Phát hiện loài rắn có cách săn mồi tàn nhẫn và kinh khủng bậc nhất từ trước đến nay
Cách một con rắn săn mồi như thế nào? Nghe đến đây, dám chắc rằng bạn sẽ tưởng tượng ra khung cảnh chúng xông vào cắn mồi, tiêm vào đó một chất kịch độc, rồi nuốt trọn nạn nhân xấu số của mình bằng chiếc miệng với bó cơ được thiết kế đặc biệt. Trăn cũng gần giống như vậy, chỉ khác là thay vì cắn, chúng siết mồi mà thôi.
Tuy nhiên, có một loài rắn không áp dụng cả 2 kiểu săn mồi này. Đó là loài rắn kukri châu Á (còn gọi là rắn khiếm), sinh sống tại Thái Lan. Loài rắn này sở hữu 2 chiếc răng nanh sắc nhọn với hình dạng tựa như một con dao quắm (kukri), cùng một cách săn mồi tàn nhẫn hơn rất nhiều. Thay vì cắn rồi bơm độc, chúng lợi dụng chiếc răng ấy để… mổ bụng, phanh thây và ăn nội tạng, trong khi con mồi vẫn đang còn sống.
Chú cóc đáng thương bị con rắn chui thẳng vào bụng, moi nội tạng
Đó là cảnh tượng được Henrik Bringsøe – nhà khoa học tại ĐH Michigan (Hoa Kỳ) chứng kiến. Cụ thể, con rắn kukri đã tấn công một con cóc chấm đen – Duttaphrynus melanostictus, một loài cóc có độc của châu Á. Sau khi tiếp cận, con rắn sử dụng chiếc nanh sắc nhọn để mổ bụng cóc, rồi… chui thẳng đầu vào trong vết thương để ăn sạch nội tạng. Toàn bộ phần xác còn lại không hề bị đụng tới.
Được biết, cách xử lý mồi này chưa từng được biết đến ở loài rắn. Một số có thể xé nhỏ xác mồi để ăn, còn đa số sẽ nuốt chửng toàn bộ con mồi. Chưa bao giờ có chuyện rắn chui vào bụng để ăn nội tạng như vậy cả.
Báo cáo nghiên cứu cũng mô tả lại trận chiến giữa chú cóc nạn nhân và con rắn tàn bạo kia. Đó là một trận chiến hết sức quyết liệt, khi con cóc làm mọi cách để cứu lấy tính mạng của mình, bao gồm cả việc tiết ra độc chất màu trắng trên da. Theo các nhà khoa học, độc chất của cóc là thứ rắn không thể tiêu hóa được. Vậy nên, con rắn đã nghĩ ra cách né được số độc này, mà vẫn có một bữa ăn hoàn chỉnh.
Bringsøe cho biết, họ đã quan sát được 3 trường hợp rắn kukri tấn công cóc độc. Lần đầu vào năm 2016, họ phát hiện ra xác của một con cóc, với các dấu hiệu cho thấy một trận chiến quyết liệt đã xảy ra tại hiện trường. Con rắn ở cạnh đó, chậm rãi chui đầu vào vết thương, rút nội tạng như gan, tim, phổi của nạn nhân ra ngoài rồi thưởng thức.
Lần thứ 2 là vào ngày 22/4/2020, với một trận chiến kéo dài 3h đồng hồ. Con rắn tấn công, rút lui rồi lại tấn công – chiến lược vốn sử dụng để đối phó với độc chất mà cóc tiết ra. Đến phút cuối, con cóc kiệt sức và phải chịu cảnh bị mổ bụng, moi nội tạng khi vẫn đang còn thở.
5/6/2020, họ lại bắt gặp cảnh một con rắn kukri tấn công cóc – lần này thì không moi nội tạng nữa mà nuốt chửng. Tuy nhiên, lần gần nhất bắt gặp vào ngày 19/6 thì lại như cũ: con rắn xé toang bụng cóc, chui vào trong để thưởng thức bữa ăn rợn người.
Lý giải cho trường hợp ngày 5/6, Bringsøe cho biết nguyên nhân có thể vì con cóc ấy vẫn còn nhỏ, nghĩa là khả năng gây độc thấp hơn so với cá thể trưởng thành, nên con rắn mới có thể nuốt trọn. Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể chẳng liên quan đến nọc độc. Chúng xé xác, moi ruột cóc trưởng thành đơn giản là vì con cóc ấy quá to để nuốt thôi. Dẫu vậy thì đây vẫn chỉ là giả thuyết, cần được kiểm chứng trong tương lai.
Được biết, rắn kukri là một loài rắn khá lớn sinh trưởng tại Thái Lan, có chiều dài lên tới hơn 1m. Dù có cách săn mồi khá ghê rợn, nhưng Bringsøe cho biết loài rắn này vốn không gây nguy hiểm cho con người. Dẫu vậy, trong nọc của chúng có chất chống đông máu, có khả năng khiến vết thương trầm trọng hơn nếu không được chữa trị.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Herpetozoa.
Nguồn: Science Alert