Cô giáo mầm non gây xúc động với trải lòng rơi nước mắt về những nỗi buồn trong nghề

Tâm sự về chuyện áp lực nghề của giáo viên mầm non khiến cư dân mạng rơi nước mắt, làm nghề gì cũng có nỗi khổ riêng.

Vừa vào làm giáo viên mầm non, Ngọc Trâm (22 tuổi) bị phụ huynh mắng té tát vì nghĩ đã để bạn đấm vào mắt con, trong khi trẻ lên chắp. Cô nhận ra có quá nhiều áp lực đối với công việc này.

Cô giáo rớt nước mắt khi trải lòng về nghề

“Chúng em thường đùa nhau rằng, cô giáo mầm non không khác gì cửu vạn, ngày nào cũng phải bê chồng khay cơm cao ngất cho học sinh. Dù được nghỉ trưa nhưng giáo viên vì lo trẻ ngủ đạp chăn ra hoặc chảy mồ hôi dẫn đến ốm sốt… nên lại thức trông trẻ”, Trâm kể. Bắt đầu công việc từ 7h15, nhiều hôm Trâm và đồng nghiệp phải đợi phụ huynh tới đón con đến gần 19h mới được về.

Là giáo viên một trường mầm non ở Hà Nội Ngọc Trâm chia sẻ chọn nghề vì nghĩ sẽ rất vui khi được chơi với trẻ con. Nói trong nước mắt, nữ giáo viên bảo áp lực lớn nhất đến từ phụ huynh.

Ngọc Trâm (22 tuổi) giáo viên mầm non rơi nước mắt khi kể về nghề. Ảnh: Quỳnh Trang

Trâm từng bị một phụ huynh mắng thậm tệ vì nghĩ cô chểnh mảng trong trông coi để bạn đấm sưng mắt của con. Khi bác sĩ khẳng định, trẻ bị lên chắp chứ không phải bị đánh, người bố này tảng lờ, không một lời xin lỗi. Nhiều cha mẹ mặc định con chưa ngoan hay gặp vấn đề gì đều “lỗi ở các cô”.

Mai Dung (26 tuổi, giáo viên một trường công lập Hà Nội) từng bị phụ huynh đưa luật sư đến trường dọa khi nghe con kể cô giáo không cho ăn, ngủ. “Đó là cú sốc lớn với em”, Dung nói. Hôm đó bố học sinh không trao đổi trực tiếp với giáo viên mà “tố” với hiệu trưởng. Anh này dẫn cả luật sư, kỹ sư công nghệ thông tin đến kiểm tra camera, đề phòng trường cắt, sửa video buổi con bị “ngược đãi”.

“Phụ huynh dọa kiện em ra pháp luật, xử theo luật rừng… nếu camera ghi lại hình ảnh đúng như con đã nói. Tuy nhiên, sau khi xem lại video cả ngày học của con và thấy trẻ vẫn được chăm sóc bình thường, anh này lẳng lặng bỏ về. Từ hôm đó, phụ huynh cũng không đến gặp hay gọi điện xin lỗi và tự động chuyển trường cho con”, Dung kể lại.

Phụ trách lớp hơn 50 học sinh và chỉ có 3 giáo viên, ngoài việc dạy trẻ các kỹ năng cần thiết, Dung phải làm đủ việc từ cho các bé ăn, ngủ, dỗ dành, vệ sinh lớp… “Một ngày, em phải rửa vệ sinh cho mười mấy học sinh, giặt quần áo bẩn do trẻ ị đùn, tè dầm, lau phòng học, cọ nhà vệ sinh liên tục… Trước đây, chúng em còn phải ngày 2 lần rửa hàng trăm bát đũa cho học sinh”, cô Dung nói.

Trong khi đó lương tháng của nữ giáo viên mầm non 4 năm trong nghề này hiện là 3,6 triệu đồng, đã gộp cả phụ cấp bán trú.

Lớp đông, không thể tránh những lúc để học sinh bị vấp ngã hay đánh nhau. Tuy nhiên, Dung kể, nhiều phụ huynh cứ thấy con có vết cào trên mặt hay bầm tím trên da là quy kết cho giáo viên đánh trẻ. Có người còn đứng trước cửa hỏi con là bị cô nào đánh. “Những lời ấy như gáo nước lạnh dội vào mặt, sỉ nhục tư cách của giáo viên”, Dung chia sẻ.

Cô Thùy Linh (33 tuổi), có 11 năm trong nghề giáo viên mầm non. Ảnh: Quỳnh Trang

11 năm trong nghề, cô Thùy Linh (33 tuổi) cho biết, bản thân và nhiều giáo viên khác không bao giờ đánh, chửi học sinh. Việc một số phụ huynh quy chụp trường mầm non nào cũng đánh trẻ, khiến những giáo viên như Linh rất buồn. Ứa nước mắt khi nhắc chuyện con mình luôn ở tốp đi sớm và về muộn nhất trường tiểu học, chị Linh bảo, có lẽ tỷ lệ cao giáo viên mầm non muốn chuyển việc.

Cô Nguyễn Thanh Hương (Hiệu trưởng một trường mầm non ở Hà Nội) cho biết chưa một lần được dự khai giảng của con. Tối nào đi làm về không nhận được điện thoại phản ánh từ phụ huynh, chị mới nhẹ lòng, thấy đã hoàn thành nhiệm vụ.

Áp lực với công việc bị nhiều định kiến, ít sự cảm thông của phụ huynh, các giáo viên kể trên cho biết, nếu không vì yêu trẻ sẽ không tiếp tục được công việc. Các cô mong muốn, phụ huynh có cái nhìn đồng cảm, công tâm hơn và cùng nhà trường chăm nuôi, dạy dỗ tốt trẻ nhỏ. “Sự đồng cảm, ghi nhận công sức của giáo viên từ phụ huynh chính là động lực giúp chúng tôi thêm yêu và làm tốt hơn công việc vất vả này”, giáo viên mầm non Thùy Linh chia sẻ.