Cặp vợ chồng gốc Á thực hiện "giấc mơ Mỹ": Chỉ ăn cơm với trứng mỗi ngày, chắt chiu cho con cháu rồi gặp cơn "ác mộng" hối hận cả đời

Niềm hy vọng về “giấc mơ Mỹ” với một cuộc sống tốt đẹp hơn đã bị bóp nát bởi thực tế quá tàn khốc.

Bà GuiYing Ma (Trung Quốc) đã cùng chồng đi tìm giấc mơ Mỹ, xây dựng cuộc sống mới ở New York (Mỹ) với biết bao hy vọng tốt đẹp. Tuy nhiên, bi kịch đã ập đến với họ, khiến mọi thứ đều vỡ tan.

Kế hoạch táo bạo với “giấc mơ Mỹ”

Bà GuiYing Ma và người chồng Zhanxin Gao đã quyết định rời khỏi quê hương là Phủ Thuận (Trung Quốc) để đến với thành phố New York đầy hoa lệ, ôm trong mình một giấc mơ Mỹ, nơi họ sẽ tìm bất kỳ một công việc nào miễn là có đủ tiền để trang trải cuộc sống và gửi về cho gia đình.

Hai người phải vượt qua quãng đường 6.500 dặm (hơn 10 nghìn km) để kiếm tiền gửi về cho cháu nội, những đứa trẻ mà họ luôn kỳ vọng rằng sẽ có một tương lai tươi sáng.

Là bạn với nhau từ thời thơ ấu và trở thành vợ chồng trong suốt 40 năm, họ đã cùng nhau trải qua 56 năm cuộc đời trước khi sang Mỹ. Phần lớn cuộc sống của họ chỉ xoay quanh việc tiết kiệm và làm việc, có thể là tại một nhà máy sản xuất thép hay bán rau ở chợ. Tuy không biết một chút tiếng Anh nào nhưng vào năm 2017, họ đã quyết định nộp đơn xin thị thực với hy vọng sẽ kiếm được thêm một ít tiền bên ngoài Trung Quốc.

Họ có duy nhất một đứa con trai, đó là lý do mà cặp vợ chồng cảm thấy cần phải có trách nhiệm với con và cháu nội của mình. Ông Gao nói với nhân viên phỏng vấn tại buổi xin thị thực: “Mọi người đều nói rằng Mỹ là nơi tốt nhất thế giới, và chúng tôi muốn có được thứ tốt nhất”.

Giấc mơ nước Mỹ của cặp vợ chồng lớn tuổi lụi tắt vì nạn phân biệt chủng tộc, nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất - Ảnh 1.
Ông Gao và bà Ma đến Mỹ với mục đích làm việc và gửi tiền về cho con trai ở Trung Quốc.

Nhiều người đã cảnh báo cặp đôi rằng họ quá lớn tuổi và thiếu kinh nghiệm để trải qua cuộc sống ở nơi xa xứ nhưng điều đó không làm họ chùn bước trước cơ hội cuối cùng của cuộc đời mình. Và cứ thế, đôi vợ chồng già đã đến với quận Queens (New York) chỉ với 3 chiếc vali nhỏ.

Một ngày sau khi sang nước ngoài, ông Gao đã lên xe buýt đến thành phố Philadelphia. Tại đây, một người bạn đã giới thiệu cho ông công việc chiên thức ăn tại nhà hàng Trung Quốc, đồng thời chủ nhà hàng cũng cung cấp cho ông chỗ ở miễn phí. Sau 11 ngày làm việc liên tục, ông trở về với căn hộ thuê của mình và vợ. Ngay khi nhìn thấy ông, bà Ma đã bật khóc nức nở vì sợ hãi và cảm thấy mình bị bỏ rơi, ông Gao đã hứa với bà rằng: “Tôi sẽ không bao giờ để bà lại một mình nữa, tôi sẽ đưa bà theo dù đến bất cứ đâu”.

Cuối cùng, ông ấy đã ở lại và làm việc cho chủ nhà, người điều hành công ty chuyên thay lắp và làm sạch bộ lọc dầu mỡ trong bếp của các nhà hàng. Bà Ma ban đầu cũng nhận việc ở một tiệm bánh nhưng về sau đã quyết định ở nhà để chăm lo các bữa ăn cho chồng. Đôi khi bà sẽ bắt chuyến xe với giá 20 USD (khoảng 450 nghìn đồng) đến một sòng bạc ở tiểu bang Connecticut, tại đây bà có thể nhận các phiếu mua hàng trị giá 40 USD (khoảng 900 nghìn đồng) và bán lại cho những người khác. Để giải quyết những khó khăn về tài chính, đôi vợ chồng thường xuyên đợi các mặt hàng giảm giá để mua, nhận quần áo được quyên góp và thức ăn miễn phí từ nhà thờ gần đó.

