Bạn nghĩ khi mơ thì làm gì cũng được? Đây là 6 việc bạn gần như không bao giờ thấy trong mơ, được khoa học chứng minh hẳn hoi
Giấc mơ cho đến nay vẫn là một phạm trù nhiều bí ẩn. Khoa học hiện vẫn chưa thể hoàn toàn hiểu lý do giấc mơ tồn tại. Nhưng dù có hiểu hay không, nó cũng chẳng ngăn được não bộ cho ra đời những hình ảnh lạ kỳ khi chúng ta đang ngủ, tạo ra một thế giới hoàn toàn khác biệt.
Người ta vẫn bảo khi đối với một vấn đề quá bất khả thi trong cuộc sống, hãy… mơ đi. Nhưng điều này không có nghĩa rằng trong mơ, bạn làm gì cũng được. Có những thứ rất hiếm khi xuất hiện khi mơ, và khoa học có thể giải thích được điều đó.
1. Smartphone
Theo một nghiên cứu do Kelly Bulkeley – chuyên gia về giấc mơ người Mỹ thực hiện, chỉ có 3,55% phụ nữ và 2,69% nam giới quan sát được smartphone trong mơ. Nguyên nhân được cho là vì smartphone và các thiết bị công nghệ hiện đại chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, và não bộ chưa kịp làm quen với chúng.
Có một giả thuyết cho rằng mơ là để não bộ của chúng ta giải quyết nỗi sợ và sự lo lắng, nhằm đối phó với các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống. Nói cách khác, mơ là cơ chế tự vệ của quá trình tiến hóa, thường liên quan đến các mảng tâm trí cũ hơn, gắn với người xưa nhiều hơn. Mà người xưa thì không có smartphone.
Tuy nhiên, sẽ có một số tình huống khiến cho điện thoại xuất hiện trong giấc mơ của chúng ta. Theo Alice Robb – tác giả một cuốn sách về giấc mơ, người ta có xu hướng thấy smartphone xuất hiện trong mơ khi phải trải qua các sự kiện đau lòng trong cuộc sống, như việc người thân yêu ra đi mãi mãi.
2. Bạn không thể viết, đọc, hoặc thậm chí là nói
Lý do thì đơn giản thôi: Các phần não bộ chịu trách nhiệm cho việc phân tích ngôn ngữ của chúng ta hoạt động kém hơn khi đang ngủ. Bởi vậy, việc thể hiện khả năng ngôn ngữ trong mơ trở nên rất khó khăn.
Bài viết trên trang Inverse có đưa ra ví dụ, cho thấy nhiều người có cảm giác không chắc chắn rằng họ có thực sự trò chuyện trong mơ hay không. Nhìn chung, có thể hiểu là những ý tưởng bạn đưa ra trong mơ là tự bạn nắm bắt, chứ bạn không nghe hoặc thấy ai thực sự trò chuyện cả.
Điều tương tự cũng xảy ra với việc viết, đọc, và cả nắm bắt thời gian. Tuy nhiên, sẽ có sự khác biệt đối với những ai có công việc hàng ngày liên quan đến ngôn ngữ. Phần não bộ chịu trách nhiệm cho ngôn ngữ của những người này vốn hoạt động mạnh hơn, nên họ có thể phân tích một phần ý tưởng xuất hiện trong mơ, và để lại một số thông tin hữu dụng ngay cả sau khi thức dậy.
3. Gặp người lạ
Có một giả thuyết cho rằng não bộ không thể “sáng tạo” ra người mới. Vậy nên những người bạn gặp trong mơ – dù lạ lẫm đến đâu – thì vẫn phải là người đã từng gặp ở ngoài đời dù bạn có không nhận ra. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là giả thuyết với khả năng kiểm chứng là không có (vì chẳng ai thấy được giấc mơ của nhau cả).
Dẫu vậy, nhiều nhà khoa học vẫn tin rằng giả thuyết này là đúng. Bởi lẽ, đa số các giấc mơ của chúng ta được cấu thành từ các yếu tố ngoài đời. Thậm chí kể cả khi não bộ thực sự có thể nghĩ ra một gương mặt mới, nó cũng phải dựa trên các đường nét mà chúng ta từng thấy trước đây.
4. Tập thể dục – thể thao
Có lẽ nhiều người cũng có trải nghiệm này: Bạn cố gắng chạy, nhảy, thậm chí là chiến đấu trong mơ, nhưng đều bất thành. Mọi thứ như một thước phim quay chậm vậy, bất kể bạn cố gắng đến mức nào.
Các nhà khoa học giải thích rằng, nguyên nhân đến từ việc chúng ta cảm nhận thời gian khác đi trong lúc ngủ, vừa nhanh hơn, vừa chậm hơn.
Thêm vào đó, khoa học xác nhận rằng chúng ta mơ khi giấc ngủ tiến vào giai đoạn REM (mắt chuyển động nhanh). Trong lúc này, các cơ bắp vừa bị tê cứng, vừa thả lỏng. Bằng cách này, não bộ đảm bảo rằng cơ thể chúng ta sẽ không hành động gì trong lúc mơ, và vô tình tạo cảm giác bản thân trong mơ trở nên vô dụng, hoạt động kém hơn hẳn.
5. Soi gương
Gương và ảnh phản chiếu là một khái niệm vẫn còn bí ẩn trong mơ. Trong thực tế, ảnh phản chiếu phải tuân theo các quy luật vật lý, nhưng giấc mơ lại đến từ ký ức và sự mong đợi của tiềm thức – hay nói cách khác là nơi không có thật. Vậy nên nếu tình cờ soi được gương trong mơ, các hình ảnh hiện ra sẽ rất mờ, không thể phân biệt, hoặc bạn sẽ thấy khuôn mặt của mình trở nên hết sức dị dạng.
6. Nếm thức ăn
Jeremy Taylor – một chuyên gia giấc mơ cho biết mọi người hiếm khi có được “trải nghiệm ăn uống đầy đủ” khi mơ. Trong trường hợp mơ thấy được ăn một món gì đó, nó sẽ có hương vị giống như những gì bạn đã từng được ăn trong quá khứ, và nó khiến việc xác định đó là món ăn gì trở nên rất khó khăn.
Tuy nhiên đôi khi, vẫn có những trường hợp thực sự được nếm thử đồ ăn trong mơ, đặc biệt là với các giấc mơ siêu thực (lucid dream).
Nguồn: BS, VT.co