi ngóc ngách của khu phố.
Mọi chuyện bắt đầu khi cậu bé giao báo tên là Eugene Martin bị mất tích gần thành phố Des Moines, Iowa vào năm 1984. Lúc bấy giờ, em đã là người giao báo thứ hai mất tích.
Thế rồi, người nhà Martin đã nhờ ông chủ của mình lúc bấy giờ, là người đứng đầu công ty sữa Anderson & Erickson Dairy giúp đỡ. Thấy họa không thể nhắm mắt làm ngơ, ông này đã đồng ý và quyết định in hình và tên của cả hai chàng trai đưa báo lên các hộp sữa, thay cho quảng cáo truyền thống trên hộp sữa.
Cuối cùng, vào tháng 12/1984, Hội đồng An toàn Trẻ em Quốc gia đã thông qua và mở rộng Chương trình in ảnh trẻ em mất tích lên bìa hộp sữa để giúp tìm kiếm khoảng 1,8 triệu trẻ em bị mất tích hàng năm.
Ảnh và thông tin của trẻ em mất tích đã được in trên hàng triệu hộp sữa, góp phần đưa khuôn mặt của những đứa trẻ, cũng như thảm họa quốc gia này tới hàng triệu người Mỹ và cá nhân trên toàn thế giới. Tất cả các chi phí liên quan đều do Hội đồng hỗ trợ.
Cậu bé 6 tuổi Etan Patz là đứa trẻ đầu tiên trong chiến dịch rộng khắp này của nhà nước. Khi đang đi bộ tới bến xe buýt ở khu phố SoHo của thành phố New York vào năm 1979, em đã biến mất một cách bí ẩn và không còn trở về nữa. Tuy nhiên, điều khiến dư luận phải quan ngại hơn cả là khu phố này được xem là nơi rất an toàn, hàng xóm ai cũng biết nhau.
Sự biến mất của Etan đến tai các bậc phụ huynh trên khắp đất Mỹ qua những hộp sữa, khiến họ càng thêm lo sợ cho an nguy của chính những đứa con ở nhà, ở trường hay đang rong chơi ở đâu đó.
Dần dà theo thời gian, quy mô của ý tưởng này được mở rộng hơn nữa. Ảnh của những đứa trẻ mất tích xuất hiện không chỉ trên vỏ hộp sữa mà còn trên túi đựng tạp phẩm giấy, danh bạ điện thoại và trên các hộp bánh pizza.
Chương trình ý nghĩa này cũng len lỏi vào văn hóa nhạc pop với bài hát “The Face on the Milk Carton” của Caroline B. Cooney – đĩa nhạc bán chạy nhất năm 1990. Sau này, “Những đứa trẻ trên vỏ hộp sữa” đã trở thành hình tượng tiêu biểu của năm 2011.
Hiệu quả của chiến dịch “Những đứa trẻ trên vỏ hộp sữa”?
Mặc dù tính hiệu quả còn hạn chế, khoảng 5 tỷ hộp sữa đã được phân phối trong thời kỳ đỉnh cao của chương trình. Tuy nhiên, hầu hết những đứa trẻ trên hộp vỏ sữa không bao giờ được tìm thấy, bao gồm cả hai cậu bé giao báo và Etan Patz kể trên. Nhiều năm sau, người được cho là đã giết cậu bé Patz đầu thú và vừa bị kết án vào tháng 2 năm ngoái.
Được nhắc đến nhiều là trường hợp của cô bé Bonnie Lohman 7 tuổi – đang ở với mẹ và cha dượng – tình cờ nhìn thấy ảnh của mình trên vỏ hộp sữa. Tuy cô bé không hiểu nội dung nhưng cuối cùng cảnh sát cũng biết đến sự việc thông qua những người hàng xóm. Lohman sau đó đã được đoàn tụ với cha cô.
Trung tâm Quốc gia về Trẻ em mất tích nước Mỹ cho biết, khoảng 800.000 trẻ em bị mất tích mỗi năm, 200 trong số đó bị người lạ mặt bắt cóc. Chiến dịch “Những đứa trẻ trên hộp sữa” tạo ra một nỗ lực phối hợp nhằm tìm kiếm trẻ em mất tích.
Mãi cho đến năm 1996, hệ thống cảnh báo truyền hình công nghệ đưa tin việc mất tích – bắt cóc Amber được thành lập. Các thông báo ngày nay được gửi tới điện thoại di động, phát trên các bảng kỹ thuật số bên đường và truyền đi qua đài truyền hình. Vào năm 2015, hệ thống Amber đưa ra 182 cảnh báo trong đó có 153 trường hợp đã được giải quyết.