Clip: Kinh hoàng cháu bé 2 tuổi bị chó dữ nhà hàng xóm cắn xối xả, phải nhập viện cấp cứu

Trao đổi với chúng tôi chiều 19/12, lãnh đạo UBND xã Lưỡng Vượng, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang cho biết, bé trai T.Đ.P., 2 tuổi, trú tại thôn 9, xã Lưỡng Vượng bị chó hàng xóm cắn kinh hoàng, nhập viện cấp cứu.

Theo vị lãnh đạo, trưa 18/12, cháu P. cùng anh trai đang đi trên đường thì bị chó hàng xóm nhà bên cạnh lao ra tấn công. Nghe tiếng con hét lớn, người bố ngay lập tức chạy ra khống chế con chó, đưa con trai đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.

“Rất may cháu bé được đưa đến bệnh viện xử lý kịp thời, hiện sức khỏe ổn định”, vị lãnh đạo xã cho hay.

Đoạn clip ghi lại cảnh cháu bé bị chó dữ tấn công được đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người xem bàng hoàng và sợ hãi.

Clip: Kinh hoàng cháu bé 2 tuổi bị chó cắn hàng xóm xối xả, nhập viện cấp cứu (Nguồn: Facebook T.H.)

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, trưa 18/12, bệnh viện tiếp nhận bé T.Đ.P. cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết thương hở phức tạp vùng đầu mặt và các tổn thương khác dưới cơ thể.

Ngay khi nhập viện, kíp trực cấp cứu đã thăm khám, tiêm vaccine phòng bệnh dại cho bệnh nhi, đồng thời làm các xét nghiệm cấp cứu và có chỉ định phẫu thuật ngay.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Khám bệnh và cung cấp dịch vụ y tế tự nguyện, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, kíp mổ gồm các bác sĩ nhiều chuyên khoa đã gây mê, cầm máu, vệ sinh và cắt lọc vết thương phần mềm, vùng bị tổn thương, bơm rửa và khâu phục hồi vết thương cho cháu P.

Nhiều ngày qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ bị chó cắn (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị chó cắn, đối với vết thương nhỏ cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70%.

Đối với vết thương lớn và phức tạp cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra. Sau khi bị chó cắn, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh dại càng sớm các tốt.

Bác sĩ lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, không tự chữa ở nhà cho trẻ.

Trong vài ngày qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang liên tục tiếp nhận các bệnh nhi cấp cứu do bị chó cắn. Bệnh viện khuyến cáo, các phụ huynh cần lưu ý hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Gia đình có trẻ con không nên nuôi giống chó to và dữ, nếu nuôi bắt buộc phải tiêm phòng cho con vật đầy đủ. Ngoài ra, con vật phải được thuần dưỡng, xích, ra đường phải rọ mõm.