Mẹo cực đơn giản giúp phân biệt giá đỗ sạch và giá đỗ ngâm hóa chất

Không chỉ là loại thực phẩm quen thuộc trong các bữa cơm của mỗi gia đình mà giá đỗ còn được ví như phương thuốc tự nhiên mang lại nhiều công dụng đối với sức khỏe.

Giống như các loại rau mầm khác, giá đỗ chứa hàm lượng dồi dào các vitamin và khoáng chất cần thiết như protein, magie, phốt pho, mangan, folate, vitamin K và vitamin C. Theo nhiều nghiên cứu, protein có trong giá đỗ thường dễ tiêu hóa hơn so với các loại protein khác. Lý do là trong quá trình nảy mầm, lượng chất kháng dinh dưỡng bị giảm đi nên cơ thể có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong giá đỗ dễ dàng hơn.

Giá đỗ còn chứa hàm lượng lớn các enzyme sống giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất. Các enzyme có giá đỗ hỗ trợ quá trình phân hủy thức ăn, từ đó tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng thông qua đường tiêu hóa. Hơn nữa, giá đỗ chứa nhiều chất xơ không hòa tan có tác dụng giảm nguy cơ táo bón.

Giá đỗ cũng mang đến nhiều lợi ích cho hệ tim mạch bởi chúng làm tăng nồng độ cholesterol tốt (HDL cholesterol) và giảm mức cholesterol xấu (LDL cholesterol). Trong giá đỗ có phytoestrogen – một loại hormone có tác dụng tương tự như estrogen, hỗ trợ quá trình lưu thông máu ở động mạch, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Đặc biệt giá đỗ cung cấp hàm lượng lớn các hợp chất có khả năng chống ung thư như glucosinolate được chuyển hóa thành isothiocyanates khi cắt nhỏ hoặc nhai. Các isothiocyanates này hoạt động như các chất chống ung thư và chống viêm.

Vì dễ ăn, dễ chế biến lại bổ dưỡng nên giá đỗ được rất nhiều người tìm mua. Lợi dụng điều này, các tiểu thương đã không ngần ngại trộn và sử dụng những hóa chất độc hại để ủ giá giúp giá tăng trưởng nhanh hơn, sản lượng nhiều hơn và trông bắt mắt hơn nhằm mục đích trục lợi.

Giá đỗ sản xuất thông thường cần có nước và nhiệt độ thích hợp, thời gian tăng trưởng khoảng 1 tuần. Tuy nhiên nếu ngâm hóa chất, thời gian có thể đẩy nhanh đến 30%, thậm chí “lớn nhanh như thổi” chỉ trong 12 tiếng đồng hồ.

Một chủ cơ sở từng thừa nhận, việc sản xuất giá đỗ trải qua nhiều công đoạn. Tuy nhiên, để giá sinh trưởng nhanh, cọng giá mập mạp, không có rễ, trắng đẹp mắt và tươi lâu thì phải sử dụng một loại hóa chất đem pha loãng với nước lạnh rồi tưới trực tiếp lên hạt đậu. Sau 3-5 ngày, giá có thể được thu hoạch và mang đi tiêu thụ.

Đáng lo ngại là hiện nay giá đỗ ngâm hóa chất kích thích được bán tràn lan khắp các chợ, từ chợ cóc cho đến những chợ đầu mối. Dưới đây là bí quyết giúp bạn phân biệt được đâu là giá đỗ ngâm tẩm hóa chất đâu là giá đỗ truyền thống sạch và an toàn:

Giá ngâm hóa chất không có rễ dài như giá sạch làm theo cách truyền thống

Quan sát rễ

Giá đỗ truyền thống mất khoảng gần 1 tuần để sinh trưởng, vì vậy thường bén rễ nhiều và dài, thân rễ có rễ phụ mọc ra. Trong khi đó, loại giá đỗ có chất kích thích tăng trưởng không có rễ hoặc nếu có thì rễ rất ngắn. Nguyên nhân là do người bán hàng ngâm giá ở trong nước có chứa thuốc làm tất cả các bộ phận của giá đều hút nước, dẫn đến rễ giá ít phát triển.

Màu sắc giá đỗ

Giá ngâm thuốc kích thích sẽ có màu trắng muốt nhìn rất kích thích còn loại giá thông thường có màu trắng nhạt hoặc màu sữa.

Quan sát hình dáng

Giá đỗ ngâm chất kích thích tăng trưởng trông béo, mập, vô cùng hấp dẫn nhưng giòn, dễ bị đứt đoạn. Còn giá đỗ sạch trông gầy hơn, sợi giá khó gãy hơn và trông có vẻ không được bắt mắt.

Giá đỗ sạch có phần lá mở ra hoặc nhìn từ ngoài sẽ lấy mầm lá nhú màu vàng hoặc màu xanh trong khi giá ngâm hóa chất có 2 hạt mầm đóng chặt với nhau. Người mua cứ nhìn thế mà phân biệt.

Không nên chọn giá đỗ cọng dài bất thường

Nhiều người khi mua giá đỗ thường muốn chọn những cọng giá to dài, tuy nhiên không nên lựa giá đỗ theo cách đó. Chỉ có giá đỗ tẩm thuốc mới có khả năng sinh trưởng vượt trội nhờ hóa chất, thân dài và to. Ngoài ra, theo các nghiên cứu thì giá càng dài lượng protein và dinh dưỡng trong đó càng ít.

Hương vị giá đỗ

Khi ăn, giá đỗ sạch sẽ cho vị thanh, mát và ngọt, sợi giá giòn, đặc và nhiều nước. Trong khi, giá ngâm hóa chất, thân hay bị xốp, khô hơn, ăn không thơm và không ngọt bằng. Thậm chí ngửi kỹ sẽ vẫn cảm nhận được mùi hóa chất còn ngấm lại.