Phía sau sự yêu vợ, chiều con của ông xã Ấn Độ nhà Võ Hạ Trâm: Chồng tôi không bao giờ phụ vợ thay tã cho con

Theo Võ Hạ Trâm, cô thường không nhận được sự hợp tác từ ông xã mỗi khi muốn rèn luyện hay đưa con vào khuôn khổ.

Nếu gọi tên một trong những bà mẹ bỉm sữa hot nhất thời điểm hiện tại người ta không ngần ngại gọi tên Võ Hạ Trâm. Từ sau khi kết hôn, sinh con nhất cử nhất động của bà mẹ bỉm sữa luôn nhận được sự chú ý của mọi người.

Khác với một Võ Hạ Trâm lộng lẫy trên sân khấu, người ta gặp một Võ Hạ Trâm vô cùng gần gũi trong vai trò người mẹ, người vợ. Người ta dễ dàng gặp cô nàng lê la khắp group chăm con này, nuôi con nọ. Thậm chí còn dễ dàng nhìn thấy nữ ca sĩ đăng bài xin tư vấn từ các bà mẹ khác.

Võ Hạ Trâm luôn cho rằng dù chuẩn bị một cách kỹ càng nhất nhưng cô vẫn là “tân binh” trong việc nuôi con.

Giống như bao bà mẹ, Võ Hạ Trâm cũng có những ngày stress, mất ăn mất ngủ vì con ốm, hoặc không hợp tác cùng bố mẹ. Cũng có những ngày cô xuất hiện vài giây “ghét con”. Nhưng hơn tất cả, là những ngày yêu con hơn chính bản thân mình, đi ra ngoài chỉ muốn vội vàng trở về với con.

Xin chào Võ Hạ Trâm, bà mẹ bỉm sữa ắt hẳn sẽ có lịch trình khác với mọi người. Một ngày bình thường của bạn sẽ thế nào?

Buổi sáng thường thì bé dậy khoảng 7 giờ, bắt đầu dậy thì bà vú sẽ bế, lúc này mình sẽ ngủ thêm chút vì đêm cũng ít ngủ. Sau khi tỉnh dậy thì dạy chơi với con, cho con bú xong cả ngày cứ quy trình con ngủ, con dậy, ăn rồi lại ngủ như vậy đó.

Cho đến tối bé đi ngủ rồi tới đêm sẽ thức 2 lần để bú lúc 4 giờ sáng và 6 giờ sáng. Giờ thì bé được khoảng 6 tháng rồi, mọi thứ cũng dễ dàng hơn. Và tất nhiên, toàn bộ quỹ thời gian của mình sẽ dành xoay quanh con thôi.

Bé thì không quấy, trộm vía là con rất ngoan, chẳng quấy đêm, thậm chí đi chích ngừa về cũng không quấy mẹ luôn. Ngủ ngoan, dậy rồi bú và chơi thôi chứ không quấy mẹ. Mình cảm thấy vô cùng may mắn khi con ngoan như vậy.

Võ Hạ Trâm từng chia sẻ, trước khi “nằm ổ” bạn đã chuẩn bị vô cùng cẩn thận cho việc làm mẹ. Thế nhưng giữa lý thuyết và thực tế lại không hề giống nhau hoàn toàn. Sau gần 4 tháng làm mẹ, bạn có gặp “cú sốc” nào không?

Mình bất ngờ nhiều lắm. Trước khi sinh thì vẫn lường trước được rằng làm mẹ sẽ rất cực, sẽ thức đêm chăm con, thiếu ngủ… nhưng lúc đó mình chưa có cảm nhận sâu sắc những cảm xúc và khó khăn của các bà mẹ sau sinh.

Tháng đầu mình hơi căng thẳng vì mọi thứ bị đảo lộn hết, đến việc không ngủ đủ giấc vào ban đêm cũng khiến mình stress. Trước đây mình đi đâu cũng được nhưng bây giờ mở mắt ra là bao nhiêu quy trình ăn uống, cho con bú, ngủ rồi tắm cho con.

Có những lúc mình không hiểu con, con cũng chưa hiểu mình kiểu như cho bé bú nhưng con quạu với mình, mình quạu với con nên bị căng thẳng nhiều lắm. May mắn là đến tháng thứ 2 rồi tháng thứ 3 mọi thứ đã ổn hơn rồi.

