Hình ảnh thế giới đón năm mới 2022
Ở nhiều nơi, kế hoạch tổ chức đón năm mới đã bị hủy bỏ trong năm thứ hai liên tiếp do sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19, lần này chủ yếu gây ra bởi biến thể Omicron dễ lây lan.
Tuy nhiên, Australia vẫn quyết tâm tổ chức đón năm 2022 một cách rầm rộ, bất chấp số ca nhiễm mới đang tăng kỷ lục ở một số nơi trong nước.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kêu gọi người dân “tận hưởng buổi tối”, trong khi Dominic Perrottet, Thủ hiến bang New South Wales, cũng khuyến khích mọi người “ra khỏi nhà và tận hưởng năm mới” ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày ở bang này đã lên tới hơn 21.000.
Pháo hoa mừng năm mới tại Sydney (Australia) hôm 31/12. Ảnh: AP.
Dù các quy định về thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang bắt buộc ở không gian trong nhà tại Sydney vẫn được duy trì, hàng nghìn người đã đổ xô đến các bến cảng của thành phố để xem pháo hoa mừng năm mới. Hàng dài người đã xếp hàng ở những địa điểm này từ sáng sớm để tìm vị trí đẹp nhất cho việc ngắm pháo hoa.
Trong khi đó, nước láng giềng với Australia là New Zealand, dù chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm biến thể Omicron nào ngoài cộng đồng, nhưng vẫn thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa bằng cách hủy bỏ bắn pháo hoa mừng năm mới ở nhiều địa điểm, trong đó có đỉnh Tháp Sky nổi tiếng ở thành phố Auckland. Thay vào đó, một số tiết mục biểu diễn ánh sáng sẽ được trình chiếu lên tòa tháp cùng các địa danh khác của thành phố này.
Các công nhân đang lắp đặt quả cầu pha lê tại Quảng trường Thời Đại, New York, Mỹ hôm 29/12. Ảnh: Reuters.
Năm nay, lễ đón năm mới tại Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ) được tổ chức trong “trạng thái bình thường mới”. Tuy nhiên, do dịch bệnh, các nhà tổ chức khuyến khích người dân theo dõi sự kiện này qua truyền hình hoặc Internet, thay vì tham gia trực tiếp.
Người dân trên khắp Nhật Bản đã lên kế hoạch thực hiện những chuyến du lịch trong năm mới để dành thời gian cho gia đình. Trước thời điểm năm mới, nhiều người đã tập trung tại các đền và điện thờ, hầu hết họ đều đeo khẩu trang.
Đường Nakamise dẫn đến đền Senso-ji, một địa điểm tham quan nổi tiếng tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản được trang hoàng trước năm mới. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, một số người Nhật dường như đã vượt qua nỗi sợ đối với virus corona, khi tụ tập ăn uống và đổ xô đến các cửa hàng ở trung tâm Tokyo. Không chỉ mừng năm mới sắp sang, họ còn cảm thấy phấn khởi vì được giải phóng khỏi các hạn chế phòng chống Covid-19 trong thời gian gần đây.
Dù vậy, không khí ở quốc gia nằm gần Nhật Bản là Hàn Quốc lại không được náo nhiệt như vậy.
Tại thủ đô Seoul, lễ rung chuông đón giao thừa thường niên đã bị hủy bỏ trong năm thứ 2 liên tiếp do những lo ngại gia tăng số ca nhiễm Covid-19. Giới chức Seoul cho biết, một video ghi hình trước lễ rung chuông trong năm nay sẽ được phát trên Internet và các kênh truyền hình.
Một người treo tờ giấy ghi lời chúc năm mới của mình tại đền Jogye ở Seoul (Hàn Quốc) hôm 12/12. Ảnh: AP.
Còn ở Triều Tiên, một buổi bắn pháo hoa đón năm mới được cho là sẽ diễn ra lúc nửa đêm tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Theo trang tin NK của Hàn Quốc, một số hình ảnh vệ tinh cho thấy công tác chuẩn bị đang được tiến hành với một sân khấu được lắp đặt tại quảng trường.
