Từ "cậu bé Syria ngủ bên bờ biển" đến bé gái 8 tuổi mỉm cười như thiên thần: Người lớn ơi, cần bao nhiêu đứa trẻ nữa để thức tỉnh lương tri?
Chúng ta đến với cuộc đời này không quá dài, người ta bảo nhìn lại chỉ như 1 cuộc dạo chơi, nhưng sao những toan tính lại nhiều đến thế?
Người lớn thi nhau tranh đấu thiệt hơn như thể có đến mấy cuộc đời để sống.
Con trẻ thì không, bởi chúng chỉ cần niềm vui của ngày hôm nay.
Thế nhưng, người lớn lại không phải là kẻ trả giá, những đứa trẻ vô tội lại là người làm thay việc đó dù chúng có cả cuộc đời ở phía trước chưa thực sự bắt đầu…
Những ngày cuối năm nhiều tang tóc, đau thương, người ta muốn tiễn năm cũ bằng những hy vọng tươi sáng, nhưng vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết làm cả nước rúng động vì đau xót và phẫn nộ.
Trẻ con phải trả giá cho sai lầm của người lớn bằng cả mạng sống?
Em bé còn cả cuộc đời rộng mở bất ngờ bị cướp mất mạng sống vì sự vô tình bởi bàn tay “người thương của bố”. Ông bố và người tình đồng lòng ủng hộ phương pháp dạy dỗ trẻ bằng bạo lực. Và cuối cùng đứa trẻ chết tức tưởi đau đớn với nhiều uẩn khúc.
Ngập tràn trên mạng là lễ tưởng niệm của “người dưng” tiễn đưa em với nụ cười thiên thần với nến và hoa. Không phải là bữa tiệc sinh nhật vui vẻ mà là 1 cuộc tiễn đưa nghẹn ngào cho 1 thiên thần nhỏ.
Người ta nhớ lại 6 năm trước, hình ảnh cậu bé Syria 3 tuổi bé bỏng với chiếc áo phông đỏ nằm sấp trên bãi biển như đang say ngủ, nhưng thực ra em linh hồn em đã được các thiên thần đón đi. Sự việc xảy ra tại vùng biên giới châu Âu với hành trình chạy trốn khỏi quê hương, chạy trốn khỏi chiến tranh đi tìm 1 vùng đất mới nhưng… bất thành.
Chiếc thuyền quá tải đã chìm khi đang trên đường thoát khỏi Syria, kéo chìm luôn tính mạng của 5 đứa trẻ. Hình ảnh cậu bé Alan 3 tuổi nằm như đang ngủ gây chấn động toàn thế giới, nhưng lại chứa đựng hiện thực nghiệt ngã của những toan tính và sự tham lam vô tận của người lớn.
Cuối cùng, những đứa trẻ không được tự chọn sinh ra, cũng không được tự chọn chết đi, người lớn vần chúng như trò chơi, tạo ra chúng ra và hủy diệt chúng như 1 trò đùa.
Một hình ảnh trong nước và 1 hình ảnh có tính toàn cầu của 2 thiên thần nhỏ đã tố cáo sự tàn nhẫn của những toan tính từ sự tham lam và thiếu hiểu biết hay cả dã tâm của người lớn. Chiến tranh và bạo hành, 2 từ khóa gây những cái chết ám ảnh cho trẻ nhỏ vô tội.
Đó là điều không cũ, nó vốn đã được nhắc tới cảnh báo nhiều trước đó bằng lý thuyết và cả bằng thực tế trần trụi. Nhưng phải đến khi tận mắt nhìn thấy những hình ảnh thấu đến tâm can nhói buốt cõi lòng như thế, người ta mới có cái nhìn lại, mới cảnh tỉnh nhau và cho rằng bắt những đứa trẻ “đền tội” cho người lớn là 1 sự phi lý tận cùng.
