Hải “bánh” rơi nước mắt khi nghe ca khúc “Mẹ tôi”: Hối hận vì lầm lỗi
20 năm tù vừa là tính nghiêm minh của luật pháp đồng thời cũng là sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước với người phạm tội nhưng biết hối cải.
Vào khoảng đầu năm nay, nhiều trang tin chia sẻ việc Nguyễn Tuấn Hải (tức Hải “bánh”) đã hết thời hạn chấp hành án và ra tù. Nói khách quan thì việc một người đàn ông ra tù chẳng có gì đáng để bàn luận nhiều nếu đó không phải là Hải “bánh” – một giang hồ cộm cán, bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức cho Trương Văn Cam (biệt danh Năm Cam) gây ra vụ giết Dung Hà chấn động dư luận năm xưa.
Mới đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện clip ghi lại cảnh Hải “bánh” rưng rưng nước mắt khi nghe ca khúc “Mẹ Tôi” được sáng tác bởi nhạc sĩ Trần Tiến. Theo đó, có lẽ nhạc phẩm cùng hoàn cảnh hiện tại đã chạm được vào trái tim Hải “bánh” hoặc cũng có thể 22 năm ngồi sau song sắt đã giúp giang hồ một thời chiêm nghiệm ra rất nhiều điều.
Trước đó, từ cổng trại, tức là phút đầu tiên khi Hải “Bánh” bước chân ra ngoài xã hội sau hơn 20 năm bị giam, cho đến khi vào quán ăn, mua xổ số giúp người bán vé dạo… tiếp đó là các buổi ăn nhậu, tiệc tùng khi đã trở về Hà Nội, và gần đây nhất là sự kiện nhân vật này mua ô tô 1,5 tỉ đồng… – tất tật đều được những người đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội khai thác tối đa.
Điều này không sai, pháp luật không ngăn cấm nhưng vô hình trung đã thúc đẩy, cổ súy, tạo nên một cái “trend” hâm mộ dân giang hồ đối với một bộ phận cư dân mạng hiếu kì. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không tốt tới suy nghĩ, hành động, quan điểm sống của những thanh, thiếu niên mới lớn.
Hải “bánh” (55 tuổi, quê Hà Nội) từng biết đến là nhân vật cộm cán trong giới giang hồ Việt Nam từ thập niên 90 thế kỷ trước, đồng thời nhân vật nổi tiếng trong chuyên án Z5.01, là vụ án về tổ chức tội phạm xã hội đen khét tiếng do Trương Văn Cam ( Năm Cam) cầm đầu.
Năm 2001, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt giữ Trương Văn Cam và đồng bọn cùng nhiều tội danh giết người, đưa, nhận hối lộ, đánh bạc, cho vay lãi nặng… trong đó, Hải “bánh” được xác định là một mắt xích của vụ án và là một trong những người tham gia giúp Năm Cam giải quyết mâu thuẫn với Vũ Hoàng Dung (Dung Hà), một trùm giang hồ khác gốc Hải Phòng.
Năm 2003, TAND TP.HCM tuyên bản án hình sự lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam trong vụ án xét xử Trương Văn Cam (Năm Cam) và đồng phạm. Tại phiên toà, Năm Cam và 5 bị cáo khác bị toà tuyên án tử hình.
Trong vụ án giết Dung Hà, Nguyễn Tuấn Hải bị toà tuyên chung thân về tội giết người với vai trò đồng phạm, giúp sức cho kẻ chủ mưu Trương Văn Cam. Trong thời gian thi hành án, thông qua báo chí, ông Nguyễn Tuấn Hải nhiều lần bày tỏ sự ăn năn hối lỗi và mong muốn cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình.
Tổng hợp hình phạt mà Hải “bánh” chịu án là chung thân. Tuy nhiên, nhờ cải tạo tốt, tham gia nhiệt tình nhiều hoạt động của trại và giúp đỡ các phạm nhân khác nên Hải “bánh” đã được ra tù trước thời hạn.
20 năm đối với một đời người rất dài. Thời gian đó đủ để những thiếu niên năm xưa trở thành cha, thành mẹ, đủ để một con người phấn đấu và gây dựng sự nghiệp, đủ để các bậc phụ huynh chứng kiến con cái trưởng thành, thành đạt.
