Mẹ chồng bầu 8 tháng được con dâu chăm sóc, rồi chiến tranh lạnh
Bế em bé mới sinh trong đám cưới của mình, Tuyết Nhung khiến nhiều người hiểu lầm, ai cũng tưởng rằng đó là con cô.
Dâu “tiểu thư” chăm mẹ chồng bầu 8 tháng
Ngày đầu về ra mắt gia đình chồng, chị Phan Thị Tuyết Nhung (33 tuổi, ở Hóc Môn, TP.HCM) không lo lắng hay bị áp lực tâm lý mà ngược lại thấy rất vui vẻ, hòa hợp. Tuy nhiên, điều khiến chị ngỡ ngàng và ấn tượng nhất khi đó là mẹ chồng tương lai đang mang thai 8 tháng.
Bà Lê Ly Lan (1968), mẹ chồng chị khi đó mang bầu đứa con gái út ở tuổi 40 sắp đến ngày lâm bồn. Nhung thường xuyên qua lại, chăm sóc mẹ chồng cho đến khi sinh em bé.
Bà Lan cảm thấy rất “ưng bụng” với cô con dâu tương lai vô tư, dễ thương. “Ngày nào em cũng xuống làm bếp phụ mẹ, ủi đồ, tại vì không có người làm ở nhà. Cho nên suốt quá trình quen chồng, em lo cho mẹ cho đến ngày sinh. Mẹ sinh mổ, 5 ngày ở trong viện, em túc trực hết mấy ngày trong đó”, chị Nhung nhớ lại.
Hẹn hò yêu đương được 1 năm rưỡi thì Tuyết Nhung và chồng về chung một nhà. Ngày diễn ra đám cưới, bế em bé 8 tháng trên tay, cả hôn trường ngỡ ngàng vì ai cũng nghĩ đó là con của chị Nhung.
3 năm vỡ mộng, mẹ chồng viết tâm thư răn dạy con dâu
Vốn sinh ra là con một trong gia đình khá giả, chị Nhung được bố mẹ ruột cưng chiều, yêu thương hết mực. Thế nên sau ngày về làm dâu, chị mới “vỡ mộng” cuộc sống hôn nhân khi ở chung nhà cùng mẹ chồng.
Ngược lại, bà Lan vốn quen nếp của gia đình đông con, thấy con dâu được “cưng chiều” nên muốn đưa vào khuôn khổ. Bà muốn con dâu quét nhà cửa, tập thể dục, coi sóc chuyện nhà, dậy sớm để đủ thời gian để làm các việc khác. Hai mẹ con tính cách trái ngược, nên dần nảy sinh mâu thuẫn.
“Thật sự em hơi bỡ ngỡ. Vì lúc gặp mẹ chưa cưới, mẹ hiền và thân thiện lắm. Ai dè về làm dâu khuôn khổ quá luôn. Lúc sống một mình thường em ngủ đến 9 – 10h sáng, giờ lập gia đình mẹ muốn em dậy sớm, đúng 6 giờ, không làm thì mẹ buồn mẹ giận. Em bực lắm, không cãi mẹ nhưng mặt hằm hằm, không nói chuyện với nhau”, chị Nhung nói.
Thấy con dâu trái tính trái nết, trong lòng bà Lan buồn lắm, thầm nghĩ: “Tại sao nó lại như vậy? Sao mặt nó lạnh tanh?”. Còn chị Nhung cứ thấy mẹ ở đâu là lảng tránh, mẹ dưới bếp thì con đi lên lầu và ngược lại. Chị nói với chồng nhưng chỉ nhận được lời an ủi: “Mẹ hiền lắm, mẹ vậy thôi chứ không có vấn đề gì hết đâu!”.
Không nói chuyện được với nhau, bà Lan đành viết thư tâm sự, khuyên răn, nhờ con trai đưa vợ. Nhưng chị Nhung cái tôi lớn, nhìn bức thư lại càng thêm bực, không buồn đọc. Những mâu thuẫn nhỏ dần tích tụ, trong suốt 3 năm, hai mẹ con không ăn một bữa cơm chung.
Cho đến ngày, chị Nhung sinh em bé, con bị bệnh, thấy mẹ chồng tất tả chạy ngược xuôi lo cho cháu, niềm xúc động trong chị trào dâng.
“Khi em bé bị Rubella, ai cũng lo hết. Lúc đó ra vô bệnh viện suốt 8 tháng. Mẹ lúc nào cũng kế cận hết, mình mới cảm nhận được tình thương mẹ dành cho mình. Trước đấy mình nghĩ là mẹ chỉ thương con đẻ thôi”, chị Nhung tâm sự.
Tình cảm hai mẹ con sau đó được vun vén, thu hẹp dần khoảng cách. Chị Nhung nói chuyện với mẹ nhiều hơn, thậm chí khi đẻ xong về nhà ngoại, có nhiều hôm chị nhớ mẹ chồng quá, đêm còn gọi điện khóc. Còn bà Lan hiểu con dâu hơn, thấy con biết suy nghĩ, chín chắn hơn thì cũng mềm lòng, thương con thương cháu nhiều hơn.
14 năm làm dâu, chị Nhung sinh được 2 bé, cuộc sống hôn nhân viên mãn. Hai mẹ con giờ đây xem nhau như “bạn tri kỷ”, thỉnh thoảng rủ nhau đi shopping, làm đẹp, chia sẻ buồn vui cuộc sống.
Nguồn: Mẹ chồng nàng dâu, Ảnh: FBNV