Tặng cô giáo quà 10 triệu mà con đi học không được 'châm chước', mẹ bực ra mặt nhắn tin hỏi thẳng

Cho rằng cô giáo đã nhận quà nhưng vẫn không đối xử “có tâm” với con mình, người mẹ lập tức nhắn tin chất vấn cô.

Chị Lý có một con trai duy nhất, cả nhà vốn rất mực cưng chiều con nên khi con bước vào lớp 1, người mẹ này vô cùng quan tâm đến vấn đề trường lớp của cậu bé. Thấy sức học của con không quá xuất sắc, chẳng thể gây ấn tượng được với cô giáo bằng cách này. Người mẹ mới nghĩ ra cách tặng cô những món quà đắt tiền để cô giáo có sự quan tâm đặc biệt đến con hơn, đối xử với đứa trẻ cũng nhẹ nhàng hơn.

Nói là làm, chị Lý đã bỏ ra hơn 3000 NDT (khoảng hơn 10 triệu đồng) để mua một chiếc khăn lụa hàng hiệu với hoa văn tinh xảo, gói hộp đẹp đẽ để gửi đến cô giáo. Bên dưới chiếc khăn, chị còn không quên để lại một tấm thiệp nhắn nhủ với cô giáo có để cả tên mình. Thực sự gia đình chị không được xem là quá khá giả, nhưng vì con người mẹ vẫn có thể cắn răng bỏ ra 3000 NDT, mua quà cho cô.

Khi đưa con đến trường, chị Lý đã âm thầm đặt món quà trên bàn làm việc của cô giáo, lòng vui mừng phấn khởi. Thế nhưng khoảng 2 ngày sau khi tặng quà, chị vẫn thấy mọi chuyện trôi qua hết sức bình thường, cô giáo thậm chí còn không nhắn tin cảm ơn. Vào chiều ngày thứ 3, thấy con đi học về mặt mày ủ rũ, hỏi ra mới biết đem nhầm vở, không có bài tập để nộp nên bị cô phạt, chị Lý vô cùng ngạc nhiên. Chị cũng hỏi con trai thêm rằng dạo này cô giáo có đối xử đặc biệt với con không, cậu bé cũng liên tục lắc đầu.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

Một nỗi bức xúc tràn ngập người mẹ, rõ ràng cô giáo đã nhận món quà đắt tiền mà chị tặng nhưng chẳng đối xử nhẹ nhàng với con mình chút nào, thậm chí một câu cảm ơn còn không có. Người mẹ ôm nỗi bực dọc đi ngủ, không thể ngủ được, chị cũng nhắn tin thẳng với cô giáo để hỏi về vấn đề này thì được hẹn lên trường gặp trực tiếp cô giáo vào hôm sau.

Giáo viên của con chị Lý vẫn còn khá trẻ, chỉ trên dưới 30 tuổi nhưng lại có phong thái hết sức đĩnh đạc. Khi nghe chị Lý một lần nữa đề cập đến chuyện món quà, cô giảo chỉ mỉm cười nhẹ nhàng nói với người mẹ 3 điều, những câu nói này đã khiến chị phải ngượng ngùng và hối hận về cách cư xử của mình.

Thứ nhất, cô giáo không hề biết món quà này là do chị Lý tặng, thấy để trên bàn của mình, khi mở ra lại là chiếc khăn hàng hiệu đắt tiền, cô giáo không dám đụng đến nữa mà đóng ngay hộp lại, không kịp thấy tấm thiệp bên dưới. Cứ nghĩ là của ai đó để quên nên cô đã đem đến phòng hiệu trưởng nhờ tìm lại chủ nhân của món đồ thất lạc.

Thứ hai, việc tặng quà đắt tiền cho cô giáo là điều hoàn toàn không cần thiết vì cô đối xử với mọi học trò đều như nhau. Khi học giỏi, ngoan ngoãn sẽ được khen thưởng, phạm lỗi đương nhiên sẽ có hình phạt phù hợp, hoàn toàn không có ngoại lệ. Cô cho biết mình không bao giờ dựa vào hoàn cảnh gia đình, ngoại hình, học lực,… của học trò để phân biệt đối xử giữa các em. Vì thế, nếu biết là do chị Lý tặng cô cũng sẽ không nhận.

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Thứ ba, việc tặng quà đắt tiền như thế này, nếu để đến tai người ngoài, không chỉ cô giáo mà chính con trai chị Lý là học sinh cũng sẽ chịu ảnh hưởng rất nghiệm trọng. Vì quy định của nhà trường là không cho giáo viên nhận quà đắt tiền từ phụ huynh. Do đó, cô sẽ liên lạc với hiệu trưởng để lấy lại hộp quà và trả lại cho chị Lý. Khi nghe những lời này từ cô giáo, chị Lý vô cùng ngượng ngùng, chỉ biết xin lỗi rồi rời đi. Không ngờ ý định của mình lại có thể vô tình làm ảnh hưởng tới con trai và cả cô giáo của con như thế.

Khi con đi học, bố mẹ nào chắc chắn cũng mong muốn con mình sẽ được “nâng niu” nhẹ nhàng. Nhiều người nghĩ chỉ khi làm hài lòng giáo viên, con mới có thể được đối xử tốt. Nhưng thực sự nếu là một giáo viên có tâm, họ sẽ không bao giờ xem trọng vật chất hơn đạo lý nghề giáo đâu các mẹ ạ.

Điều phụ huynh cần làm đó là hãy chọn lựa cho con những môi trường giáo dục tốt nhất và cố gắng kết hợp với nhà trường trong việc răn dạy, giáo dục con trẻ, quan tâm và hỗ trợ kịp thời đối với việc học của con. Chỉ như thế thôi là các thầy cô đã rất vui và có thêm động lực hoàn thành “công cuộc trồng người” của mình rồi á cả nhà ơi.