Hơn 6.000 container kẹt tại cửa khẩu, nguy cơ thiệt hại đến 4.000 tỷ đồng
Thông quan “nhỏ giọt”
Tình trạng ùn ứ hàng tại các cửa khẩu đã diễn ra khoảng nửa tháng nay. Tuy nhiên theo ghi nhận đến thời điểm này, việc khó khăn trong thông quan vẫn chưa được cải thiện, và thậm chí việc ùn ứ còn có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chính thì vẫn là do phía Trung Quốc thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, làm cho nhiều cửa khẩu phải đóng cửa. Cửa khẩu đang hoạt động thì thời gian thông quan cũng rất chậm.
Tại tỉnh Lạng Sơn, 11/12 cặp cửa khẩu vẫn đang trong tình trạng đóng cửa. Gần 5.000 container hàng nông sản tập trung tại các cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam… nhiều ngày, nên hàng hóa cũng đã bị xuống cấp.
“Xe ra đông quá, cửa khẩu tắc nghẽn hết rồi, từ Đồng Nai ra đây đã được 11, 12 ngày, mới bỏ hàng ngày hôm qua”, anh Đoàn Quốc Mỹ – lái xe tỉnh Đồng Nai cho biết.
Riêng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghi vẫn đang mở cửa thông quan nhưng trong tình trạng “nhỏ giọt”. Mỗi ngày chỉ đạt 100 xe, giảm khoảng 1/5 so với trước.
Khó khăn trong việc thông quan hàng hóa vẫn chưa được cải thiện (Ảnh: Quốc Khánh)
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ là Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược “Zero COVID”. Hiện tỉnh Lạng Sơn đang phối hợp với các bộ liên quan, triển khai lập các khu khử khuẩn hàng hóa trước khi xuất khẩu. Vì chỉ cần phát hiện virus SARS-CoV-2 trên hàng hoá, thì việc ngừng thông quan sẽ còn tiếp diễn.
“Chúng tôi đang tích cực trao đổi với lực lượng chức năng Quảng Tây (Trung Quốc). Việc cốt lõi là công tác phòng chống dịch bệnh của hai bên phải tốt, phải tạo được lòng tin với bạn về chống dịch bệnh thì thông quan mới được đẩy nhanh lên”, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết.
Gần nửa tháng chôn chân tại cửa khẩu, nên nhiều container đã quay đầu trở lại, hoặc bán lại cho người dân tại khu vực vùng biên.
Nguy cơ thiệt hại 3.000 – 4.000 tỷ đồng
Theo tính toán của Hiệp hội rau quả Việt Nam, tình trạng ùn ứ trên còn kéo dài, thì thiệt hại của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản từ 3.000 – 4.000 tỷ đồng.
Cũng theo thông tin từ Hiệp hội, việc ùn ứ hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc không chỉ có hàng hóa Việt Nam mà nhiều nước khác như Thái Lan, Campuchia, Lào cũng chung tình cảnh tương tự.
Việc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa dự kiến sẽ còn kéo dài. Các doanh nghiệp ngay lúc này đang cần nhiều biện pháp cấp thiết từ phía cơ quan quản lý.
“Thứ nhất mong Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp một chút chi phí, như là xăng dầu, cho lái xe quay về bớt lỗ. Thêm nữa điều tiết lượng xe ở các địa phương lên cửa khẩu để giúp thông thoáng. Tiếp theo mong Nhà nước có điều tiết nào đó căn cứ tình hình thông quan đến đâu thì xe lên thế đó”, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết.
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc hàng hóa sang Trung Quốc là phía bạn phát hiện virus SARS-CoV-2 trên phương tiện và bao bì sản phẩm của Việt Nam. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần khuyến cáo chỉ đạo các địa phương và doanh nghiệp phải thực hiện tốt 5K.
Cần sớm có những giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu
Còn Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các vùng sản xuất vùng trồng phối hợp cùng Bộ, các Hiệp hội, các doanh nghiệp chú ý tới các thông tin phía Trung Quốc, nhất là thời điểm nghỉ Tết để chủ động việc chuyển hàng, đa dạng hình thức vận chuyển, đặc biệt nên chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch.
“Về lâu dài, theo chúng tôi trước hết chúng ta phải sản xuất theo tín hiệu thị trường, chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch mới đảm bảo được quyền lợi cho người xuất khẩu. Bên cạnh đó là đa dạng hóa phương thức vận tải: đi bằng đường biển, đường sắt…”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Trần Quốc Toản cho biết.
Bộ Công Thương cũng đã vừa đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn cung cấp, đăng thông tin về tình hình ùn ứ hàng hóa trước 12h00 hàng ngày trên Cổng thông tin điện tử, để doanh nghiệp, vùng trồng kịp thời cập nhật, chủ động linh hoạt trong việc thu hoạch, đưa hàng lên cửa khẩu.
Trong khi đó, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho rằng, trong khi các cuộc đàm phán cấp địa phương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa thể giải quyết được vướng mắc, Ban này đề xuất Chính phủ xem xét tiến hành một cuộc trao đổi cấp cao hơn để cùng nhận diện nút thắt và có giải pháp khẩn trương giải phóng lượng hàng hóa và xe tồn.
Theo Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân Phạm Thị Ngọc Thuỷ: “Chúng tôi mạnh dạn đề xuất có thể Chính phủ ưu tiên tiến hành một cuộc đàm phán cấp cao. Về nội dung của đàm phán nếu có, có thể xem xét đàm phán tách cửa khẩu mà xuất nhập các mặt hàng nông sản với cửa khẩu xuất nhập mặt hàng phục vụ những mảng như: linh kiện điện tử, hay nguyên phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong nước”.
Ngoài ra, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân còn đề xuất dừng tạm thời các chuyến hàng đang có kế hoạch vận chuyển lên cửa khẩu, hướng dẫn nông dân trì hoãn thu hoạch, hoặc tiếp tục bảo quản tại kho, để chờ giải phóng bớt hàng ùn ứ hiện tại thì mới tiếp tục đưa hàng mới về các cửa khẩu.
Quán phở nổi tiếng Hà Nội bê phở từ “vùng cam” sang “vùng vàng” bán cho khách