Bí ẩn kim tự tháp "ma" Trung Quốc chưa thể giải mã: Có thể tàng hình, thoắt ẩn thoắt hiện
Người dân Trung Quốc thường nhắc tới hàng chục gò đất lạ nằm rải rác trên một vùng đồng bằng bằng phẳng, biệt lập ở tỉnh Thiểm Tây, gần cố đô Tây An. Thế nhưng ít ai biết tới, ngoài các gò đất nọ, người dân địa phương còn truyền tai nhau câu chuyện về một kim tự tháp khổng lồ màu trắng, có mũ ngọc cao hơn 300 mét xuất hiện gần dãy núi Tần Lĩnh.
Với kích thước như vậy, nó hoàn toàn có thể vượt xa cả Đại kim tự tháp Giza. Điều đặc biệt là đã có nhiều nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy nhưng thực tế chưa ai có thể tìm ra. Bởi vậy, nó còn được biết đến như là kim tự tháp ‘ma".
PHÁT HIỆN LẦN 1 – FRED MEYER SCHRODER, 1912
Các báo cáo về việc nhìn thấy một kim tự tháp khổng lồ màu trắng ở Trung Quốc có từ hơn một thế kỷ trước trong nhật ký của nhà kinh doanh người Mỹ Fred Meyer Schroder. Ông cho biết mình đã phát hiện ra một kim tự tháp ở phía xa trong khi đi bộ với một hướng dẫn viên ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào năm 1912.
Meyer Scroder cho biết đã nhìn thấy một kim tự tháp khổng lồ, cùng với các kim tự tháp nhỏ hơn xung quanh nó.
Schroder ước tính rằng kim tự tháp chính cao ít nhất 300 mét với một cạnh 500 mét. Kích thước như vậy làm cho cấu trúc có thể tích lớn hơn 10 lần so với Đại kim tự tháp ở Ai Cập. Hướng dẫn viên người Mông Cổ của Schroder cho biết các kim tự tháp có tuổi đời ít nhất 3.000 năm và thông tin về chúng được đề cập tới trong các tài liệu tu viện cổ đại và truyền thuyết địa phương.
Hình minh họa. Ảnh: Monkey & Elf
PHÁT HIỆN LẦN 2 – JAMES GAUSSMAN, 1945
Lần nhìn thấy Kim tự tháp trắng Tây An thứ hai và nổi tiếng nhất là từ phi công của Quân đội Hoa Kỳ tên là James Gaussman. Anh phát hiện khi đang bay từ Trung Quốc đến Assam ở Ấn Độ vào mùa xuân năm 1945.
Chàng phi công kể lại mình đã nhìn thấy một viên ngọc trắng khổng lồ – kim tự tháp có nắp ở phía tây nam của Tây An. Sau đó anh ấy đã viết: ”Tôi bay quanh một ngọn núi và sau đó chúng tôi đến một thung lũng. Ngay bên dưới chúng tôi là một kim tự tháp khổng lồ màu trắng. Nó trông như thể nó đến từ một câu chuyện cổ tích”.
Theo hồi ức của James, kim tự tháp khoác lên mình màu trắng lung linh. Nó có thể là kim loại, hoặc một số dạng đá đặc biệt nào đó. Nó có màu trắng ở tất cả các mặt. Điều khiến người ta tò mò nhất về nó là viên đá trên nắp của nó. Rốt cuộc tại sao có thể tồn tại một viên đá quý lớn đến như vậy?
PHÁT HIỆN LẦN 3 – ĐẠI TÁ MAURICE SHEAHAN, 1947
Chỉ hai năm sau khi Gaussman được cho là nhìn thấy một kim tự tháp trắng phủ ngọc, Đại tá Maurice Sheahan, Giám đốc Viễn Đông của Trans World Airlines cũng tuyên bố mình gặp cảnh tương tự.
Ông cho biết đã phát hiện ra nó khi đang bay qua một thung lũng gần dãy núi Tần Lĩnh ở Trung Quốc, cách khoảng 64 km về phía tây nam Tây An ở tỉnh Thiểm Tây.
Phát hiện của Sheahan đã được công bố trong ấn bản ngày 28 tháng 3 của The New York Times, với tiêu đề “Báo cáo kim tự tháp khổng lồ của Trung Quốc ở dãy núi Isolated, Tây Nam của Sian [Tây An] của người tìm kiếm Hoa Kỳ”.
Trong bài báo, Sheehan đã nói rằng kim tự tháp cao khoảng 300 mét và rộng 450 mét và dường như “lùn hơn so với của Ai Cập”. Hai ngày sau báo cáo, The New York Times tiếp tục đăng một bức ảnh về kim tự tháp được cho là của Gaussman. Trong khi đó, các nhà khảo cổ Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của kim tự tháp này.
Bức ảnh được đăng trên tờ New York Times, ngày 30 tháng 5 năm 1947. Ảnh: Ancient Origins
Bức ảnh khiến những người quan tâm có phần thất vọng. Nó không có màu trắng tinh khiết, cũng không được đính đá quý, và nó không có vẻ cao 300 mét. Sau đó, người ta đặt ra câu hỏi liệu bức ảnh có phải chỉ là một bằng chứng giả mạo được thêm vào bởi tờ báo hay không.
Bức ảnh sau đó được xác định là gò mộ Mậu Lăng nổi tiếng. Đây là lăng mộ của Hán Vũ Đế (156–87 TCN), nằm ở Hình Bình, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Lăng mộ này cách vị trí mà người ta nhìn thấy kim tự tháp trắng khoảng 40 km về phía tây bắc thủ phủ của Tây An.
Liệu kim tự tháp trắng Tây An có thực sự tồn tại?
Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng truyền thuyết và những lần nhìn thấy kim tự tháp trắng Tây An đều không liên quan gì tới Mậu Lăng. Để làm bằng chứng, họ trích dẫn thực tế rằng những lần nhìn thấy kim tự tháp trắng đều gần dãy núi Tần Lĩnh. Trong khi đó, Mậu Lăng nằm trong một vùng đồng bằng phẳng biệt lập.
Một số người tin rằng kim tự tháp trắng có thể nằm trong địa hình hiểm trở của dãy núi Tần Lĩnh, khó phát hiện vì bị che khuất bởi những ngọn núi cao chót vót và hẻm núi sâu. Nhiều nhà nghiên cứu và thám hiểm đã tìm kiếm để xác minh sự tồn tại của kim tự tháp trắng Tây An. Nhưng cho đến nay chưa có công trình nào thành công.
https://soha.vn/bi-an-kim-tu-thap-ma-trung-quoc-chua-the-giai-ma-co-the-tang-hinh-thoat-an-thoat-hien-20211228173911616.htm