Tranh cãi tàu Cát Linh diễn tập sự cố không được báo trước, Sở nói có "phát thông báo"
Tàu Cát Linh – Hà Đông trong lần diễn tập xử lý sự cố, cứu nạn cứu hộ trước khi đưa vào sử dụng
Vài ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc tàu Cát Linh – Hà Đông ‘bất ngờ" xảy ra sự cố ở máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh vào tối 7/12. Sau đó phía Metro Hà Nội cho biết, đây chỉ là tình huống diễn tập bất ngờ mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra trong quá trình vận hành khai thác.
Ông Vũ Hồng Trường, TGĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho hay, khi diễn tập sự cố thì ngay cả Metro Hà Nội cũng không được thông báo trước, việc này do cơ quan Nhà nước kích hoạt bất ngờ để kiểm tra phản ứng của đơn vị vận hành.
Việc diễn tập không ảnh hưởng tới tính mạng hay an toàn của hành khách đi tàu và tình huống diễn tập có thể xảy ra bất ngờ, nhưng sau đó đơn vị sẽ thông báo cho khách.
Liên quan đến việc này, trao đổi với PV, đại diện Sở GTVT Hà Nội nêu rõ, việc diễn tập các tình huống sự cố được thực hiện theo khuyến cáo của tư vấn ACT – Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống đường sắt (Pháp) – trong giai đoạn đầu khai thác.
Về tình huống diễn tập sự cố bất ngờ không báo trước vào tối 7/12, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay tại thời điểm diễn tập, trên hệ thống loa truyền thanh đã phát thanh thông báo diễn tập để hành khách đi tàu nắm được.
Tiếp đó, các nhân sự của Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) tại nhà ga Cát Linh đã đứng tại cửa soát vé để xin lỗi hành khách của chuyến tàu đầu tiên sau diễn tập về sự bất tiện vừa xảy ra, đây là một trong các nội dung của quy trình đã được xây dựng
Sau diễn tập, Metro Hà Nội cùng các bên liên quan đã có các báo cáo chi tiết và những điểm cần rút kinh nghiệm đã được kịp thời cập nhật vào quy trình vận hành.
Trước những lo lắng, băn khoăn của dư luận khi bị “diễn tập bất ngờ” có khả năng làm ảnh hưởng tới đời sống, tinh thần, công việc của hành khách, đại diện Sở cho biết, luôn trân trọng các ý kiến của hành khách, thông qua các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là qua phương tiện truyền thông để giúp cho hệ thống đường sắt đô thị ngày càng hoàn thiện hơn.
Đại diện Sở cũng thông tin, hiện nay 63 quy trình ứng phó khẩn nguy tàu Cát Linh – Hà Đông đã được các bên liên quan xây dựng, đánh giá chứng nhận dựa trên các quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông trên đường sắt đô thị của Việt Nam, và kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Việc phân cấp mức độ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác nhau và tại từng thời điểm khai thác, trong đó phải tính đến mức độ thuần thục của các bên tham gia quá trình, vận hành.
Cũng theo đại diện Sở, đường sắt đô thị là loại hình vận tải hành khách công cộng lần đầu tiên được đưa vào sử dụng ở Việt Nam (từ 6/11). Do vậy, trong giai đoạn đầu khai thác, các quy trình vận hành sẽ tiếp tục được cập nhật bổ sung với yêu cầu ngày càng cao, thông qua quá trình khai thác thực tế và diễn tập tình huống.
Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình khai thác vận hành hệ thống đường sắt đô thị và trên hết là sự hài lòng của hành khách.
Theo vị này, với những loại hình mới, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng thì “sự hoài nghi trong một vài trường hợp là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông”.
Tối 7/12, tàu điện Cát Linh – Hà Đông lần đầu tiên diễn tập phản ứng với sự cố kể từ khi tuyến đường sắt này được đưa vào khai thác thương mại.
Tình huống diễn tập là lỗi tín hiệu xảy ra ở máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh. Lúc này trên tàu có khoảng 40 hành khách. Ga Cát Linh phải đóng cửa hơn 30 phút để khắc phục sự cố, trong khi nhiều hành khách được “phen hú vía”.