Mẹ Bến Tre có đôi chân "siêu ngắn" bị chồng ruồng bỏ

Người mẹ mắc bệnh lạ từ nhỏ, chân có một đoạn ngắn, ấy vậy mà một mình bươn trải nuôi 2 đứa con và chăm sóc mẹ già bị tai biến nằm một chỗ.

Ghé huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) hỏi thăm chị Võ Thị Kiều (SN 1979) – mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ mắc chứng bệnh chân cong ai cũng biết. Từ người già cho đến trẻ nhỏ trong xã đều có thể kể vanh vách về hoàn cảnh khó khăn của chị. “Cái Kiều mắc bệnh lạ từ nhỏ, chân có một đoạn ngắn, không thể đứng như người tí hon. Vậy mà một mình nó phải bươn trải nuôi nấng 2 đứa con và chăm sóc mẹ già bị tai biến nằm một chỗ. Âu cũng là cái số phải khổ, thật tội”, dì Năm (60 tuổi) – hàng xóm của gia đình chị cho hay.

Ba mẹ con sống trong túp lều rách nát

Sau đó dì dẫn chúng tôi đến nhà của chị Kiều. Chị sống cùng cha mẹ ruột song ba mẹ con lại ở tại túp lều được cất dựng bằng những mảnh gỗ cũ ghép lại phía sau vườn. “Gọi là túp lều chứ nó còn chẳng bằng chuồng trâu chuồng bò của mấy gia đình khá giả”, dì Năm nói.

Dì vừa dứt lời, chị Kiều ngại ngùng: “Mình đi lấy chồng, đáng ra phải về đó làm dâu chứ không phải ở nhà đẻ. Còn bỏ chồng, mình cũng không được phép về nhà cha mẹ… Đó là phong tục của người dân nơi này. Song cha mẹ mình thương con gái nên bảo về đây nương tựa, dựng cái lều chui ra chui vào. Ba mẹ con mình sống giản đơn, có gì ở đó”.

Túp lều của mẹ con chị Kiều không kiên cố lại thiếu thốn đủ thứ. Nơi đó chỉ có chiếc giường sắp mục nát, đôi ba cái chăn mền cũ… Phía trên là sợi dây treo quần áo đồng phục của hai đứa nhỏ, dựng bên cạnh là chiếc sào để chị khều đồ cho các con.

“Chiếc sào do cha mình làm đó! Cha biết mình lùn, không thể với được đồ nên làm sẵn, muốn là khều xuống thôi”, chị Kiều khoe. Chúng tôi thắc mắc mái nhà có nhiều lỗ thủng, mùa mưa về phải làm sao? Chị bảo đã có sẵn tấm bạt ở trên, mưa kéo ra; nóng thì bật quạt không có lồng ở trên cột…

Túp lều của mẹ con chị Kiều không kiên cố lại thiếu thốn đủ thứ.

“Chắc nhiều người nghĩ mẹ con tôi sống cực khổ. Thực sự chúng tôi khổ thật nhưng chưa bao giờ chán nản cuộc sống cả. Bản thân tôi sinh ra thiệt thòi, đến khi lấy chồng sinh con thì hai đứa lại có bệnh. Sau đó tôi tiếp tục bị chồng ruồng bỏ… Với chừng ấy đủ để một người không thiết tha chuyện sống nhưng tôi không được phép vậy! Tôi phải sống để lo cho 2 đứa trẻ chứ”, người phụ nữ miền Tây tâm sự.

Chị Kiều sinh ra có cơ thể như bao người nhưng càng lớn càng dị thường. Nếu như phần trên của chị phát triển đều thì đôi chân ngắn tủn. Lúc đó gia đình không có tiền đến viện kiểm tra, vì thế chị cứ lớn… trưởng thành trong hình dạng không cân đối, trở thành người tí hon chân ngắn chừng 50cm.

Mang thân hình không cân đối lại chẳng thế đứng vững, chị Kiều thường xuyên tự ti về bản thân. “Lũ bạn trong xóm đến tuổi cập kê là thương người này nhớ người kia. Còn mình không dám nghĩ tới chuyện đó vì làm gì có ai chấp nhận yêu và cưới một cô gái tật nguyền?”, chị chia sẻ.

Hai con của chị Kiều mang gen của chị: mắc bệnh chân cong.

Dẫu vậy chị Kiều vẫn luôn mơ ước về ngôi nhà nhỏ với bao tiếng cười trẻ thơ. Trong chị vẫn khao khát được yêu, được làm mẹ. May mắn trời là hiểu và thương đã “ban” cho chị một người chồng hiền lành, chân chất.

“Mình quen anh ấy rất tình cờ qua một lần đi bán vé số. Anh bảo thương mình nên nguyện chăm sóc cả đời! Mình đã gật đầu đồng ý làm vợ anh vào năm 31 tuổi. Sau đó cả hai về Bến Tre xây dựng tổ ấm, hai đứa trẻ lần lượt chào đời.

Hàng xóm ai cũng bảo mình số hưởng, có chồng đẹp lại đủ nếp tủ tẻ. Thời điểm đó mình rất mãn nguyện với hôn nhân dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn”, chị Kiều trải lòng.

Bé gái Cẩm Ly nhanh nhẹn và hoạt bát dù khả năng di chuyển kém.

Một mình gồng gánh chăm lo cho cả gia đình

5 năm trước, chồng của chị Kiều quyết định rời quê vợ lên thành phố mưu sinh với hi vọng kiếm được chút tiền lo cho con cái ăn học. Ngờ đâu tại nơi phồn hoa đô thị, anh thay lòng đổi dạ, đi biệt tích không quay trở về. Chị biết chồng đã có người mới xinh đẹp hơn nên chấp nhận sự thật, gắng nén nước mắt vào trong để lo cho hai đứa con.

“Hồi nọ thiếu tiền đóng học phí cho hai đứa, mình có gọi hỏi anh ấy! Anh ấy bảo chưa có, sẽ chuyển sau nhưng mãi chẳng thấy đâu. Khi đó mình chắc chắn anh muốn dứt tình với ba mẹ con nên không làm phiền nữa”, chị Kiều trầm ngâm. Lúc này hai đứa con: 11 tuổi và 8 tuổi của chị bỗng: “Con nhớ ba lắm! Ba hứa đi thành phố kiếm tiền mua bánh kẹo với tập viết. Con vẫn đợi ba về”.

Nụ cười hạnh phúc của bé Minh Lâm.

Nhắc đến bệnh tình của hai đứa trẻ, chị Kiều cho biết hai chân của các con càng lớn càng cong. Song chúng vẫn có thể đi đứng được một đoạn ngắn, loanh quanh trong nhà chứ không thể đi được ra đầu cổng. Chị từng vay mượn đưa các con đi khám, bác sĩ chẩn đoán đó là gen di truyền, khó có thể can thiệp được.

“Hai đứa bệnh nhưng nhanh nhẹn và thông minh lắm! Đứa nào cũng học giỏi và chăm ngoan, còn phụ giúp mẹ bán vé số kiếm tiền nữa. Đó cũng chính là niềm tự hào, động lực để tôi tiếp tục sống”, người phụ nữ tật nguyên tâm sự.

Hiện tại, chị Kiều và con gái lớn cứ chiều chiều lại được cha chị chở bằng xe đạp ra ngoài thị trấn bán vé số. Mỗi ngày chị bán được vài chục tờ, lãi 100.000 – 130.000 đồng, đủ để chị trang trải phí sinh hoạt cũng như tiền học cho các con. Giờ chị không mong gì nhiều ngoài có sức khoẻ để lo cho cha mẹ già và hai đứa con.