Có câu chuyện thực tế nào cho việc kiến thức mình học được trên sách vở lại không thể áp dụng được với con mình không?

Có những điều mình gặp khác với những cuốn sách hay lời khuyên từ các chuyên gia mà bản thân đã đọc hay nghe. Mình là một bà mẹ rất cẩn thận nên trước khi sinh đã đọc rất nhiều sách, xem nhiều clip hướng dẫn, ví dụ như nuôi con làm sao để dỗ cho bé ngủ ngay hay tự đi vào giấc ngủ.

Nhưng sinh xong bản thân phải đối diện với rất nhiều điều khác biệt với kiến thức trong sách. Thực tế thì sách được viết dựa trên quá trình nghiên cứu với tỉ lệ lớn ở các đứa trẻ nhưng không phải tất cả. Mỗi đứa trẻ lại có cách thích ứng riêng khác nhau.

Đối với Moon, trộm vía là con cũng dễ nên mọi thứ không quá nhiều khó khăn, riêng chỉ có việc rèn luyện nết ngủ là không được. Vì mỗi lần mình mà rèn quá mạnh mẽ một chút con sẽ khóc ré lên ngay thế là lập tức ông xã xuất hiện liền.

Nói chung mình không có sự hợp tác của ông xã trong việc rèn luyện con. Nên đành phải nương theo kiểu của con để có thể chăm sóc một cách tốt nhất chứ không phải theo rập khuôn một phương pháp nào cả.

Phải nương theo kiểu của bé để mình có thể chăm sóc chứ không theo 1 kiến thức nào bởi vì mình là người rất dễ căng thẳng nếu 1 điều gì đó trượt đường ray.

Ví dụ như con mình đến tháng này phải được thế nọ thế kia nhưng nếu không được thì mình lại tự hỏi: Con mình có bị sao không?

Kiểu vậy, lo lắng và lo lắng. Vì vậy mình thấy cứ nương theo con mà chăm sóc thì đỡ bị stress. Có những lúc như vào 1 ngày đẹp trời, mình đọc được đâu đó là bé sơ sinh phải ngủ hơn 10 tiếng 1 ngày chẳng hạn, nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, xong rồi mình lại ngồi đếm rồi bắt đầu rối lên không cần thiết. Sau này bình tâm lại thì mình nghĩ: Mỗi bé sẽ có 1 kiểu riêng, cứ để tự nhiên nó muốn ngủ thì ngủ, muốn thức thì thức, vậy đó. Và mình cảm thấy những kiến thức mà mình đã đọc thì chỉ sử dụng được khoảng 50% thôi.

Còn với ông xã của bạn thế nào, anh có gặp nhiều khó khăn trong lần đầu làm bố?

Ông xã thì cũng giống như mình vậy đó, cũng bỡ ngỡ ở tháng đầu khi trong nhà có thành viên mới. Ông xã mình sẽ không phụ các việc như thay tã, bỉm vì anh ấy rất vụng về, lúc nào cũng sợ làm đau con.

Nhưng anh ấy thường xuyên chơi với con, bồng con, nói chung là phụ vợ được khoản đó. Dù không có chút kinh nghiệm nào nhưng ông xã mình luôn cố gắng hỗ trợ vợ chăm con.

Mọi người có thể dễ dàng tìm thấy bạn trong các group chăm con. Có vẻ như bạn rất tin tưởng vào sự tư vấn của cộng đồng mạng?

Thật sự mình cũng chắt lọc ý kiến của mọi người. Mỗi mẹ sẽ có những bí quyết chăm sóc con, người thì theo kiểu truyền thống, ông bà nhưng mình thì theo khoa học. Những gì bác sĩ, chuyên gia khuyên thì mình nghe, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào đứa trẻ của mình nữa. Có những ý kiến mình sẽ tham khảo nhưng nó phải phù hợp với con mình.

Có những lúc truyền thống đúng, mình không phủ nhận quan niệm của ông cha mình nhưng mình sẽ chắt lọc ý kiến phù hợp nhất với mình chứ không chỉ nghe theo 1 phía nào hết.

Ông bà nội ngoại có góp ý gì về vấn đề chăm sóc con nhiều không?