Tại Trung Quốc, chính quyền Thượng Hải đã hủy bỏ nhiều sự kiện lớn, bao gồm buổi trình diễn ánh sáng hàng năm dọc theo sông Hoàng Phố ở trung tâm thành phố, vốn thu hút hàng trăm nghìn khán giả.
Còn ở thủ đô Bắc Kinh, nơi các ngôi đền nổi tiếng đã bị đóng cửa hoặc hạn chế ra vào từ giữa tháng 12, chính quyền cũng kêu gọi người dân tránh rời thành phố nếu không thật sự cần thiết, đồng thời yêu cầu xét nghiệm đối với những người đến từ các khu vực xuất hiện ổ dịch Covid-19 trong nước.
Trẻ em vui chơi với thú nhồi bông tại một công viên trang trí theo chủ đề năm mới ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 31/12. Ảnh: AP.
Nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở Nam Kinh, Hàng Châu và các thành phố lớn khác của Trung Quốc cũng hủy bỏ nghi lễ “rung chuông cầu may” trong đêm trước năm 2022, đồng thời yêu cầu người dân tránh đến các địa điểm này.
Tuy nhiên, tại Đặc khu Hành chính Hong Kong (TQ), khoảng 3.000 người đã lên kế hoạch tham dự buổi hòa nhạc đón năm mới với sự góp mặt của những nghệ sĩ nổi tiếng. Buổi hòa nhạc sẽ là sự kiện đón năm mới quy mô lớn đầu tiên được tổ chức ở Hong Kong kể từ năm 2018, sau 2 năm liên tiếp bị hủy bỏ.
Thành phố Newcastle (Anh) tổ chức một buổi trình diễn ánh sáng laser do nghệ sĩ Seb Lee-Delisle thiết kế để chào mừng năm mới ngày 30/12. Ảnh: Reuters.
Giới chức Ấn Độ kể từ ngày 30/12 đã bắt đầu áp đặt các quy định nghiêm ngặt để ngăn chặn các cuộc tụ tập đông người, cùng lệnh giới nghiêm ban đêm ở tất cả các thành phố lớn và lệnh hạn chế số lượng thực khách tại các nhà hàng.
Bất chấp điều này, nhiều du khách trong nước vẫn đổ xô đến các bãi biển, quán rượu và hộp đêm nổi tiếng ở bãi biển Goa phía tây Ấn Độ để theo dõi các hoạt động mừng năm mới tại đây.
Nhiều người dân Indonesia cũng đã từ bỏ các lễ hội truyền thống để dành thời gian ở nhà, sau khi chính phủ cấm tổ chức nhiều sự kiện đón năm mới. Ở Jakarta, các tiết mục bắn pháo hoa, diễu hành cùng các sự kiện đông người khác đều bị cấm, trong khi các nhà hàng và trung tâm thương mại được phép mở cửa nhưng vẫn bị áp dụng lệnh giới nghiêm.
Các công nhân đang thêm số 2 vào các chữ số được gắn phía trên Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ). Ảnh: Reuters.
Nhưng ở Thái Lan, các nhà chức trách vẫn cho phép tổ chức các buổi tiệc và bắn pháo hoa mừng năm mới, dù vẫn phải áp dụng các biện pháp an toàn một cách nghiêm ngặt. Giới chức Thái Lan hy vọng sẽ sớm làm chậm sự lây lan của biến thể Omicron, đồng thời sớm phục hồi lĩnh vực du lịch đang gặp khủng hoảng của nước này. Dù vậy, các buổi cầu nguyện trong đêm cuối cùng của năm 2021, vốn được tổ chức tại các ngôi chùa trên khắp Thái Lan, sẽ chỉ diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Du Lịch Cổng đỏ hot nhất Nhật Bản: Ảnh ảo đẹp bao nhiêu, hậu trường sợ bấy nhiêu!
Theo Vietnamnet