Giải mã tâm lý vợ chồng chủ shop đánh đập, làm nhục nữ sinh ở Thanh Hoá: Từ thiếu hiểu biết pháp luật và nhiều ảo tưởng
Thiếu hiểu biết pháp luật và những ảo tưởng
Phân tích theo tâm lý tội phạm, chị Lê Bảo Ngọc – Chuyên viên Công ty luật Multi Law (có nhiều nghiên cứu về tâm lý tội phạm) đánh giá, vụ việc chủ shop ở Thanh Hoá tung clip hành hạ cô gái trộm đồ của quán rất giống vụ chủ quán nướng ở Bắc Ninh hồi năm 2020. Chủ quán nướng đã bắt khách quỳ xin lỗi vì sau khi ăn về khách đăng lên mạng nói những điều không tốt về quán.
Các trường hợp trên đều là người kinh doanh, là chủ. Khi đã làm chủ thường phải khéo léo ứng xử, nhưng họ lại thể hiện những hành vi côn đồ, trái pháp luật. Tại sao lại như vậy?
Nguyên nhân lớn nhất là do thiếu hiểu biết pháp luật nên họ không có ý thức tôn trọng quyền của người khác, không biết ranh giới giữa hành vi hợp pháp và hành vi vi phạm pháp luật.
Như vụ trộm này, sau khi phát hiện bị mất trộm, chủ shop đã thông báo trên mạng và yêu cầu kẻ trộm liên hệ để nói chuyện, điều này không sai.
Lê Bảo Ngọc – Chuyên viên công ty luật Multi Law
Nhưng khi gặp đối phương, họ lại tấn công, đe dọa, đánh đập, làm nhục, thậm chí là cưỡng đoạt tài sản… thì đã là hành vi vi phạm pháp luật.
Sở dĩ họ hành động như vậy vì họ nghĩ mình đang là “người bị hại”. Họ chỉ nhìn thấy đối phương đã gây tổn hại đến việc kinh doanh của mình và coi hành động trừng trị là chính đáng.
Có thể, khi sự việc xảy ra vợ chồng chủ quán đã dồn nén bởi công việc làm ăn khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khi bị mất trộm, những ức chế tích tụ trong thời gian dài bùng ra khiến họ tức giận và muốn trừng phạt kẻ trộm.
Cộng thêm đó là sự ảo tưởng quyền lực “người chủ”, ảo tưởng ở vị trí “người bị hại” và về quyền lực bề trên đối với kẻ trộm tiếp tục thúc đẩy họ quyết tâm thực hiện hành vi trừng phạt đối phương bằng những cách cay nghiệt nhất.
Vậy là việc trừng phạt vượt quá lên, trở thành trút giận và bắt nạt. Với tâm lý của kẻ bắt nạt thì một khi đã bắt nạt được, mọi thứ sẽ leo thang chứ không dừng lại.
Thoạt đầu, Hường yêu cầu cháu M. cởi mũ bảo hiểm, khẩu trang che mặt để Hường quay clip nhưng M. không nghe. Thời điểm này Hường đang có tâm lý “tôi là chủ shop, kia là kẻ trộm, tôi có quyền quyết định số phận của nó, vậy mà nó dám không nghe lệnh tôi”.
Trịnh Đình Anh và vợ Cao Thị Mai Hường hiện đã bị khởi tố về các tội danh Làm nhục người khác và Cưỡng đoạt tài sản
Vì vậy, Hường đánh vì M. không nghe lời. Thời điểm ai đó đánh người mà còn được xung quanh hùa theo thì tâm lý sẽ càng say máu. Từ đó, Hường tiếp tục kéo áo và dùng kéo cắt tóc, cắt đứt áo ngực của M.
Khi chồng của Hường đến shop và trông thấy sự việc, sự bắt nạt không còn ở mức bạo lực nữa mà đã kết hợp với lòng tham, họ đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản đối với 2 cháu.
Chi tiết Đình Anh và Hường liên tục nhắn tin đe doạ, yêu cầu phải giao đủ số tiền nếu không sẽ báo Công an và đưa thông tin về nhà trường chứng tỏ hai vợ chồng này vẫn luôn tin rằng mình là bị hại. Dó đó, đòi bồi thường là đúng và điều này thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật nghiêm trọng.
Tránh đàm tiếu để các cháu có thể ổn định tinh thần
Theo chị Ngọc, hành vi trộm đồ trong cửa hàng của M. là không đúng. Nhưng thay vì được nhắc nhở một cách nhân văn, M. lại phải chịu sự trừng phạt khủng khiếp cả về thể xác lẫn tinh thần.
Cái giá mà em phải trả quá lớn, vượt qua sự tưởng tượng của xã hội. Sau khi chuyện xảy ra, M rất sợ hãi, hiện cháu luôn trốn ở nhà và không dám đi học. Đây là phản ứng thường thấy của những nạn nhân sau khi sốc tâm lý do bị làm nhục hoặc tấn công bạo lực, nhất là khi M. chỉ là một cô gái trẻ đang ở độ tuổi nhạy cảm.
Nếu đến trường, em sẽ trở thành mục tiêu chú ý của các bạn. Có thể nói sự bàn tán của đám đông không khác gì một kiểu bạo lực tâm lý, khiến đối tượng mục tiêu sẽ luôn ám ảnh rằng mình đang bị tất cả mọi người phán xét, đàm tiếu.
Sự việc cháu M. bị bạo hành, làm nhục có thể ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý
Sự tổn thương tâm lý chính là hệ quả khủng khiếp của hành vi tội phạm “làm nhục người khác”. Quá trình hồi phục sau khi bị bạo lực là một trải nghiệm rất khó khăn và căng thẳng. Mặc dù hầu hết mọi người đều có khả năng tự phục hồi theo thời gian, nhưng vẫn có thể tồn tại nhiều vấn đề tâm lý sau chấn thương.
Cuộc sống của một số nạn nhân và gia đình có thể hoàn toàn thay đổi. Do đó, một phần của việc đối phó và điều chỉnh là xác định lại tương lai.
Để người bị tổn thương tâm lý có thể hồi phục thì rất cần sự quan tâm động viên của gia đình và bạn bè, cũng như sự bao dung của dư luận xã hội. Hy vọng những người xung quanh sẽ để cả 2 cô bé có thời gian riêng tư, tránh chỉ trích, đàm tiếu để các em sớm ổn định tinh thần.