Thế nhưng, những người mang án tù như Hải “bánh” đã bỏ lỡ mất quãng đời ý nghĩa đó. 20 năm tù đối với Hải “bánh” vừa cho thấy tính nghiêm minh của luật pháp nhưng đồng thời cũng thể hiện sự nhân văn, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với những người sa chân phạm tội nhưng biết hối cải.
“Nằm trong xà lim và biết mình đang đối diện với cái chết, toàn bộ tội lỗi của tôi cứ như cuốn phim quay chậm trong đầu. Chưa bao giờ tôi thấy ân hận nhiều như thế…”.
“Tôi nghĩ và thương bố mẹ, thương con gái rất nhiều. Tôi cứ ray rứt và ân hận mãi. Lúc còn trẻ thì cứ gây án để bố mẹ vào trại thăm nuôi, đến khi bố mẹ già, con gái lớn cần được chăm sóc thì tôi lãnh án chung thân, không biết có còn cơ hội để chăm sóc bố mẹ!”, Nguyễn Tuấn Hải tâm sự.
Tin một ngày con sẽ hoàn lương
Trong ký ức của bà Bánh (mẹ của giang hồ Hải Bánh) thì hồi nhỏ con bà là một người hiền lành, mặt mũi sáng sủa, khôi ngô: “Tôi sinh được cả thảy mười đứa con nhưng thằng Hải là đứa giống tôi nhất. Là con trai nhưng nó sạch sẽ lắm, nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp”.
Kể từ lúc Hải đi tù, đều đặn mỗi năm hai lần bà đưa bé Vân (con gái Hải Bánh) vào thăm bố. Hành trình từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi đến Trại giam Xuân Lộc đã quen với bà đến nỗi bà có thể tả chi tiết cảnh vật và những địa danh quanh đó. Quán nước chè ngay trước cửa nhà bà, dù cố gắng nhặt nhạnh cũng chỉ được vài chục nghìn đủ để hai bà cháu sống qua ngày.
Vì thế mà để đủ tiền trang trải cho chi phí ngày càng đắt đỏ và để tích cóp tiền vào thăm con trai mỗi năm hai lần, bà Bánh đã phải dành ra mấy mét vuông mặt đường để cho người ta thuê làm cửa hàng, kiếm mỗi tháng vài ba triệu. Dù sinh ra tới mười người con nhưng bà Bánh vẫn không muốn dựa dẫm, nhờ vả đứa nào. Một tay bà nuôi dạy cháu Vân, rồi cũng một tay bà đưa nó đi thăm bố mỗi năm. Biết công lao của mẹ vô cùng to lớn nên bất cứ lần nào bà vào gặp Hải Bánh trong trại giam, con trai bà cũng khóc và bảo rằng: “Con bất hiếu nên mẹ phải vất vả nhiều”. Thế nên “nó chẳng bao giờ đòi hỏi việc chu cấp hằng tháng. Hai mẹ con nói chuyện bao giờ nó cũng tỏ ra vui vẻ và bảo trong này đủ cả, mẹ không phải lo lắng nhiều đâu. Tôi biết nó thiếu nhiều nhưng vì thương mẹ nên đã không dám đòi hỏi. Tôi mừng vì tính nó ngày càng đằm hơn”.
Đã từng dọc ngang tung hoành, giết người không ghê tay vậy, mà cũng có những phút giây Hải Bánh thấy chùn lòng khi phải chứng kiến những cái chết vì bệnh tật của những người bạn tù khác. Nhiều lần, trước mẹ Hải Bánh không giấu được cảm giác hoang mang lo lắng “Ở đây nhiều người chết lắm mẹ ạ! Con thấy sợ lắm”. Mỗi lần như thế bà Bánh lại phải động viên con phải cố gắng cải tạo thật tốt, sinh hoạt điều độ thì sẽ không có chuyện gì xảy ra cả.
Là con thứ sáu trong gia đình có tới mười anh chị em nên tuổi thơ Hải Bánh khá cơ cực. Cả gia đình mười mấy người sống chen chúc trong một căn gác rộng chưa đầy 30m2 ở phố Hàng Cót. Hồi đó vì điều kiện kinh tế quá khó khăn nên bà Bánh đã phải đi buôn lậu vải bị bắt. Bà bị kết án ba năm tù và giam tại Trại giam Xuân Nguyên – Hải Phòng. Sau này khi được mãn hạn tù trở về nhà, nhìn mười đứa con thơ nằm ngủ lăn lóc dưới sàn nhà, bà đã không sao cầm được nước mắt. Chồng bà làm nghề gò hàn xích lô nên từ bé Hải đã phải phụ giúp bố những việc như gò, hàn, uốn khung. So với những anh em còn lại thì Hải là người khéo tay nhất, luôn làm bố hài lòng.
