Cô gái lên Tinder "kiếm khách" cho phòng khám nha khoa: Xài chiêu gì mà vẫn “có tiền tươi", đáp trả thế nào khi bị gọi là “đồ khôn lỏi”?

Khi app hẹn hò không chỉ dùng cho việc yêu đương, bạn không ngờ đến phải không?

Thời đại công nghệ 4.0 chắc hẳn là mọi người chẳng còn xa lạ gì với việc kết bạn, tìm người yêu trên các ứng dụng hẹn hò. Có người quen được anh người yêu 6 múi, body “mlem”, có người than thở “Sao toàn gặp người chẳng hợp gu thế này!”.

Thế nhưng lên app hẹn hò cũng có người “this” kẻ “that”, đâu phải ai cũng dùng để kiếm người yêu. Minh chứng là một cô gái đã chia sẻ việc mình… bán hàng ngay trên Tinder và bất ngờ là hiệu quả cực kì tốt.

Cô nàng có tên Facebook là Uy Uy đã chia sẻ trải nghiệm đáng nhớ của mình khi dùng Tinder như một công cụ để seeding cho thương hiệu nha khoa. Cô nàng thú nhận trước đây chẳng hề biết Tinder là gì nhưng khi được giới thiệu về phương pháp seeding marketing trên app hẹn hò thấy thú vị nên cũng thử. Và xem cách của cô làm là gì nào!

Cô gái lên Tinder kiếm khách cho phòng khám nha khoa: Xài chiêu gì mà vẫn “có tiền tươi, đáp trả thế nào khi bị gọi là “đồ khôn lỏi”? - Ảnh 1.
Bài chia sẻ của cô nàng trên một hội nhóm về chuyện bán hàng trên Tinder

“Mình viết một chiếc “bio” (dòng giới thiệu) khá hài hước và thú vị về việc mình cần chạy KPI lĩnh vực nha khoa. Ngoài ra mình cũng đăng một chiếc ảnh ngồi chill, khá điện ảnh mà không lộ mặt, một vài hình ảnh mình thích từ các bộ phim, một vài câu hỏi về tính cách, quan điểm của mình…

Kết quả nhận được thật sự không ngờ đó. Tháng đầu tiên, mình có khoảng 3000 người bày tỏ like profile, khoảng 1000 match và mỗi ngày khoảng 5 – 10 người nhắn tin cho mình chỉ để hỏi về nha khoa.

Mình có 15 khách hàng tới nha khoa sử dụng dịch vụ, và phát sinh doanh số đâu đó cũng mấy chục triệu. Chủ yếu các anh ấy tới lấy cao răng và nhổ răng, bọc răng sứ, nhiều bạn thì hỏi mình tư vấn niềng răng lắm mà vì dịch nên không đến ngay được… Doanh thu đo lường từ những người đến trực tiếp theo mã mình đưa cho họ, còn những người hỏi tư vấn rồi tự qua thì mình không đo lường được.

Mình có những cuộc trò chuyện hoàn toàn lịch sự và vui vẻ. Bởi ở bio mình ghi rõ mục đích dùng Tinder nên mọi người match thì đều biết mình đang làm nha khoa và cần tư vấn, có người thì vì bio cute quá nên match thôi.

Ngoài những tin nhắn hỏi về nha khoa ra thì mình cũng có một vài bạn nhắn tin trò chuyện về phim ảnh, các cuốn sách mà mình up ở profile. Mình có luôn một cậu bạn thân rất hợp gu từ Tinder.

Sau đó mình có đăng một bài vui vẻ để seeding profile trong group của cộng đồng Tinder, bài viết cũng đạt tương tác khá cao và giúp profile của mình có độ phủ rộng hơn. Tới nỗi khi đồng nghiệp nhờ mình lập profile trên Tinder với văn phong gần giống văn phong của mình, đã có bạn nhắn tin hỏi: Bạn có phải đồng nghiệp của cô bạn gì đó hôm trước tư vấn niềng răng trên này không?”

Cô gái lên Tinder kiếm khách cho phòng khám nha khoa: Xài chiêu gì mà vẫn “có tiền tươi, đáp trả thế nào khi bị gọi là “đồ khôn lỏi”? - Ảnh 2.
Không chỉ kết bạn, các app hẹn hò còn được dân tình tận dụng để bán hàng

Cô nàng còn nhiệt tình hướng dẫn các dân marketing cách để seeding thương hiệu và bán được hàng trên ứng dụng.

“Phần tiểu sử chính là content, phần hình ảnh là để thu hút, phần vị trí, địa điểm làm việc là thông tin của sản phẩm. Tệp khách hàng rộng và đa dạng nhiều lứa tuổi, mình có thể set độ tuổi, địa điểm và khoảng cách hiển thị, có khác gì chọn đối tượng quảng cáo của Facebook đâu chứ.

Bên cạnh đó, Tinder là một thị trường lạ, ít đối thủ với chi phí marketing cực thấp. Mình có thể nhắn tin tư vấn tới người có nhu cầu luôn, không khác gì một chatbox và unmatch hoặc chặn nếu ai đó có hành vi, ngôn từ không phù hợp với mình. Khi mua Tinder gold thì mình được 1 lần lên top hiển thị trong 30 phút, gần giống với đẩy SEO rồi.”

Bên dưới bài viết, rất nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận khen cô nàng có tư duy marketing sáng tạo, độc đáo. Tuy nhiên cũng có không ít bình luận trái chiều cho rằng cô nàng khôn lỏi và đang vi phạm chính sách của Tinder. Đáp trả các ý kiến này, cô bạn cho hay:

“Mình nghĩ còn tùy thuộc vào cách bán hàng, hay đúng hơn là seeding như thế nào. Nếu seeding về sản phẩm một cách duyên dáng, khéo léo, không spam, cả hai trò chuyện vui vẻ, trả phí cho Tinder đầy đủ thì mình nghĩ có thể chấp nhận được. Còn khi bán hàng lộ liễu, bất chấp, spam hàng loạt thì không chỉ Tinder mà bất cứ nền tảng nào không dùng để bán hàng cũng đều gây khó chịu cho người dùng.”

Còn bạn, bạn nghĩ sao về trường hợp này?

Nguồn: Facebook nhân vật