Đặc sản giống con giun nhưng được ví ngon như gan ngỗng Pháp

Không có vẻ ngoài hấp dẫn nhưng món ăn được mô tả có kết cấu mềm mượt, béo ngậy, thậm chí có người còn ví nó với món gan ngỗng của nước Pháp.

Nhắc tới ẩm thực Đài Loan, thực khách sẽ nghĩ ngay tới những khu chợ đêm đông nghịt khách bày bán vô số món ngon nức tiếng như mỳ bò, tiết lợn, trà sữa trân châu… Tuy nhiên không phải món nào cũng dễ nhìn và dễ nuốt, kể cả với người dân địa phương. Món ruột cá măng sữa là một ví dụ.

Ở Đài Loan (Trung Quốc), cá măng sữa được nuôi theo diện rộng với số lượng lớn. Ảnh: ViGuide.

Milkfish là cá măng biển, cá măng sữa. Ở Hawaii (Mỹ) chúng có tên awa, trong khi dân Tahiti gọi là ava, dân Philippines gọi là bangus hoặc “cá quốc dân”. Loài cá này dáng thuôn dài, dẹp hai bên, có thể dài tới 1,7 m. Chúng không có răng và thường ăn các loại tảo, động vật không xương sống. Cá măng sữa có mặt ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, có xu hướng sống thành bầy xung quanh bờ biển và các đảo có đá ngầm.

Ở Đài Loan (Trung Quốc) cá măng sữa rất phổ biến vì thịt của chúng mềm và mang lại giá trị kinh tế cao. Thịt cá măng sữa có thể làm chả viên nấu cháo, chiên áp chảo hoặc om. Thậm chí tại một thị trấn ở thành phố Cao Hùng, Đài Loan còn có cả bảo tàng cá măng sữa, hàng năm tổ chức cuộc thi liên quan đến loài cá này.

Người dân xứ Đài không chỉ nuôi cá măng sữa lấy thịt mà còn lấy cả phần ruột. Dù được đánh giá là ngon nhưng không phải thực khách nào cũng dám thưởng thức vì thoạt nhìn ruột cá măng sữa trông không khác gì những con giun còn sống.

Miền nam Đài Loan có nhiều trang trại nuôi cá măng sữa nhất, đồng thời cũng nổi tiếng với các món nấu từ ruột cá. Vì thế, nếu ai thích ăn lòng cá, các trang trại cá ở miền nam Đài Loan chính là thiên đường ẩm thực dành cho họ.

Lòng cá măng sữa nấu súp (ảnh trên) và món ruột cá chiên giòn (ảnh dưới).

Người dân ở đây chế biến ruột cá măng sữa thành nhiều đặc sản hấp dẫn, phổ biến nhất là ruột cá chiên giòn hoặc nấu súp. Đây là nguyên liệu rất dễ hỏng, bởi vậy ngay sau khi lấy ruột ra khỏi mình cá, người đầu bếp phải chế biến càng sớm càng tốt. Nếu giữ trong tủ lạnh, ruột cá rất dễ bị phân hủy, không còn giữ được hương vị thơm ngon như ban đầu.

Ngoài ra, để thu được phần ruột sạch và ngon, con cá phải bị bỏ đói vài ngày cho các chất thải bài tiết hết. Ruột cá sau đó phải được rửa sạch toàn bộ, loại bỏ hết chất bẩn, luộc lên để nấu súp hoặc chiên giòn trong chảo sâu lòng.

Có một câu chuyện khá thú vị cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt của món ăn này. Một cửa tiệm ở Đài Trung bán món lòng cá đã hàng chục năm nhưng mỗi ngày chỉ bán với số lượng nhất định. Bởi vậy có chuyện một thực khách tới đây xếp hàng 5 lần nhưng vẫn chưa có cơ hội thưởng thức đặc sản của quán. Tới lần thứ 6, vị khách này cố tới sớm nên xếp được số đầu tiên nên quyết định gọi hẳn 30 đĩa lòng cá ăn cho… bõ cơn thèm. Món ăn được mô tả có kết cấu mềm mượt, béo ngậy, thơm ngon, thậm chí có người ví với gan ngỗng của Pháp.!.