Hà Nội: Nhiều hộ kinh doanh ăn uống tại quận Hai Bà Trưng chủ động "chỉ bán mang về" trước giờ quy định
Theo đó, UBND quận Hai Bà Trưng yêu cầu thực hiện nghiêm một số nội dung kể từ 12h ngày 19/12 như: Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về; Dừng các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời; Hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin…
Theo ghi nhận của phóng viên vào trưa ngày 19/12, các cửa hàng kinh doanh ăn uống đã thực nghiêm quy định. Theo một số người dân, từ sáng cùng ngày, hệ thống loa phát thanh đã liên tục tuyên truyền. Trước 12h, các cán bộ công an cũng liên tục tuần tra, nhắc nhở người dân chấp hành.
Chia sẻ với phóng viên, anh Vũ Đức Cung (chủ quán phở Muốn, phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng) cho biết, từ sáng sớm cùng ngày anh đã nghe được thông báo về việc tạm dừng bán hàng tại quán. Với kinh nghiệm sau nhiều đợt dịch trước, anh đã chủ động cho nhân viên chuẩn bị các phương án để bán hàng mang về
“Từ 11h30, quán đã không nhận khách và treo biển chỉ bán mang về. Chắc chắn việc áp dụng bán mang về sẽ khiến lượng khách sụt giảm. Tuy nhiên, quán kinh doanh đã lâu có nhiều khách quen nên vẫn có thể duy trì được”, anh Cung chia sẻ
Tại quán phở trên phố Tô Hiến Thành cũng đã áp dụng bán mang về trước 12h
Ngoài ra, UBND quận Hai Bà Trưng còn áp dụng các biện pháp như: Học sinh lớp 12 các trường THPT, Trung tâm GDNN – GDTX tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy – học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới
Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế – xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Phòng họp phải thông thoáng và khử khuẩn trước khi tổ chức, hạn chế dùng điều hòa trung tâm, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách…
Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự thực hiện các hoạt động trực tuyến, trong trường hợp thực hiện bằng hình thức trực tiếp cần tuân thủ các điều kiện như: Có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Không tập trung quá 20 người. Tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR. Xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ
Các điểm tham quan du lịch phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR. Mỗi đoàn không quá 10 người. Cán bộ, nhân viên phục vụ được tiêm đủ liều vaccine/ đã khỏi bệnh Covid-19
Việc đưa ra các biện pháp điều chỉnh trên là do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn quận trong tuần qua có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện các khu vực dân cư có số ca mắc tăng nhanh tại các phường: Phố Huế, Bạch Mai, Cầu Dền, Đống Mác, Đồng Nhân, Lê Đại Hành, Thanh Nhàn, Thanh Lương
Theo đánh giá cấp độ dịch ngày 17/12 của UBND TP. Hà Nội, quận Hai Bà Trưng thuộc cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao). Cụ thể, 1 phường ở cấp độ 3, 11 phường cấp độ 2 và 6 phường cấp độ 1
Lực lượng chức năng, các tổ công tác sẽ liên tục ra quân tuyên truyền, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
“Trước tình hình dịch căng thẳng, từ những ngày trước khi UBND quận có thông báo mới chúng tôi đã khuyến kích khách mua mang về. Rất mong dịch sớm qua để mọi hoạt động bình thường”, một hộ kinh doanh trên phố Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ.
Trước đó, sau khi chuyển sang cấp độ 3, từ 12h ngày 13/12, UBND quận Đống Đa cũng đã yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán hàng mang về. Đồng thời, địa phương này cũng vận động người dân không ra đường khi không cần thiết.
Quận Hoàn Kiếm cũng yêu cầu 5 phường thuộc “nguy cơ cao” tạm dừng các hoạt động, dịch vụ không thiết yếu, hạn chế hoạt động sự kiện tập trung đông người từ 12h ngày 19/12.
Cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến hết ngày 18/12), Hà Nội có tổng 25.653 ca, trong đó 9.765 ca cộng đồng và 15.888 người đã được cách ly. Liên tiếp trong 4 ngày (từ 15 đến 18/12), thành phố vượt 1.000 ca mắc/ ngày, từ 1.300 đến 1.400 ca.
Hà Nội vừa ban hành chỉ thị hỏa tốc, yêu cầu các địa phương khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhất là trong dịp cuối năm.