Gặp lại người cha 10 năm sống trong ống cống nuôi 2 con đỗ thủ khoa đại học ở Hà Nội: "Tôi không còn ở cống nữa rồi"

Gần 10 năm sau khi được biết đến với câu chuyện ở ống cống làm việc, nuôi 2 con sinh đôi đỗ thủ khoa đại học, cuộc sống của ông Nguyễn Hữu Định đã ổn hơn rất nhiều khi các con đã ra trường. Nhưng ông vẫn miệt mài lao động kiếm tiền, không bao giờ có tâm lý ỷ lại vào các con.

“Các con đều đã ra trường. Tôi không phải ở cống nữa”

Chúng tôi có dịp gặp lại ông Nguyễn Hữu Định (SN 1961, quê Ứng Hoà, Hà Nội, người cha từng ở ống cống nuôi 2 con đỗ thủ khoa đại học) tại khu vực ngã tư Chùa Bộc – Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội).

Trong cái nóng oi bức đầu hè, mồ hôi chưa kịp ráo khi vừa kết thúc chuyến xe ôm, ông Định lấy chai nước uống vội rồi lại nhận bơm xe cho khách. Bao năm qua, ông vẫn tất bật như vậy.

Vẫn vẻ ngoài lam lũ, nhưng nụ cười thường xuyên nở trên gương mặt ông Định.

Năm 2013, ông Định được nhiều người biết tới qua câu chuyện 10 năm sống trong ống cống nuôi 2 con sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiền đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Hiện các con đều đã ra trường. Tôi cũng không phải ở cống nữa, nhưng mình là dân lao động, còn sức khoẻ là còn đi làm. Tôi không trông chờ, ỷ lại vào các con””, ông Định vừa tranh thủ làm vừa kể.

Cứ như vậy, chiếc xe máy, cái bơm và bộ đồ vá xe, bao năm qua vẫn là bạn đồng hành cùng ông Định mưu sinh khắp chốn.

Hình ảnh ông Định sống trong ống cống cách đây gần 10 năm.

Ông Định kể lại, năm 2013 khi Hà Nội chuyển bị đón cơn bão số 6 gia đình đang lo sốt vó, thì bất ngờ nghe tin vui khi cả 2 con đỗ thủ khoa đại học.

“Mừng không thể nào tả được, vì đời bố mẹ đã khổ vì không được học hành. Nên ngay khi các con đỗ, vợ chồng tôi quyết tâm bằng mọi giá, dù vất vả thế nào cũng phải nuôi các con ăn học nên người”, ông Định hồi tưởng.

Bộ đồ nghề vá xe được ông gọi là “của hồi môn”, luôn được gắn liền với chiếc xe máy khi ông Đinh ra khỏi nhà.

Không phụ công ơn cha mẹ, 2 con của của ông Định đều đạt thành tích cao trong suốt quá trình học tập. Hiện cả 2 đều đã có công việc ổn định. Riêng Nguyễn Hữu Tiền đã lập gia đình, ông Định cũng mới được “lên chức” ông nội được ít tháng.

Vất vả nuôi con ăn học nên người, nhưng bản thân người cha tuyệt đối không mong chờ các con phải phụng dưỡng.

Ông Định cùng 2 người con song sinh Tiến, Tiền đã trải qua nhiều khó khăn sau khi cả 2 đỗ đại học.

Ông Định tâm sự, các con ra trường được mấy năm nên cuộc sống hiện nay mới gọi là tạm ổn. Bản thân ông cũng có thể lựa chọn cách ở nhà làm việc vặt để các con chu cấp thêm, nhưng không bao giờ ông có ý định làm vậy.

Chiếc bơm hoen rỉ đã đồng hành cùng ông Định suốt 10 năm qua.

“Nghĩ lại những ngày phải ở cống, lo từng đồng tiền lo cho các con ăn học, nhiều khi gặp đối tượng nghiện hay trời mưa gió chả biết chạy đâu thì cuộc sống bây giờ của tôi đã tốt hơn rất nhiều.

Tối tôi về ở nhà, ngày thì đi làm xe ôm, đồng tiền kiếm được cũng vất vả nhưng tự do, đầu óc cũng rất thoải mái, không phải vướng bận gì. Các cháu đều ngoan, được học hành có công việc là hơn bố mẹ rồi”, ông Định bình thản nói.

Dạy các con yêu lao động

Ông Định tâm sự, bản thân ông cũng thường cùng các con ôn lại những kỷ niệm những lúc khó khăn. Nhất là khi sau khi 2 con vào đại học một thời gian, ông Định thôi sống ở cống. Ba bố con chuyển lên thuê phòng trọ nhỏ gần tường của Tiến là Đại học Y Hà Nội.

