Giả thuyết cho rằng mái tóc là giác quan thứ sáu của con người: Thực hư ra sao?

Người xưa có câu “Cái răng cái tóc là góc con người”. Có thể nói, bộ tóc không chỉ có tác dụng làm đẹp mà còn là nơi gửi gắm nhiều thông điệp của con người.

Không dừng lại ở đó, một số quan điểm cho rằng tóc có liên quan trực tiếp đến sức mạnh cảm giác và nó đóng vai trò như một phần trong hệ thống thần kinh của chúng ta. Hay nói cách khác, tóc có thể hoạt động như giác quan thứ sáu.

TÓC LÀ GIÁC QUAN THỨ SÁU CỦA CON NGƯỜI

Trên thực tế, một số người lập luận rằng mái tóc dài đã mang lại cho người Mỹ bản địa những khả năng giác quan nhất định. Chúng hoạt động như một loại ăng-ten, giống như râu của loài mèo.

Một báo cáo tuyên bố rằng những người để tóc dài có trực giác nhạy bén hơn so với người để tóc ngắn. Tác giả giải thích rằng tóc dài có thể hoạt động như một phần mở rộng của hệ thần kinh, giống như cách truyền thông tin của râu mèo.

Một số người hoài nghi đối với kết luận này vì cho rằng tóc chỉ là tế bào chết (protein keratin) và như vậy, chúng không truyền được gì.

Tuy nhiên, các sợi tóc bắt nguồn từ da của chúng ta, và nang lông ở gốc là cơ quan tạo ra tóc. Tóc được kết nối với các thụ thể xúc giác trên da để cho chúng ta biết trời lạnh hay nóng, cho chúng ta cảm nhận cơn gió nhẹ hay sinh vật lạ đang tiếp xúc với cơ thể của chúng ta. Nó đóng vai trò như một thiết bị cảnh báo bảo vệ.

Có thể thấy rằng chúng ta thường dựng tóc gáy khi gặp nguy hiểm hoặc cảm thấy bị đe dọa (được gọi là nổi da gà hoặc nổi gai ốc). Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu có phải lông và tóc đang gửi tín hiệu đến để cảnh báo cho chúng ta?

Tuy nhiên, những giả thuyết này vẫn chưa được kiểm chứng và khẳng định tính chính xác. Chúng mới chỉ là những suy đoán ban đầu của các chuyên gia.

Trên thực tế, không thể phủ nhận một điều rằng mái tóc có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày.

Ý NGHĨA CỦA MÁI TÓC TRONG CUỘC SỐNG

Trong quan niệm của người Mỹ bản địa cổ xưa, mái tóc tượng trưng cho mối liên hệ chặt chẽ với linh tính và trực giác. Ở nhiều bộ lạc, tóc dài là biểu tượng của sự mở mang, vật chất và nội tâm.

Đối với người cổ đại, các kiểu tóc khác nhau giúp phân biệt các bộ lạc. Ngoài ra, kiểu tóc cũng biểu thị đó là thời kỳ chiến tranh hay hòa bình. Các phong cách tạo hình khác nhau được sử dụng để thể hiện địa vị và thứ hạng, hoặc được sử dụng cho các nghi lễ nhất định.

Trong nhiều nền văn hóa khác, việc cắt tóc của những kẻ phạm tội là một hình phạt nặng nề. Không dừng lại ở đó, trong xã hội hiện đại, việc cạo sạch hoặc rụng hoàn toàn tóc cũng thường tượng trưng cho sự thay đổi về nhiều mặt như thể chất, tâm lý, sinh học…

Bên cạnh đó, sức khỏe cũng thường được đánh giá bằng tình trạng của tóc. Nếu có bệnh tật hoặc căng thẳng, tóc sẽ là một trong những cơ quan có dấu hiệu đầu tiên. Tóc còn là một chỉ số phản ánh tuổi tác và phong cách của một người.

Liên quan quan đến mái tóc, ở Scotland có một câu chuyện cổ nói rằng nếu một con chim ác là ăn trộm tóc của ai đó và sử dụng nó để làm tổ, người đó sẽ không sống nổi quá một năm. Điều này tương tự với tín ngưỡng cổ xưa ở Lithuania. Họ cho rằng việc những con chim nhặt tóc của con người về sẽ khiến chủ nhân của nó bị đau đầu.

Có thể nói, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng chính xác để trả lời cho câu hỏi liệu tóc có đóng vai trò như một phần của hệ thần kinh hay không, nhưng điều chắc chắn là nó là phương tiện truyền đạt nhiều thông điệp của con người.

Trong tương lai, chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để làm sáng tỏ giả thuyết mái tóc là giác quan thứ sáu. Hy vọng rằng các nhà khoa học có thể sớm đưa ra câu trả lời cho vấn đề này.

https://soha.vn/gia-thuyet-cho-rang-mai-toc-la-giac-quan-thu-sau-cua-con-nguoi-thuc-hu-ra-sao-20211213014240239.htm