Chuyên gia tâm lý: "Học sinh nhảy lầu là tận cùng của hậu quả rất đáng tiếc"
Hãy bỏ qua việc áp đặt điểm số, thành tích
Mới đây, một học sinh tại Tp Hà Nội rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong. Trong biên bản tử vong ngoại viện của Trung tâm cấp cứu 115 ghi nhận từ lời khai của phụ huynh, do áp lực việc học hành, làm bài thi không tốt nên nam sinh đã bất ngờ nhảy từ tầng cao xuống đất.
Ảnh minh họa
Trao đổi với PV, Thạc sĩ Trần Vân Anh, Giám đốc chương trình của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (chuyên gia nghiên cứu tâm lý trẻ em) cho rằng, việc học sinh nhảy lầu là tận cùng của hậu quả rất đáng tiếc.
Theo bà Vân Anh, nguyên nhân của vụ việc được đưa ra là do áp lực việc học hành, làm bài thi không tốt, nhưng để giải thích điều đó thì hoàn toàn không dễ dàng.
Bởi lẽ, có những câu chuyện chỉ người trong cuộc, trong gia đình mới biết rõ còn người ngoài khó có thể đánh giá, phán xét cụ thể.
Ở đây, thạc sĩ Vân Anh nhìn nhận, việc xảy ra sự việc đáng tiếc ở trên là tổng hòa của nhiều nguyên nhân.
Trong đó, có việc các con đang phải chịu áp lực của học hành hay hệ lụy của học online quá nhiều kể từ khi đại dịch xảy ra dẫn đến ít tiếp xúc xã hội, có cảm giác bị cô lập nhưng không nhận được sự đồng hành của bố mẹ.
Hay có những bố mẹ, vì chịu áp lực công việc rồi về nhà cùng con học online lại đổ lên con, trách mắng, thậm chí sỉ nhục con theo kiểu “bài dễ thế không làm được, bạn này điểm cao thế này mà con lại như thế, thi cử điểm thế à…” dẫn đến không thể giao tiếp được với nhau.
“Với các con học lớp 6, ở độ tuổi 12 bắt đầu có sự thay đổi về mặt tâm lý, mong muốn được thể hiện bản thân. Song có trường hợp, con đưa ra ý kiến lại bị bố mẹ vì quá bận rộn, không lắng nghe được hết nên thường xử lý theo hướng phủ nhận.
Chẳng hạn, con có thể nói, con quá mệt mỏi về học online hàng tiếng đồng hồ, lượng bài tập nhiều… nhưng bố mẹ lại bảo có mấy cái bài tập, suốt ngày nghỉ ở nhà làm có gì mệt mỏi; hay bạn này, bạn kia vẫn làm tốt, điểm cao, có thấy kêu ca gì đâu; hoặc kỳ học này không được điểm tốt đừng mong mua cái này, cái kia…
Những nguyên nhân gai góc này đã góp chung vào làm mất dần giao tiếp giữa bố mẹ với con cái.
Lâu dần, khi không chia sẻ được, chịu áp lực từ bố mẹ về học hành, cộng vào nhiều nguy cơ khiến cho đứa trẻ không thể chịu đựng nổi, có hành động đáng tiếc”, bà Vân Anh chia sẻ.
Để con tránh những suy nghĩ hoặc ý tưởng tự tử, như trường hợp đáng tiếc xảy ra, theo bà Vân Anh, cha mẹ hãy là người bạn hàng ngày, tìm hiểu tâm tư của con.
“Thay vì chìm vào những suy nghĩ tiêu cực, cha mẹ hãy dành thời gian nghĩ việc mình sẽ nhận sự giúp đỡ con cần như thế nào và từ đâu.
Cha mẹ cũng cần loại bỏ bất cứ thứ gì xung quanh và trong nhà có thể sử dụng để gây hại cho con.
Gia đình cũng cần tránh để con ở một mình, hãy ở bên con và trò chuyện, đồng thời, hướng con tham gia các hoạt động để làm bản thân bận rộn, cải thiện giấc ngủ, điều hòa cảm xúc, và tạo thêm các kết nối thân thiện cho con”, bà Vân Anh nói.
Một điểm đặc biệt, được bà Vân Anh chỉ ra, đó là các bậc cha mẹ hãy bỏ qua việc áp đặt điểm số, thành tích trong học tập với con mà hãy tạo cho con sự thoải mái, bình tĩnh, nếu chưa đạt được thì lần sau có thể cố gắng hơn để đạt…
Một chuyên gia tâm lý có nhiều năm nghiên cứu về gia đình cũng chỉ rõ, trẻ em nói chung và những đứa trẻ cá tính nói riêng thường có diễn biến tâm lý thay đổi.
Do vậy, trước hết cần sự quan tâm chăm sóc từ chính gia đình, dạy cho con kỹ năng thích nghi với cuộc sống, thậm chí là có những đối mặt (theo độ tuổi) biết vượt qua chứ không nên áp đặt bất cứ điều gì.
Có thể không phải bột phát mà hành vi từ lâu
Tiến sĩ Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng, Viện Sức Khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, thường những đứa trẻ như trong trường hợp đáng tiếc ở trên có cá tính hơn những đứa trẻ phát triển bình thường.
Theo bác sĩ Dũng, đây có thể một loại bệnh lý, rối loạn cảm xúc hành vi đối với trẻ đang phát triển, não chưa đầy đủ nội tiết và bệnh lý này có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là với những trẻ sống nội tâm do ít va chạm.
Những đứa trẻ này thường có ý tưởng tự sát, hành vi tự sát, tự sát thành công và tự sát không thành công. Khi việc ‘bùng phát" không được thì trẻ sẽ thể hiện cá tính nên dẫn đến tự tử.
Ông cũng nhận định, đây có thể không phải là hành động bột phát mà là hành vi từ lâu rồi và những đứa trẻ đã có ý định rất ít từ bỏ, mà không xảy ra lúc này có thể sẽ vào lúc khác.
Vì vậy, việc đầu tiên của các bậc cha mẹ là phải quan tâm đến con cái, thường xuyên trao đổi tâm sự nắm bắt tâm lý của con.
Nếu phát hiện con mình có dấu hiệu bất thường về bệnh lý thì phải đưa đi khám chuyên khoa. Điều quan trọng là cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, gần gũi, chăm sóc con.
Các chuyên gia cũng khẳng định, trong bối cảnh của đại dịch, các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần, hành vi tự gây hại, những suy nghĩ tự tử sẽ trở nên phổ biến và không còn hiếm gặp, đặc biệt với lứa tuổi dậy thì.
Vì vậy, người lớn cần ý thức về tính nghiêm trọng của vấn đề, để có thể nhận diện xác định sớm nguy cơ cũng như dành thời gian cho việc làm dịu và hướng các em vào những hoạt động vốn là thế mạnh của mình thay vì những suy nghĩ tiêu cực.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, các phụ huynh cũng cần phải các biện pháp phòng hộ cho ngôi nhà của mình, đặc biệt ở chung cư để đề phòng những bất ngờ có thể xảy ra, trong một giây phút trẻ con hành động dại dột, nếu cha mẹ ở bên cạnh chắc chắn sẽ khác.
Cụ thể, ban công, cửa sổ cần được rào chắn, lắp lưới an toàn cẩn thận nếu trẻ cố gắng vượt ra, thì giây phút ấy cũng sẽ phần nào ‘ngăn cản" được ý định đó.
Tranh cãi tàu Cát Linh diễn tập sự cố không được báo trước, Sở nói có ‘phát thông báo"