Mình ở riêng từ ngày đi sinh đến hết giãn cách nên ông bà không ở chung được vì thế cũng chẳng có nhiều cơ hội chăm sóc và cho ý kiến.

Mẹ mình cũng hiểu bây giờ thời đại khác rồi nên không có ý kiến gì với việc chăm sóc con của mình đâu. Hiện tại nhà Trâm cũng có vú em giàu kinh nghiệm chăm em bé nên mọi thứ sẽ dễ dàng hơn, mẹ mình thấy an tâm dù không ở bên cạnh con.

Sức khỏe của Võ Hạ Trâm sau 1 lần sinh nở hiện tại như thế nào?

Mặc dù mình đã có 1 chế độ dinh dưỡng tốt, tập thể dục thể thao trong thai kỳ và trước đó nữa nhưng sinh xong không thể phủ nhận được là cơ thể mình thời gian đầu rất yếu.

Bản thân Trâm cảm thấy rõ rệt luôn, tay chân các khớp rất đau. Việc con bú mình thức đêm sẽ bào mòn dần cơ thể. Nên khi sinh xong thì chị em phụ nữ phải bổ sung thật nhiều dinh dưỡng, tập trung chăm sóc sức khỏe của mình. Có những chị chỉ lo chăm con thôi mà không nhìn đến bản thân thì 1 ngày nào đó cơ thể sẽ kiệt quệ, bệnh thì mình mới vỡ lẽ ra là đã không chăm sóc bản thân. Sinh nở mất rất nhiều máu, đặc biệt là mình sinh mổ và thời gian hồi phục lâu, đau vết mổ nên tất nhiên nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Khi mình sinh xong mình không có thời gian chăm sóc bản thân thì sẽ nhanh tụt sức khỏe, bệnh. Trộm vía, sau khi Trâm sinh xong được sự trợ giúp của vú em nên vẫn có thời gian để ngủ khi quá mệt, với cũng chú ý về dinh dưỡng, để mình vừa chăm con vừa có đủ sức khỏe.

Võ Hạ Trâm cảm thấy việc 1 ngày chạy show với 1 ngày ở nhà chăm con thì cái nào cực hơn?

Mình nghĩ là chăm con cực hơn ấy, bởi vì các công việc của mình đã quen rồi, mười mấy năm nay mình vẫn làm, cho dù cực như thế nào thì cũng thấy vui, vì tính chất công việc của mình là tiếp xúc với đồng nghiệp, âm nhạc, niềm đam mê của mình.

Còn chăm con thì chỉ ở trong nhà, xung quanh 4 bức tường, với 1 đứa trẻ vui thì cười, buồn thì khóc. Mình sẽ thấy cực hơn nhiều để quen với nó, dỗ dành nó vì vậy mình nghĩ làm mẹ cực hơn nhiều so với đi làm. Nhiều người bạn của mình có con cũng chia sẻ là đi làm cực cách mấy cũng không quạu nhưng ở nhà với con cái 1 -2 ngày là thấy quạu. Bây giờ mình thấy đúng thật.

Nhiều fan hâm mộ nhận xét rằng họ dường như nhìn thấy một Võ Hạ Trâm làm mẹ hoàn toàn khác với một Võ Hạ Trâm trên sân khấu. Bạn thấy điều này có đúng không?

Đúng là khác thật, 1 ca sĩ đứng trên sân khấu lung linh lấp lánh đáng yêu bao nhiêu thì khi làm mẹ bỉm tàn tạ bấy nhiêu (cười). Có lúc mình vừa cho con bú xong, tóc tai bù xù, quần áo xộc xệch, mình hỏi chồng: ‘Anh có còn nhận ra em không, 1 ca sĩ nổi tiếng ấy’.

Lúc đó anh ấy chỉ cười. Và khi ấy mình nhận ra, ‘ai làm mẹ cũng như vậy thôi’. Mình là người của công chúng thì mình phải đẹp, phải chăm chút nhưng khi về với gia đình thì cũng sẽ tất bật với việc chăm sóc con cái. Mỗi thời điểm có 1 nét đẹp riêng, ví dụ như các mẹ bỉm cũng có nét đẹp riêng đó chính là sự hy sinh cao cả của những người làm mẹ.