Chi phí tiền thuê trọ, điện nước, sinh hoạt của 3 ngời dù chắt bóp hết sức cũng mất 4-5 triệu mỗi tháng. Vợ ông Định ở quê quanh năm làm nông, thỉnh thoảng lên “tiếp tế” cũng chỉ được chút gạo và thực phẩm.

“Cứ có khách gọi là bất kể xa gần tôi đều đi, mình vất vả quen rồi nên không nề hà gì” – ông Định khẳng khái nói.

Các chi phí phát sinh trở thành gánh nặng lớn với gia đình. Nhưng những lúc như vậy và kể cả sau này, mấy cha con vẫn lấy khó khăn làm động lực để vươn lên.

Ông cũng cho biết, thời điểm 2 con đỗ đại học, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều cơ quan báo chí cũng đến viết bài. Qua đó nhiều mạnh thường quân biết tới và đến trợ giúp, người cho tiền đóng học, người mua cho máy tính, đồ dùng học tập. Những tấm lòng nhân ái đó đã giúp san sẻ những khó khăn với gia đình.

Mỗi ngày ông Định thường dậy từ sớm đi làm, nhiều hôm có chở khách xa, tối muộn ông mới về tới nhà.

Qua đó, ông Định luôn nhắc nhở các con về lòng nhân ái, giúp đỡ mọi người. Đặc biệt là yêu lao động, bằng mồ hôi, trí tuệ của mình để kiếm những đồng tiền chân chính.

Đang tiếp chuyện, thì chuông điện thoại của ông lại vang lên vì có khách quen đặt chở đi xa. Chào chúng tôi, ông Định lại quay xe lên đường.

Trước đó, câu chuyện người mẹ tên Nguyễn Thị Tuyết Hồng 54 tuổi, tổ trưởng tổ phụ nữ tổ dân phố 70 KP.4, P.Bến Thành, Q.1) hàng ngày chạy xe ôm nuôi 3 con học đại học khiến nhiều người cảm phục.

Mẹ chạy xe ôm nuôi con đại học

 

Đôi bàn tay của cô Hồng gân guốc, nước da rám nắng, mái tóc ngắn, xuyên suốt cuộc trò chuyện của chúng tôi chưa bao giờ cô thở dài hay than vãn. Ở người phụ nữ kham khổ này luôn nổi bật một niềm lạc quan, nhất là khi nhắc đến chuyện học hành của các con, đôi mắt thâm quầng chợt sáng rực. Cô con gái đầu Hồng Minh (24 tuổi) đang là sinh viên năm cuối Trường CĐ Du lịch Sài Gòn, cô con gái kế là Hồng Vân (22 tuổi) cũng đang học năm cuối ngành thiết kế nội ngoại thất Trường ĐH Hồng Bàng, Hồng Oanh (20 tuổi) là sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Tôn Đức Thắng và cậu con trai út Tòng Bá là học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trãi.

Giây phút hiếm hoi chị Hồng được gần gũi bên con gái đang học ĐH Tôn Đức Thắng- Ảnh: TM

Trong các con, Hồng Vân phải đi học xa nhất ở tận Q.Gò Vấp nên cô cho 20.000đ/ngày vừa tiền xài, xe buýt; ba chị em còn lại thì ít tốn kém hơn. Cô Hồng kể: Hội Phụ nữ Phường Bến Thành cho vay 10 triệu đồng, mỗi tháng trả góp một triệu đồng. Tết vừa qua, cả ba đứa lớn cùng đóng học phí gần 20 triệu đồng nên cô phải chạy vạy khắp nơi. Số tiền chỉ đủ cho hai đứa, vậy là phải cho một đứa bảo lưu kết quả học tập.

Dù nặng gánh mưu sinh nhưng cô Hồng luôn dành thời gian tham gia phong trào Hội ở khu phố. Tuy tự nhận mình không có khiếu văn nghệ nhưng cô Hồng và các con vẫn tích cực tham gia các chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn của khu phố, tham gia Hội khuyến học… “Hội Phụ nữ đã dang tay giúp đỡ mình trong lúc khó khăn nên dù bận bịu cỡ nào mình cũng cố gắng tham gia các hoạt động của Hội. Không chỉ giúp nhau chuyện tiền nong, chị em mình còn chia sẻ, giúp đỡ nhau những khó khăn khác trong cuộc sống”, cô Hồng chia sẻ.

Hoài Phương