Với xã hội Hải Bánh là một gã giang hồ đáng ghê sợ. Thế nhưng trong mắt của bà Bánh, Hải lại là một đứa con biết nghĩ thương yêu và lo lắng cho bố mẹ: “Nó vẫn thường bảo với tôi là nó rất ân hận vì không thể chăm sóc cho bố mẹ lúc tuổi già. Không những thế mà còn khiến bố mẹ phải lo lắng, đau khổ. Ông nhà tôi nghiêm khắc lắm, nó trượt dài trong tội lỗi ông ấy rất đau. Giận con thì giận nhiều lắm nhưng đứt ruột đẻ ra bỏ làm sao được. Lần đầu tiên nó đánh người bị bắt và thụ án ở Hải Dương. Ba mươi Tết ông nhà tôi đạp xe xuống Hải Dương thăm nó, trên đường đi chẳng may bị ngã, chân tay xây xát hết cả. Nhìn thấy bố như thế nó òa lên khóc và cứ day dứt mãi về chuyện đó. Cách đây vài năm ông nhà tôi mất, lo xong xuôi cho ông ấy xong tôi mới báo cho nó. Nó khóc nhiều và dặn: “Khi nào mẹ vào thăm con thì mang cho con album ảnh chụp đám tang của bố. Con chỉ mong được một lần về thắp nén nhang tạ tội với bố thôi”. Nói đến đây bà Bánh bật khóc.
Dù rằng trước khi bị bắt và bị kết án chung thân trong vụ Năm Cam thì Hải bánh đã là một tay giang hồ cộm cán. Chiến tích đầy mình và vào tù ra tội cũng nhiều. Hơn ai hết bà Bánh biết được sự trượt ngã của con mình. Nhưng có lẽ khi ấy tình yêu, sự khuyên răn của người mẹ đã không thể níu kéo những bước chân lầm lạc của Hải bánh. Thế nên không biết bao lần bà rơi vào cảm giác tuyệt vọng vì đứa con “rạch giời rơi xuống” gây không biết bao nhiêu tội ác. Và dù thương con, yêu con đến mấy bà cũng vẫn đủ tỉnh táo để dự cảm về một tương lai xấu của con mình. Biết thế, chuẩn bị tâm lý là thế vậy mà khi nghe tòa tuyên án Hải chịu hình phạt chung thân bà vẫn không tránh khỏi cảm giác choáng váng và đau đớn. Bà thương con một phần thì xót đứa cháu gái mười phần, nó chỉ là một đứa trẻ mà sao cay đắng cứ dồn dập đổ xuống cuộc đời nó.
Tuy Hải Bánh đi tù và nổi tiếng khắp cả nước với những chiến tích bất hảo nhưng bà Bánh chưa bao giờ vì thế mà bị bà con cùng phố xa lánh, kỳ thị. Mọi người vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi và động viên bà. Giờ đây, nỗi niềm lớn nhất của người đàn bà đã trải qua biết bao thăng trầm, cực khổ là sợ không thể sống chờ đến ngày con mãn hạn tù. Là một người mẹ, bà mong và tin lắm rằng thằng Hải con bà rồi sẽ hoàn lương. Bởi có lần khi vào thăm con, Hải Bánh đã từng thổ lộ ước vọng hoàn lương ấy với bà, rằng “đến khi mãn hạn tù nó sẽ trở về và mở một quán cà phê nho nhỏ, sống thanh thản những năm tháng sau của cuộc đời”.
Người đàn bà tần tảo một đời, nuôi mười đứa con khôn lớn bằng người. Tiếc thay hai trong số mười người con bà sinh ra đã không nghe theo những lời dạy dỗ của bố mẹ mà trượt dài trong tội lỗi. Không chỉ có Hải Bánh mà đứa con trai kế dưới Hải Bánh là Long cũng từng là sát thủ nổi tiếng ở Hà Nội với biệt danh Long “tròn”. Nỗi đau khi có hai người con cùng vướng vào vòng tù tội khó có thể diễn tả thành lời.