Được biết Võ Hạ Trâm ăn chay trường, mọi người cũng khá tò mò liệu chế độ ăn uống này có đảm bảo cho việc chăm sóc con hay không?

Nhiều người quan niệm là ăn chay sẽ thiếu chất nhưng thật sự ăn chay hay mặn thì mình vẫn phải biết cách ăn và lựa chọn thực phẩm cho phù hợp. Dù chay hay mặn thì mình vẫn phải đảm bảo đủ các nhóm chất cần thiết như đạm, xơ,… Nếu thiếu hay thừa nhóm chất nào quá đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Và bên cạnh việc ăn chay thì mình cũng bổ sung các chất dinh dưỡng để đảm bảo đủ chất cho con và cho cơ thể mình nên trong suốt thai kỳ vẫn thấy rất khỏe mạnh. Cho đến bây giờ bắt đầu đi làm thì sức khỏe đã đủ đáp ứng những hoạt động đó.

Việc Võ Hạ Trâm ăn chay thì sữa có thiếu dinh dưỡng không?

Hoàn toàn không! Mọi người thấy bé Moon phát triển như thế nào thì sẽ biết mẹ ăn chay vẫn đủ chất dinh dưỡng cho con. Moon nhà mình thì đang phát triển nhỉnh hơn so với quy chuẩn.

Ví dụ như vừa rồi 3 tháng đi chích ngừa thì bé được 6 kí rưỡi trong khi cân nặng chuẩn là 5,2 ký và cũng dài và lanh lợi hơn.

Con lúc 3 tháng đã tập đứng rồi nè, ai đưa điện thoại chụp hình là tự diễn trước màn hình luôn. Nói chung là rất thông minh nên mình nghĩ là việc ăn chay hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé.

Nhiều bà mẹ bỉm sữa rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh, không biết Võ Hạ Trâm có tìm hiểu về việc này không?

May mắn là mình chỉ bị nhẹ và ngay lập tức ý thức được điều này. Mình đã từng nghe nhiều những câu chuyện trầm cảm từ nhẹ đến nặng nên luôn ý thức được là hãy cẩn thận nó sẽ trở thành câu chuyện của mình và khi đó mình phải làm gì.

Trầm cảm sau sinh là một cái gì đó rất âm ỉ trong người, sẽ không rõ ràng, nếu mình không để tâm thì đôi khi bản thân sẽ chẳng biết được. Nhất là tháng đầu sau sinh, mình cảm thấy rất dễ cáu, từ những việc nhỏ với chồng, với những người xung quanh. Lúc này mình nhìn lại, tự suy nghĩ có khả năng sẽ trầm cảm nhẹ vì những thay đổi tâm sinh lý của mình.

Lúc ấy, mình tâm sự với chồng để giải tỏa. Mình nghĩ những chị em đang gặp vấn đề tương tự nên tâm sự với người thân để họ giúp vì tự mình không thể vượt qua được.

Sau khi sinh con, mình thấy con rất xinh nhưng bỗng dưng lại có những lúc suy nghĩ thấy con rất ghét. Khi có suy nghĩ đó, mình ngay lập tức nói chuyện với chồng, rồi anh ấy chia sẻ: “Em cứ nghĩ xem cái mùa dịch này nếu không có 1 đứa trẻ em sẽ cảm thấy chán chường như thế nào, em có con đó là kết quả cho tình yêu của bọn mình, rất là đẹp. Anh biết là em vất vả vì bây giờ mình không thể đi ra ngoài nhưng có anh ở đây mà”.

Những câu động viên của chồng làm cho mình vượt qua được và dần dần chế ngự những suy nghĩ tiêu cực. Cũng may mắn là mình luôn để ý đến vấn đề trầm cảm sau sinh nên dễ dàng vượt qua nó luôn.

Ngoài trầm cảm thì mình nghĩ là phải thích nghi với cuộc sống sau khi có con. Ví dụ như người hay đi đây đi đó, du lịch mà giờ phải ở nhà, nhất là mùa dịch nữa thì phải tập thích nghi nhiều, chấp nhận là: mình đã có con, mình không được tự do như trước nữa, phải lo lắng cho con, phải mạnh mẽ để thích ứng với cuộc sống hiện tại.