Sống ở Hà Nội nhưng cặp vợ chồng chỉ tiêu hơn 3 triệu đồng/tháng

Mới đây, câu chuyện một cặp vợ chồng Hà Nội lương vỏn vẹn chỉ gần 10 triệu đồng một tháng, chỉ trích ra chưa đến 4 triệu để chi tiêu.

“Lương bao nhiêu thì đủ sống?” luôn là câu hỏi khiến rất nhiều người đau đầu. (Ảnh minh hoạ: Dân Trí)

Đó là câu chuyện trong suốt nhiều năm qua của một vợ chồng sinh sống bằng nghề buôn bán hoa quả tại Hà Nội, vợ tên là Nguyễn Thị Nhạn (38 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội), còn chồng là anh Hoàng Văn Vượng, 39 tuổi. Cả hai đều đang sinh sống tại một xóm trọ nhỏ dưới chân cầu Long Biên để thuận lợi cho công việc buôn bán hoa quả của mình.

Xóm trọ nhỏ dưới chân cầu Long Biên mà vợ chồng chị Nhạn đang sinh sống. (Ảnh: Dân Trí)

Được biết, để làm công việc bán hoa quả thì vợ chồng chị Nhạn đã phải thức đêm, dậy sớm rất nhiều. Cả hai thường xuyên phải dậy từ 2 giờ sáng để có thể ra các chợ đầu mối lớn nhập hoa quả, sau đó cả hai sẽ chia nhau đạp xe mang theo giỏ hàng ra các khu chợ nhỏ khác nhau để bán. Chị Nhạn thì đến một khu chợ ở quận Ba Đình, còn anh Vượng sẽ sang tận phía Gia Lâm.

Tâm sự với báo Dân Trí, chị Nhạn kể: “Nghề buôn bán chạy chợ như chúng tôi vất vả nhưng lời lãi chẳng được là bao. Thời buổi thứ gì cũng tăng giá, nhiều người thắt chặt chi tiêu nên hoa quả vì thế cũng ế ẩm hơn trước. Sáng sớm, tôi bán được chênh 5.000 đồng/kg so với giá nhập, dần dần hạ xuống chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Đến gần trưa thì bán bằng giá nhập và có khi dưới giá nhập. Bán rẻ, bán lỗ buổi sáng còn hơn là để hàng đến buổi chiều. Hoa quả để đến chiều không ai mua nữa, coi như lỗ chỏng vó”.

Chiếc xe đạp thô sơ mà chị Nhạn dùng để bán hàng mỗi ngày. (Ảnh: Dân Trí)

Được biết, thu nhập từ việc buôn bán hoa quả sẽ vào khoảng 7-8 triệu đồng/tháng và tháng nào cao lắm thì được 10 triệu đồng. Thời gian gần đây, buôn bán khó khăn, người mua không mua nhiều như trước nữa, thế nên thu nhập của vợ chồng chị Nhạn cũng chỉ đủ sống, không dư được đồng nào.

Vợ chồng chị Nhạn có 3 đứa con, trong đó con trai lớn của anh chị năm nay đang học nghề, con gái thứ hai và một con út 6 tuổi đang đi học cấp một và cấp hai. Khoản thu nhập của hai vợ chồng, chị Nhạn phải tính toán làm sao đủ tiền thuê trọ, tiền điện nước, tiền ăn của hai vợ chồng ở Hà Nội, tiền nuôi 3 đứa con ở quê nhà. Số tiền cả hai vợ chồng được phép xài, chi tiêu ở Hà Nội chỉ vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng một tháng cho cả hai người.

Cuộc sống Hà Nội với vợ chồng chị Nhạn vô cùng khó khăn, cả hai chỉ tiêu hơn 3 triệu đồng một tháng. (Ảnh: Dân Trí)

Được biết, để cân bằng chi tiêu trong gia đình, vợ chồng chị Nhạn đã thuê phòng trọ rộng hơn chục mét vuông với giá 1,5 triệu đồng một tháng để sống và làm việc. Căn phòng chị Nhạn thuê nằm trong một xóm trọ nhỏ ở Long Biên, vì nhà trọ có công trình phụ ở góc phòng nên có giá chênh hơn một chút.

Tiền phòng cộng thêm tiền điện, nước, tổng chi phí khoảng 2-2,2 triệu đồng/tháng. Tiền điện 4.000 đồng/số, nước dùng máy bơm nên phải bơm liên tục. Để tiết kiệm chi phí, chị Nhàn và chồng mình đã ở ghép với một người cháu họ cùng quê.

