Quả cầu pha lê khổng lồ lại rơi ở Quảng trường Thời đại

Hàng nghìn người đứng kề vai nhau để chứng kiến ​​quả cầu nặng 6 tấn, nạm gần 2.700 viên pha lê Waterford, được thả xuống ở Quảng trường Thời đại.

Buổi lễ có sự tham dự của khoảng 15.000 khán giả trực tiếp – ít hơn nhiều so với hàng chục nghìn người thường đổ về quảng trường để đắm mình trong ánh đèn và tiếng hò reo của đêm giao thừa thường niên, theo AP.

Truyền thống đón năm mới của New York đã quay trở lại. Ảnh: AP.

Sự kiện được cử hành khi Mỹ lạc quan rằng những ngày tồi tệ nhất của đại dịch đang ở phía sau. Lễ thả quả cầu năm ngoái đã không thể chào đón công chúng do dịch bệnh.

Giới chức yêu cầu những người tham dự phải đeo khẩu trang và xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng. Ban tổ chức lúc đầu dự kiến rằng hơn 50.000 người có thể tham gia, nhưng kế hoạch đã bị thu hẹp đáng kể vì tình trạng lây nhiễm lan rộng.

“Tôi rất vui khi năm 2021 đã kết thúc vì nó gây ra rất nhiều vấn đề cho mọi người”, Mary Gonzalez, một người tham dự đến từ thành phố Mexico, cho biết. “Chúng tôi hy vọng rằng năm 2022 sẽ tốt hơn nhiều so với năm nay”.

Lễ thả quả cầu hàng năm diễn ra khi đồng hồ điểm lúc nửa đêm và mở ra năm mới. Nhà chức trách New York nhất quyết tổ chức sự kiện đêm giao thừa để chứng minh khả năng phục hồi của thành phố, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại.

Sự kiện được cử hành khi Mỹ lạc quan rằng những ngày tồi tệ nhất của đại dịch đang ở phía sau. Ảnh: New York Times.

Thành phố New York đã báo cáo số ca nhiễm kỷ lục trước thềm năm mới, với gần 44.000 trường hợp vào ngày 29/12/2021, theo số liệu của bang New York.

Eric Adams, thị trưởng kế nhiệm của New York, đã tuyên thệ nhậm chức tại Quảng trường Thời đại, ngay sau khi quả cầu được thả xuống.

“Thật tuyệt khi New York cho cả nước thấy cách chúng tôi quay trở lại”, ông cho biết.

Du Lịch Những phong tục đón năm mới độc đáo trên thế giới

Theo Zing