Từ vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành tử vong: Chồng không cho gặp con sau khi ly hôn thì phải làm sao?

Những ngày gần đây, vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành tử vong khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Bố mẹ của bé gái đã li hôn. Sau khi li hôn, ông N.K.Tr.T. (bố bé V.A.) đưa bé V.A. cùng Nguyễn Võ Quỳnh Trang dọn về sống chung với nhau tại chung cư. Và điều đau lòng đã xảy ra khi cô bé bị hành hạ đến tử vong.

Bé gái V.A. 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành đến tử vong

Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cuộc sống của cả 2 người khi không thể tìm được tiếng nói chung thì việc chia tay nhau, trả cho nhau sự tự do là điều nên làm. Như vậy, ly hôn chính là người trong cuộc tự bảo vệ quyền chính đáng bản thân, nhất là đối với những người là nạn nhân của bạo hành thể xác và tinh thần, vì ly hôn sẽ giải thoát họ khỏi những nghịch cảnh đó.

Tuy nhiên, sau khi ly hôn, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cha mẹ có quyền đồng thời có nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con cái đến khi trưởng thành, không phụ thuộc vào mối quan hệ hôn nhân giữa cha và mẹ trẻ em đó có còn tồn tại hay không.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Tiến sĩ, luật sư Cường cho biết, Điều 71, luật hôn nhân và gia đình quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình cũng quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo luật sư, nội dung này cũng sẽ được tòa án ghi nhận trong quyết định thuận tình ly hôn hoặc trong bản án ly hôn. Bởi vậy trong trường hợp một bên cản trở bên kia thăm nom, chăm sóc con cái khi hai vợ chồng ly hôn thì bên bị xâm phạm có quyền yêu cầu chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể can thiệp giúp đỡ hoặc có thể yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thực hiện các nghĩa vụ theo nội dung bản án, quyết định của tòa án đã tuyên.

  • BQL Chung cư Saigon Pearl lên tiếng vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành đến tử vong: “Không nhận được phản ánh nào”
  • Nhìn lại vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị mẹ kế bạo hành tử vong qua loạt tình tiết gây chấn động
  • Một bệnh viện hứng “bão 1 sao” vì tin đồn Phó GĐ là ông nội bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Lên tiếng đính chính sau đó lại xóa đi?

Trường hợp người vợ hoặc người chồng ngăn cản việc thăm nuôi con sau khi ly hôn thì người bị ngăn cản cần ghi âm, ghi hình lại những chứng cứ đó để yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc can thiệp, trong đó có thể cơ quan thi hành án. Đồng thời có quyền đề nghị tòa án thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn. Pháp luật quy định là sau khi ly hôn nếu người nuôi con mà không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của con, thì vì quyền lợi của con, người còn lại sẽ có quyền yêu cầu tòa án xem xét thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn

Ngoài ra, luật sư nhấn mạnh, việc thăm nuôi con của bố/mẹ không được ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, công việc học tập của con. Việc thăm nuôi con vào thời gian nào, bao nhiêu thời gian do hai bên thỏa thuận phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình. 

Trong trường hợp sau ly hôn vẫn còn mâu thuẫn về việc thăm nuôi con thì có thể đề nghị hội phụ nữ, ủy ban nhân dân cấp xã phường can thiệp hóa giải hỗ trợ. Nếu vẫn không giải quyết được thì có thể khởi kiện đến tòa án để được thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn theo quy định pháp luật. Hành vi gây mất an ninh trật tự, xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhau hoặc xâm phạm đến quyền trẻ em có thể sẽ phải chịu chế tài hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

https://afamily.vn/tu-vu-be-gai-8-tuoi-bi-me-ke-bao-hanh-tu-vong-chong-khong-cho-gap-con-sau-khi-ly-hon-thi-phai-lam-sao-20211229204841929.chn Tình tiết mới vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành: Bố đưa đi khâu vết thương ở đầu vào ngày 11/12