Lần đầu vượt mốc 600 ca mắc trong ngày, Hà Nội liệu có đóng cửa hàng quán, ngừng cho học sinh trở lại trường?
Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng rất nhanh. Có thời điểm, ngày hôm sau phá vỡ “kỷ lục” ngày trước đó. Đáng chú ý, chỉ trong vòng từ 18h ngày 3/12 đến 18h ngày 4/12, Hà Nội ghi nhận thêm tới 628 ca mắc mới, trong đó có 190 trường hợp ngoài cộng đồng.
Có nhiều ý kiến băn khoăn việc những ngày qua CDC Hà Nội liên tục thông báo khẩn tìm người từng đến nơi đông người như nhà hàng, cửa hàng… Thành phố có nên siết chặt những nơi này?
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội những ngày qua liên tục tăng cao nhưng trong tầm kiểm soát, không quá đáng lo ngại.
Ông Hùng nhấn mạnh công tác kiểm soát đã triển khai từ trước đó rất rõ ràng, giờ chính quyền địa phương cần tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch như không đảm bảo giãn cách…
“Quan trọng nhất phòng chống dịch đó là mọi người phải tuân thủ khoảng cách, đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người như nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại.
Số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội những ngày qua tăng nhưng không làm quá tải hệ thống y tế nhất là khi thành phố đã cho phép triển khai điều trị F0, cách ly F1 tại nhà. Quan trọng nhất với Hà Nội lúc này làm sao triển khai tốt nhất việc điều trị F0 tại nhà“, ông Hùng thông tin.
Một vấn đề cũng được quan tâm đó là Hà Nội có nên cho học sinh quay trở lại trường vào ngày 6/12 hay không? khi số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, Ông Hùng cho rằng, việc học sinh quay trỏ lại trường là cần thiết và nên mở sớm và mở rộng thêm các cấp học khác.
“Không thể đóng cửa trường học mãi được. Học sinh ở nhà cũng vẫn có thể bị lây nhiễm Covid-19, nếu bố mẹ tuân thủ tốt, không bị nhiễm thì nguy cơ lây nhiễm ở trẻ sẽ giảm đi rất nhiều, hầu như không bị nhiễm. Việc trẻ học tại trường chỉ mất thời gian đi ngoài đường đến trường nguy cơ lây nhiễm trên đường rất thấp.
Đối với trẻ em không thể có ngay vaccine để triển khai tiêm hết, đặc biệt là trẻ nhỏ. Những đối tượng này không đến trường sẽ không phát huy hết vào việc để hệ thống giáo dục tham gia phòng chống dịch. Lứa tuổi này nên đến trường, thành phố cũng nên mở rộng đối tượng đến trường như học sinh cấp 1,2 sau đó đến cấp mầm non.
Trong trường hợp có học sinh nhiễm Covid-19 nhà trường sẽ sàng lọc, cách ly lớp đó và tạm thời dừng học trực tiếp chuyển sang học online. Trong thời gian này, trường tuân thủ quy định không cho các lớp giao lưu, học sinh các lớp không vui chơi tiếp xúc với nhau“, ông Hùng nói.
Tuần qua, trung bình mỗi ngày thủ đô có thêm hơn 320 ca bệnh, 40% trong tổng ca mắc là ca cộng đồng. Chưa kể, trong các ca cộng đồng, tỷ lệ ca mắc thứ phát chiếm tới 70%. Điều đáng lo ngại nữa là trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một số ổ dịch cộng đồng phức tạp, bùng phát nhanh, không rõ nguồn lây, liên quan nhiều đơn vị và nhiều sự kiện tập trung đông người… Đơn cử như chùm ca bệnh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 3/12 phát hiện 25 trường hợp dương tính.
Chưa kể, khi vào những tháng cuối năm, các hoạt động giao thương kinh tế – xã hội, nhu cầu di chuyển của người dân vào thành phố Hà Nội nhiều hơn, số ca nhiễm dự báo tiếp tục tăng nhanh.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, khi thành phố chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì số mắc tăng lên là “khó tránh khỏi”, điều này nằm trong dự liệu của chính quyền.
Theo bà Hà, thành phố đã xây dựng kịch bản tình huống có 100.000 ca mắc. Ý thức phòng dịch không chủ quan của người dân và sự quyết liệt của chính quyền địa phương là yếu tố rất quan trọng.
“Hà Nội vẫn kiên định với các giải pháp trong công tác chống dịch, như tại tuyến y tế cơ sở thực hiện điều tra, truy vết một cách sớm nhất; Khi phát hiện F0 nhân viên y tế sẽ tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất để đáp ứng dịch vụ y tế cho người dân“, bà Hà thông tin.
Ca mắc mới COVID-19 tăng mỗi ngày, Hà Nội lại giăng dây khắp lối sau gần 2 tháng “bình thường mới”