Tranh cãi việc vợ chồng lương 50 triệu/tháng chỉ đủ tiêu

Việc tính toán và chi tiêu hợp lý cho sinh hoạt gia đình mỗi tháng khiến không ít nhà “đau đầu”, nhất là trong thời kỳ “bão giá”.

Cùng một khoản lương kiếm được nhưng mức chi phải tăng lên, không ít gia đình gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính để vừa đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày, vừa không thiếu hụt lại có thể tiết kiệm được một khoản phòng khi cần thiết.

Những ngày gần đây, giá cả thực phẩm tăng khiến chi tiêu của các gia đình cũng tăng theo. (Ảnh: Kinh tế Môi trường)
Các khoản chi trở thành gánh nặng kinh tế vì “bão giá”. (Ảnh: Lao Động)

Cũng chịu sự tác động lớn của “bão giá”, vợ chồng chị Uyên (sống tại Long Biên, Hà Nội) dù kiếm được khoảng 50 triệu/tháng nhưng vẫn phải thở dài vì các khoản tiền sinh hoạt tăng lên gấp đôi, thu không đủ chi. Tuy nhiên, sau khi chia sẻ về tình hình tài chính của gia đình, câu chuyện của chị Uyên cũng dẫn tới nhiều ý kiến trái chiều từ dân tình.

Chị Uyên (Long Biên, Hà Nội) “đau đầu” vì “bão giá”. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Cụ thể, Phụ nữ Việt Nam viết, gia đình chị Uyên có 3 người gồm 2 vợ chồng và một bé trai đang học Tiểu học. Ngoài ra, chị còn nuôi thêm 1 con mèo. Hai vợ chồng sử dụng ô tô để đi làm vì công ty cách nhà 50km cả đi lẫn về, những khi có việc ở gần thì di chuyển bằng xe máy.

Chị thường đặt đồ ăn qua app để con trai ăn trưa. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Ban ngày, vợ chồng chị ăn sáng và trưa ở ngoài hết 6 triệu đồng/tháng, còn con trai ở nhà tự đặt đồ ăn qua app với chi phí 2 triệu đồng. Bữa tối là lúc gia đình đầy đủ nhất, tổng 1 tháng hết 9 triệu đồng. Tiền xăng để “nuôi” ô tô hết 2 triệu đồng kèm với 1 triệu tiền gửi xe, còn xe máy cũng “ngốn” 300 nghìn đồng/tháng.

Gia đình chị chi 300 nghìn đồng cho mỗi bữa tối. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Ngoài ra, chị còn dành ra các khoản như nuôi mèo hết 1 đến 1,8 triệu đồng, tập gym hết 3 triệu đồng, tiền thuốc men hết 2,8 triệu đồng và tiền cho nhu cầu mua sắm hết thêm 3 triệu đồng. Mỗi tháng, 2 vợ chồng chị để dư ra được 10 triệu.

Đó là câu chuyện của trước thời bão giá. Còn khi giá cả mọi thứ tăng cao, vợ chồng chị Uyên cũng phải “khóc thét” vì tài chính gia đình bị ảnh hưởng quá lớn. Chi phí “nuôi” 2 chiếc xe tăng gấp đôi khiến cặp đôi nghĩ đến chuyện bán bớt ô tô cho tiết kiệm. Tiền ăn cho con trai cũng tăng thêm từ 8-15 nghìn đồng mỗi suất ăn bởi tiền ship, tiền phụ phí.

Bảng chi tiêu thời “bão giá” được chị Uyên thống kê. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Những nhu cầu không quá cần thiết cũng bị cắt giảm. Song, 2 vợ chồng dù có mức thu nhập khá giả so với mặt bằng chung ở Hà Nội hiện tại chỉ đủ lo cho cuộc sống, có chăng thì dư ra chút ít, hoặc nếu ốm đau thì còn có thể rơi vào cảnh lao đao.