Người lớn có tham vọng giàu hơn, mua nhà đẹp, xe sang hơn, con cái ngoan hơn… nhưng trẻ con chỉ có duy nhất 1 ước muốn đó là được vui
Không phải đợi đến vụ bé gái 8 tuổi tử vong vì bạo hành người ta mới thức tỉnh về sự tàn nhẫn của người lớn, của những toan tính về lợi ích kinh tế, vì những hèn mọn của ham muốn, về sự sân si cho rằng 1 đứa trẻ phải hiểu chuyện như mình.
Những đứa trẻ bị bạo hành đến chết vì người lớn cáu giận, vì cho mình cái quyền được dạy dỗ trẻ bằng đòn roi hay bất cứ thứ gì vớ được và hét lên rằng chúng là đồ ngu ngốc, hư đốn hoặc khó bảo.
Chuyên gia tâm lý trẻ em Alicia Vũ nói về “sự hèn nhát” của người lớn, thậm chí là của những người làm cha, làm mẹ: “Chúng ta không đánh sếp, không đánh đồng nghiệp, không đánh hàng xóm nếu chúng ta tức giận hay nếu họ trái ý ta. Chúng ta đánh con, trút giận lên chúng vì chúng ta biết đó là đối tượng không có khả năng tự vệ, cũng không có khả năng rời bỏ mối quan hệ này”.
Trẻ em luôn cần được bảo vệ, được chăm sóc điều đó ai cũng biết. Nhưng chính họ lại trực tiếp hoặc gián tiếp hại những đứa trẻ, đau lòng thay có khi thủ phạm lại chính là cha mẹ chúng.
Khi chuyện bé gái 8 tuổi ở TP.HCM thiệt mạng vì bạo hành, có lẽ nhiều cha mẹ mới tự hỏi: “Mình đã từng đánh con chưa?”, “Mình đã có khi nào lồng lộn lên như 1 con thú khi những đứa trẻ làm những việc không như ý?”, “Đã khi nào mình làm tổn thương con bằng những lời lẽ xúc phạm chưa?”…
Tại sao chúng ta trong hành trình trở thành những ông bố, bà mẹ thấu hiểu vẫn nhiều lúc “say máu” sân si với trẻ nhỏ để muốn điều hành chúng trở thành những em bé ngoan ngoãn như mình mong muốn và dùng hạ sách là nhục mạ, xuống tay với 1 đứa nhỏ?
Người lớn có tham vọng giàu hơn, quyền lực hơn, mua nhà, mua xe đẹp hơn, con cái ngoan hơn, bản thân mình hơn người khác… nhưng trẻ con chỉ có duy nhất 1 ước muốn đó là được vui. Trong hành trình ấy có người đã sẵn sàng đạp lên những đứa trẻ để tìm cách thỏa mãn những “thú vui lớn lao” của mình hoặc “dạy dỗ” chúng thành con người mình muốn, bất chấp việc chúng chỉ là 1 đứa trẻ.
Yêu không phải là cho roi cho vọt, yêu cũng không phải là nắn chỉnh 1 đứa trẻ theo cách người lớn muốn bằng mọi giá. Yêu càng không phải là đạt được mục đích kinh tế bằng việc bất chấp dẫm đạp lên những đứa trẻ.
Hai hình ảnh trong nước và thế giới của những em bé mà người ta gọi mỹ miều là bay lên thiên đàng, nhưng sự thực là những cái chết tức tưởi đau lòng.
Và chúng ta sẽ cần đến bao nhiêu lời cảnh báo đau thương như vậy nữa để lương tri người lớn thức tỉnh?
https://afamily.vn/tu-cau-be-syria-ngu-ben-bo-bien-den-be-gai-8-tuoi-mim-cuoi-nhu-thien-than-nguoi-lon-oi-can-bao-nhieu-dua-tre-nua-de-thuc-tinh-luong-tri-20211229211850208.chn Cha bé gái 8 tuổi ở TP.HCM: Nói vợ bị tâm thần để giành 2 con, nhưng sau đó tạo áp lực rồi thỏa thuận chỉ nuôi V.A để ly hôn nhanh chóng