Căn phòng trọ mà chị Nhàn đang ở hiện tại. (Ảnh: Dân Trí)

Nói về chi phí cho ăn uống của cả hai vợ chồng, chị Nhạn chia sẻ trung bình cả hai vợ chồng chi khoảng 40 nghìn đồng cho tiền ăn một ngày. Dậy từ 2 giờ sáng, nhập được hoa quả là cả hai đi làm một mạch đến trưa nên hầu như họ nhịn bữa sáng, nhịn để tiết kiệm mãi và đã thành thói quen của cả hai.

Chia sẻ về thức ăn của hai vợ chồng, chị Nhạn kể, thức ăn quen thuộc của họ là trứng vịt, đậu phụ, rau luộc, lạc… Hàng ngày họ không dùng dầu ăn mà mua mỡ về rán. Thi thoảng, họ đổi bữa bằng chút cá hay thịt. Cá thịt, kho đậm, họ cũng ăn được vài ba bữa. Chị Nhạn chia sẻ: “Nói chung bữa nọ bù bữa kia. Như trưa nay chỉ cơm với chút muối trắng thì tính ra chỉ vài nghìn đồng. Bữa nào ăn hết 3 bìa đậu thì 9.000 đồng; 5 bìa thì 15.000 đồng. Thịt lợn đắt đỏ, từ 120.000 – 140.000 đồng/kg nên tôi ít mua hơn”.

Chị Nhạn chuẩn bị bữa ăn cho hai vợ chồng, đơn giản với 5 bìa đậu cùng 2 quả cà chua. (Ảnh: Dân Trí)
Bữa trưa sau buổi chạy chợ tốn sức của chị Nhạn là bát cơm nguội rang mỡ. (Ảnh: Dân Trí)

Trong tổng chi tiêu một tháng, chị Nhạn còn phải chi ra 350 nghìn đồng để đóng “phí” bán hàng và dọn rác ở chợ. Số tiền còn lại, chị dành đổ xăng mỗi lần về Ba Vì, mua sắm một vài đồ dùng thiết yếu, chút thuốc thang khi đau ốm, nuôi các con ăn học và mua thêm chút cám ngô nuôi 4 con bò ở quê. Vì trọ cách nhà hơn 60km, chị Nhạn cũng ít về nhà bởi còn công việc ở Hà Nội, thế nên chị không thể mang đồ ở quê lên để giảm chi phí, chỉ có thể tiết kiệm trong mỗi bữa ăn thường ngày.

Các khoản chi tiêu của hai vợ chồng chị Nhạn trong một tháng được chị Nhạn liệt kê. (Ảnh: Dân Trí)

Bà mẹ ba con cũng chia sẻ, cách đây mấy năm vợ chồng chị xây một ngôi nhà cấp bốn hết hơn 600 triệu đồng. Tiền nợ xây nhà cũng còn mấy trăm triệu đồng nên họ phải chăn nuôi thêm. Chị Nhạn nói: “Tiền thu được từ chăn nuôi, tôi không dám tiêu mà góp lại để trả nợ. Tiền buôn bán trên này thì phải cố tính toán sao cho đủ tiền ăn, ở cho cả nhà”. Ngoài ra, thời gian gần đây chị sẽ đi đi lại lại về nhà ở Ba Vì để chăn nuôi, chăm vườn tược để thêm một ít chi phí sinh hoạt.

Gia đình chắt chiu từng chút một. (Ảnh: Dân Trí)

Trên thực tế, cách đây không lâu mạng xã hội cũng xuất hiện một bài viết tương tự có nhan đề: “Lương 15 triệu đồng chỉ đủ ‘tồn tại" ở Hà Nội” cũng thu hút rất nhiều sự chú ý của cư dân mạng. Theo đó, dù chỉ 15 triệu đồng nhưng gia đình 5 người vẫn có thể sinh sống, cân bằng chi tiêu để sống ở Hà Nội.

Chi tiêu của một gia đình 3 con ở Hà Nội. (Ảnh: Vietnamnet)

Điều đó cho thấy độ chi tiêu phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh thực tế, cách quản lý kinh tế của từng gia đình, 15 hay 3 triệu đồng không phải là một vấn đề mà còn tùy vào hoàn cảnh thực tế mỗi nhà. Bạn có suy nghĩ gì về câu chuyện chị Nhạn.