Trước câu chuyện của nhà chị Uyên, dân tình đã đưa ra 2 luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng nếu biết cách chi tiêu hợp lý thì 50 triệu đồng là quá thừa cho chi phí sinh hoạt của gia đình 3 người. Nhưng vì thói quen tiêu tiền thoải mái của gia đình chị nên mới có những khoản chi “khủng” như vậy. Trước đó, chị Uyên từng chia sẻ: “Mình phải thừa nhận bản thân không phải người ‘bóp mồm bóp miệng" hay tằn tiện trong chi tiêu để tiết kiệm. Bởi mình và chồng đều đề cao chất lượng cuộc sống. Thay vì cắt giảm thật nhiều thì chúng mình sẽ nghĩ tới phương án kiếm nhiều tiền hơn”.

Tổng chi phí 1 tháng của gia đình chị Uyên hết gần 43 triệu. Nhưng thay vì cắt giảm thật nhiều thì hai vợ chồng sẽ nghĩ tới phương án kiếm nhiều tiền hơn. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Tuy nhiên, số khác, đặc biệt là các bà nội trợ trong gia đình lại tỏ ra đồng tình với câu chuyện của chị Uyên, nhất là trong thời kỳ “bão giá” như hiện tại. Kiếm tiền đã khó, chi tiêu hợp lý còn khó hơn nhiều lần, phải là “thủ quỹ” trong nhà và đứng ra lo mọi chuyện thì mới hiểu được nỗi lòng của bậc bố mẹ.

“Đây mới là thực tế tại nơi tôi đang sống các ông, các bà, các anh, các chị, các em, các bạn ạ! Tag nhanh chồng/cha/mẹ vào chứ không lại cứ theo mấy cái trend trên mạng rồi về bảo vợ/con không được như ‘vợ/con nhà người ta", nấu bữa ăn 5 nghìn đồng với lại nuôi con bằng không khí!”, một độc giả lên tiếng.

Một độc giả hoàn toàn đồng ý với áp lực chi tiêu này của nhà chị Uyên. (Ảnh: Chụp màn hình FB Đ.P)
Áp lực chi tiêu chỉ có người trong cuộc mới hiểu. (Ảnh: Chụp màn hình FB Hà Nội)

Trước đó, chị Thu Hà (29 tuổi, quê ở Hòa Bình) hiện đang sống ở Hà Nội cũng chia sẻ về chuyện khó khăn trong việc cân đối các khoản chi tiêu hàng ngày của gia đình. Dù nhà chỉ có chị và con gái nhỏ, cộng với khoản tiền trợ cấp từ bố đứa bé thì 30 triệu đồng vẫn chỉ đủ để 2 mẹ con sinh sống, không thiếu nhưng cũng khó thừa.

Hai mẹ con chị Hà chi tiêu hơn 30 triệu đồng mỗi tháng. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Các khoản chi cố định mỗi tháng được chị Hà thống kê rơi vào khoảng 31,5 triệu đồng. Công việc kinh doanh mang lại cho chị thu nhập 30 – 50 triệu đồng/tháng nhưng ở thời điểm vật giá leo thang như hiện tại, mọi thức đều đắt đỏ nên nếu tháng nào lợi nhuận cao thì tiết kiệm được 20 triệu đồng, tháng nào ít thì không đủ chi. Vì tương lai khi con vào cấp 1, các khoản chi còn tăng hơn nữa nên chị Hà chỉ còn cách cố gắng phát triển bản thân hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của 2 mẹ con.

Thống kê khoản chi mỗi tháng của nhà chị Hà. (Ảnh: Trí Thức Trẻ).

Ai cũng muốn có thể chi tiêu thoải mái cho sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên, cần phải biết dựa vào mức thu nhập để quản lý chi tiêu hợp lý, vừa để đáp ứng đủ nhu cầu, vừa có thể tiết kiệm được một khoản phòng khi cần thiết nhé!