Người đàn ông sống chung phòng với mẹ ruột suốt 28 năm, sự thật phía sau rơi nước mắt
Được biết từ năm 22 tuổi, anh Cao đã chuyển vào sống chung phòng với mẹ ruột, khi ấy 40 tuổi. Việc này đã khiến nhiều người nghi ngờ và hiếu kì.
Người ta có câu: “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, nhằm ngụ ý những người con khi trưởng thành đều sẽ lập gia đình, sống riêng khỏi bố mẹ. Thế nhưng tại huyện Đức Thanh, thuộc thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, có một người đàn ông lại nguyện ý sống chung phòng với mẹ ruột của mình suốt 28 năm qua, không hề kết hôn.
Việc con cái đã lớn vẫn sống chung nhà với bố mẹ là hết sức bình thường nhưng việc sống chung một phòng lại hoàn toàn khác. Anh Cao hiện đã 50 tuổi nhưng không hề kết hôn, thậm chí còn sống chung một phòng với mẹ ruột mình.
Được biết từ năm 22 tuổi, anh Cao đã chuyển vào sống chung phòng với mẹ ruột, khi ấy 40 tuổi. Việc này đã khiến anh Cao nhận về nhiều sự nghi ngờ và lời chỉ trích khác nhau. Bất chấp những bình luận khó chịu từ người ngoài, anh Cao vẫn quyết làm theo ý mình. Cho đến nay, anh Cao cũng chưa hề kết hôn.
Hóa ra, từ 28 năm trước, mẹ anh Cao là bà Yu đang dùng bữa trưa thì đột nhiên cảm thấy điều bất thường trong cơ thể, cả người bà run rẩy, bàn tay không cầm nổi đôi đũa nữa. Thấy tình trạng bệnh của mẹ ngày càng trở nên trầm trọng hơn, anh Cao nhanh chóng đưa mẹ đi khám. Bác sĩ đã thăm khám và xác nhận rằng bà Yu bị mắc hội chứng Parkinson – một dạng rối loạn thần kinh thường gặp ở người lớn tuổi, dẫn đến không thể kiểm soát được vận động của cơ bắp, đi lại khó khăn, cử động chậm chạp, chân tay bị run cứng…
Theo chuyên gia y tế, bệnh Parkinson không thể chữa được. Ở giai đoạn đầu, khi bệnh còn nhẹ, bệnh nhân có thể tự đi lại được. Nhưng khi bệnh trở nặng, có thể mất cả khả năng vận động, ảnh hưởng nghiêm trngj tới sinh hoạt và cuộc sống.
Biết tin này, anh Cao vô cùng đau lòng và thương mẹ. Chính vì vậy, anh Cao mới quyết định chuyển vào sống chung phòng với mẹ ruột để tiện chăm sóc cho bà.
Anh Wang, em họ của anh Cao cho biết: “Kể từ khi bác tôi bị bệnh, anh ấy thường xuyên đưa bác ấy đi chữa bệnh. Vì chuyện này, anh ấy phải gánh khoản nợ hơn 40.000 nhân dân tệ (gần 144 triệu đồng) chỉ trong vài năm. Anh ấy vừa phải chữa bệnh cho mẹ, vừa trả nợ và kiếm sống. Anh ấy đã đi học làm bánh mè rồi mở một quầy bán bánh đường phố, nuôi sống cả gia đình bằng thu nhập ít ỏi của mình”.
Anh Cao kể lại: “Khi mẹ mới bị bệnh, ban ngày tôi không cần chăm sóc bà ấy, ban đêm cũng có thể yên tâm làm bánh. Nhưng chỉ 6 năm sau, tình trạng bệnh của mẹ trở nặng hơn, không thể tự chăm sóc mình được. Không còn cách nào khác, tôi đành phải mua một chiếc xe van chở bà ấy ra quầy bán hàng vì bà ấy không thể tự ăn uống, sinh hoạt và giải tỏa tâm lý được. Tôi dành phần lớn thời gian trong ngày để chăm sóc mẹ. Thời gian còn lại tôi phải làm và bán bánh mè để có chút thu nhập”.
Suốt gần 3 thập kỷ qua, anh Cao luôn thức dậy vào lúc 6h sáng. Việc đầu tiên anh làm là kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ, xem giường của bà có bị ướt không, sau đó mới vào bếp nấu ăn sáng cho bà, rồi tiếp tục đi làm tới tối khuya.
Nhiều người khi biết chuyện anh Cao sống chung phòng với mẹ ruột suốt 28 năm nay nhưng không rõ lý do phía sau nên đã buông những lời rèm pha, chỉ trích, cho rằng anh Cao là kẻ lập dị, ăn bám mẹ, ỷ lại vào mẹ mình. Tuy nhiên, khi biết được toàn bộ sự thật, tất cả mọi người lại quay ra khâm phục, ngưỡng mộ và khen ngợi tấm lòng hiếu thảo vô bờ của anh Cao với mẹ mình.
Khi được hỏi làm thế nào có thể hy sinh cuộc sống riêng tư của bản thân để ở bên chăm sóc mẹ suốt mấy chục năm như vậy, người đàn ông 50 tuổi này nghẹn ngào chia sẻ: “Bà ấy là người sinh ra tôi, trăm sự hiếu thuận đặt lên hàng đầu. Tôi chỉ làm tròn bổn phận của mình. Đây là lương tâm cơ bản nhất của một con người, nếu không làm được thì sống cũng chỉ uổng phí”.
Trước đó, câu chuyện con trai hiếu nghĩa đóng giả phụ nữ suốt 20 năm chăm mẹ ốm liệt giường cũng khiến nhiều người vô cùng cảm phục.
Cụ thể, tại thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, có 3 mẹ con sống dựa vào nhau côi cút. Cách đây vài chục năm, khi người con gái của bà cụ đột ngột qua đời, người mẹ vô cùng đau buồn và ngày đêm thương nhớ con gái. Căn nhà nhỏ giờ lại càng lạnh lẽo, neo người hơn.
Một vài năm sau đó, người mẹ bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của căn bệnh tuổi già. Thấy mẹ ốm liệt giường mà vẫn không ngừng nhớ đến con gái, anh con trai quyết định sẽ phải làm gì đó để giúp mẹ. Không ngại hàng xóm, người đời chê cười, anh đã quyết định thay đổi cách ăn mặc, chọn những bộ quần áo của phụ nữ giống trang phục người chị mình từng hay mặc và để tóc dài. Vì không đủ minh mẫn, bà cụ đã tin rằng đó là cô con gái trở về chăm sóc cho mình.
Giờ đây, sau hơn 20 năm, người đàn ông này cười nói rằng, anh chẳng còn bộ quần áo nam giới nào trong tủ cả.
“Bà cụ đã rất vui nên tôi vẫn sẽ tiếp tục làm như vậy”, anh nói. “Dường như tôi đã có cuộc sống như một người phụ nữ kể từ đó”.
Nhiều lúc, bà cụ vẫn biết rằng đó chính là anh con trai mình đóng giả. Nhưng cụ bà vẫn rất vui vẻ, hạnh phúc và nhìn con âu yếm: “Đó là con gái tôi; khi con gái lớn của tôi qua đời, thằng bé đã trở thành con gái tôi”.
Anh con trai cho biết rằng, anh không quan tâm tới những điều người khác bàn tán, đàm tiếu xung quanh. Tất cả những gì anh làm là vì mẹ của mình. Nếu không, có thể mẹ anh đã ra đi vì quá đau khổ và thương nhớ con gái từ cách đây 20 năm.
Hoài Phương (T/H)