Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh tiểu đường vì 1 thói quen khi ăn
Vì công việc hoặc học hành bận rộn, rất nhiều người trẻ có thói quen ăn vội vàng, nhai không kỹ. Đây là nguyên nhân dẫn tới bệnh tiểu đường.
Tiến sĩ Wang Ping là 1 trong những chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành của Y tế Trung Quốc. Trong 1 bài viết gần đây trên trang Sohu (Trung Quốc), ông cho biết rất quan ngại về tốc độ gia tăng bệnh nhân tiểu đường ở quốc gia này. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những thói quen ăn uống không lành mạnh.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, thời gian ăn, số lượng bữa ăn mỗi ngày, Tiến sĩ Wang đã đề cập đến 1 yếu tố gây bệnh tiểu đường ít người chú ý là tốc độ ăn. Ông giải thích, ngoài việc ảnh hưởng đến tiêu hóa, gây bệnh dạ dày thì ăn quá nhanh, nuốt vội, nhai không kỹ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
Ông cho biết, Đại học Kyushu Nhật Bản cũng đã nghiên cứu 59.717 người Nhật mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và chỉ ra rằng tốc độ của bữa ăn ảnh hưởng đến béo phì và BMI (chỉ số vóc dáng). Cụ thể, các chỉ số này đều tăng lên khi chúng ta ăn nhanh.
Theo kết quả phân tích, người ăn nhanh chiếm tới 37,6% (22.070 người) trong số 59.717 bệnh nhân kể trên. Nghiên cứu được thực hiện bởi Tiến sĩ Haruhisa Fukuda và đã được công bố trên ấn bản trực tuyến của “Tạp chí Y khoa Anh”.
Tương tự, nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Hiroshima Nhật Bản, đứng đầu là Tiến sĩ Takayuri Yamaji cũng cho kết quả như vậy. Nghiên cứu này đã theo dõi hơn 1000 người trong vòng 5 năm. Họ được chia làm 3 nhóm: ăn chậm, ăn tốc độ trung bình và ăn nhanh.
Kết quả, chỉ hơn 2% người thuộc nhóm ăn chậm phát triển hội chứng chuyển hóa, trong khi tỷ lệ ở nhóm ăn tốc độ trung bình là 6,5%. Đáng báo động khi có tới 11,6% người ở nhóm ăn nhanh đối mặt với tiểu đường.
Cách giải thích của Tiến sĩ Wang và các nhà khoa học trong các nghiên cứu trên đều đồng nhất rằng ăn quá nhanh làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường qua 2 cách:
1. Tác động đến tuyến tụy
Bởi vì ăn nhanh khiến tuyến tụy phải tiết ra insulin cần thiết trong 1 thời gian ngắn. Điều này tạo ra áp lực cho tuyến tụy, khiến tụy bị suy yếu, dễ dẫn đến các vấn đề như giảm lượng insulin được tiết ra hoặc insulin không hoạt động đúng chức năng ngay cả khi được tiết ra. Lâu dần, dẫn đến khó kiểm soát hoặc kháng insulin và hình thành bệnh tiểu đường.
2. Tác động đến não bộ
Thông thường, khi thức ăn được hấp thụ, lượng glucose sẽ tăng lên và làm tăng chỉ số đường huyết. Lúc này, “trung tâm no” ở hạ đồi não sẽ từ từ đánh giá và đưa ra chỉ dẫn để cơ thể ngừng ăn.
Tuy nhiên, nếu ăn nhanh sẽ khiến glucose và lượng đường huyết thay đổi bất ngờ. Lâu ngày sẽ khiến “trung tâm no” gặp vấn đề, không còn nhạy bén, thậm chí khiến bạn ăn bao nhiêu vẫn không có cảm giác thật sự no. Như vậy, lượng thức ăn nạp vào sẽ bị tăng lên, không chỉ làm lượng đường trong máu tăng mà còn dễ dẫn đến thừa cân, béo phì. Từ đó dễ dẫn đến bệnh tiểu đường, tim mạch.
Theo các chuyên gia, để não cảm nhận được sự gia tăng đường huyết phải mất khoảng 15 phút. Vì vậy, chúng ta nên dành ít nhất 15 phút cho mỗi bữa ăn.
Ngoài ra, “trung tâm no” cũng là trung tâm thần kinh giao cảm nên khi chúng ta nhai kỹ, hệ thống thần kinh Histamin của não sẽ được kích hoạt, giúp dễ dàng đốt cháy chất béo nội tạng. Nên hãy nhớ ăn chậm, tốt nhất là nhai khoảng 30 lần và nuốt từng miếng nhỏ để bảo vệ sức khỏe cũng như kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể dễ dàng hơn.!.