Chợ dùng lá thay tiền "độc nhất vô nhị" ở Tây Ninh: Mỗi năm họp 1 lần
Vẫn còn tồn tại một nơi chẳng cần đến “giấy bạc của đời in ra”, ai nấy vẫn có thể lấp đầy chiếc bụng đói của mình.
Địa điểm được đề cập là “chợ lá” ở “đất thánh” Tây Ninh. Tại đây, khách tới mua dùng lá cây thay tiền để đổi lấy đồ ăn thức uống. Nghe qua thì có vẻ khó tin nhưng phiên chợ này trên thực tế đã tồn tại trong suốt hơn 1 thập kỷ qua.
Thông tin từ Báo Tây Ninh, ngôi chợ có “1-0-2” này được lấy cảm hứng từ chợ truyền thống lâu đời tại miền Nam Bộ. Nó được “khởi xướng” bởi một thầy thuốc nam và quy mô ban đầu khá nhỏ. Các khoản phí khi ấy là do ông “tự thân vận động”. Có điều, vì muốn phiên chợ thêm phong phú nên bạn bè ông có gì cũng đều mang đến.
Sau vài năm tổ chức, “chợ lá” được ngày càng nhiều người biết tới. Không chỉ dân địa phương mà khách du lịch cũng không giấu được sự tò mò. Theo thời gian, nó dần trở thành một nét văn hóa không thể lẫn vào đâu được của miền đất Hòa Thành.
Tại đây, người ta sẽ bày đủ món từ bánh ít, chè, xôi, trái cây, sữa đậu nành, khoai luộc, bắp, cơm cho bất kỳ ai có… lá cây ở trên tay. Dĩ nhiên, mỗi thứ chỉ được mua một ít để tránh cảnh người tới sau không có mà mua. Không cần biết món ăn có giá bao nhiêu, khách chỉ cần “trả” bằng chiếc lá và gửi đến người bán những nụ cười, lời chúc tốt lành đầu năm mới.
Không chỉ làm tốt việc của mình, cả bên bán lẫn bên mua còn tự giác trong khoản giữ vệ sinh để giúp phiên chợ diễn ra trọn vẹn. Chẳng ai bảo ai, từng người đều lặng lẽ gom rác vương vãi trên mặt đất, trả lại mặt bằng “sạch sành sanh” như thời điểm trước khi chợ diễn ra.
Không phải lúc nào bạn cũng có thể đến và trải nghiệm bởi chợ này chỉ họp mỗi năm có đúng một lần, thường là vào rằm tháng Giêng. Đặc biệt hơn nữa là nó chỉ diễn ra trong khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi tan vì người bán sau đó sẽ kéo đi nơi khác. Chưa kể, địa điểm tổ chức cũng không có định, lúc gần khu dân cư, lúc gần các điện thờ, khi lại nằm kế bên các khu chợ truyền thống…
Việc dùng lá thay tiền không phải là không có lí do. Thông điệp mà người ta gửi vào trong đó chính là: Tiền chỉ là phương tiện phục vụ cho cuộc sống, là vật chất phù du như chiếc lá. Cái chính là mỗi người phải sống sao cho đúng với đức thiện lương của mình, tuyệt đối đừng vì tiền mà đánh mất lương tâm.
Đi chợ chẳng cần đắn đo, suy tính chuyện tiền nong mà vẫn được ăn uống “tẹt ga” thì đỡ đau đầu phải biết. Nếu được một lần hòa mình vào không khí tấp nập, nhộn nhịp nơi đây thì tin chắc rằng ai nấy đều khó lòng quên được./.