Hồ nước 50.000 năm tuổi biến thành "sữa dâu" chỉ sau một đêm khiến giới khoa học ngẩn ngơ, chẳng ai hiểu vì sao
2020 có lẽ là năm của những vùng nước biết… đổi màu. Trong những ngày cuối tháng 5, nước Nga giật mình khi chứng kiến dòng sông băng thuộc vành đai Bắc Cực đổi thành màu đỏ như máu. Còn lúc này, đến lượt giới khoa học bất ngờ khi một cái hồ khổng lồ của họ cũng đột nhiên đổi màu nước, trở nên giống… sữa dâu hơn bao giờ hết.
Cụ thể thì đây là hồ Lonar, được hình thành sau một vụ va chạm thiên thạch từ 50.000 năm trước, nay nằm ở bang Maharashtra cách Mumbai khoảng 500km. Nước hồ vốn rất trong xanh – giống như bao chiếc hồ khác, nhưng đầu tuần qua bỗng chuyển sang màu đỏ hồng.
Nhưng không giống như sông băng Bắc Cực đổi màu vì tràn dầu, các nhà khoa học Ấn Độ vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân thực sự tạo ra chiếc hồ “sữa dâu” này. Dẫu vậy, họ đặt ra giả thuyết rằng có thể nồng độ muối trong nước đã thay đổi, khiến tảo phát triển mạnh hơn và làm đổi màu nước.
Ảnh hồ Lonar từ vệ tinh
Theo như các dữ liệu ghi lại, hồ Lonar đã từng đổi màu vào năm 2000, nhưng khi đó màu sắc không quá nổi bật, cũng không thu hút được sự chú ý của truyền thông. Lần này, màu sắc của hồ bỗng dưng quá rực rỡ, khiến các chuyên gia từ Viện kỹ sư khoa học Môi trường (NEERI) phải tới phân tích cẩn thận để tìm hiểu tại sao.
Gajanan Kharat – một nhà địa chất học địa phương đưa ra giả thuyết giải thích trong một video. “Độ mặn của nước hồ tăng cao do hạn hán kéo dài trong năm nay, cộng thêm nhiệt độ ấm đã khiến tảo phát triển mạnh,” Kharat giải thích. “Tảo thường trở thành màu đỏ trong các vùng nước ấm, và nó khiến nước hồ biến màu chỉ sau 1 đêm.”
Hồ Lonar lúc bình thường
Một số chuyên gia khác cũng tỏ ra đồng tình. Như giáo sư Suresh Mapari, vi khuẩn Halobacteria và tảo Dunaliella phát triển mạnh đã giải phóng sắc tố đỏ (carotenoid) vào nước hồ, khiến nước đổi màu rất nhanh. Dẫu vậy, kết luận ra sao thì còn cần kết quả thí nghiệm trong thời gian tới.
Được biết, hồ Lonar sâu 150m, rộng 1,8km, và là một trong những dấu vết lớn nhất của thiên thạch còn sót lại trên Trái đất. Bản thân hồ Lonar cũng từng là dấu hỏi lớn cho các nhà địa chất vào thế kỷ 19, khi ban đầu nhiều người cho rằng đây là một hồ núi lửa. Sau này, các bằng chứng địa chất chỉ ra dấu vết của thiên thạch, bí mật mới được làm sáng tỏ.
Nguồn: IFL Science