Giấc mơ nước Mỹ của cặp vợ chồng lớn tuổi lụi tắt vì nạn phân biệt chủng tộc, nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất - Ảnh 2.
Hai vợ chồng chụp ảnh cùng con trai, con dâu và cháu nội.

Chính sự gắn bó giữa hai con người đã khiến những khó khăn khi phải xa rời quê hương nguôi ngoai được phần nào. Ông Gao yêu sự nhẹ nhàng nhưng đầy sức sống của vợ mình, đối với ông, bà không chỉ là một người vợ mà còn là một người bạn thân thiết. Đổi lại, bà Ma ngưỡng mộ sự khiêm tốn và trung thực của ông, cái cách mà ông quan tâm đến anh em ruột thịt của mình. Họ coi nhau như những người bạn bình đẳng và cùng đồng hành trong cuộc sống giản dị.

Cơn ác mộng ập đến từ “giấc mơ Mỹ”

Vào buổi sáng sau ngày Lễ Tạ ơn, bà Ma quyết định đến căn nhà số 103 trên phố Corona của chủ cho thuê tốt bụng để giúp đỡ việc quét dọn. Chuyến hành trình của bà dài sáu dãy nhà, qua khỏi cửa tiệm cầm đồ và tiệm giặt ủi với những mái hiên xanh mát là nhà hàng Dominica và nhà thờ Chính thống giáo Đông Phương.

Vào khoảng 8 giờ sáng, bà đã có mặt tại tòa nhà trên Đại lộ 38, căn nhà xinh xắn được bao quanh bởi một hàng rào gỗ màu xanh lá cây, phía trên là những hình vẽ kỳ quái. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, bà Ma lúc này 61 tuổi đã nằm bất tỉnh trên đất, mặt bê bết máu. Ai đó đã tấn công vào đầu của bà bằng một tảng đá.

Giấc mơ nước Mỹ của cặp vợ chồng lớn tuổi lụi tắt vì nạn phân biệt chủng tộc, nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất - Ảnh 3.
Sau khi vợ bị tấn công, ông Gao chủ yếu ăn trứng và cơm – một trong số ít bữa ăn mà ông biết cách chế biến.

Giấc mơ nước Mỹ của cặp vợ chồng lớn tuổi lụi tắt vì nạn phân biệt chủng tộc, nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất - Ảnh 4.
Ông Gao hút thuốc trong nhà bếp của mình.

Những vụ việc bạo lực liên quan đến nạn nhân là người Châu Á tại nước Mỹ vẫn không hề suy giảm, ngay cả khi đất nước đã hoạt động bình thường trở lại sau đại dịch, khi người ta cho rằng một thời đại mới đã bắt đầu thì số lượng nạn nhân vẫn không ngừng tăng lên.

Vào tháng Giêng, một người phụ nữ gốc Á tên Michelle Go (40 tuổi) đã tử vong khi bị đẩy vào đường tàu điện ngầm tại Quảng trường Thời Đại. Vào giữa tháng Ba, số vụ phạm tội liên quan đến việc phân biệt chủng tộc Châu Á được ghi nhận bởi Sở Cảnh sát New York đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính những nạn nhân lớn tuổi liên tục bị tấn công đã làm dấy lên một sự thật đáng lo ngại: Ngay cả những người dễ bị tổn thương nhất cũng không được buông tha. Đó là lý do khiến ông Gao không kiềm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh vợ mình băng bó kín đầu, đôi mắt thâm tím nhắm nghiền với những dòng máu đã khô chạy dọc theo đường chân tóc tại bệnh viện Elmhurst vào buổi chiều 26/11/2021.

Ông cho hay: “Tôi như mất trí vào thời điểm đó”.

Cặp vợ chồng gốc Á thực hiện "giấc mơ Mỹ": Chỉ ăn cơm với trứng mỗi ngày, chắt chiu cho con cháu rồi gặp cơn "ác mộng" hối hận cả đời - Ảnh 5.
Ông Gao, người phải cáng đáng cả công việc thay bộ lọc dầu cho nhà hàng và chăm sóc vợ trên giường bệnh.

Ngay sau khi đưa vào bệnh viện, bà Ma đã được tiến hành phẫu thuật để xử lý tình trạng xuất huyết não, một phần hộp sọ của bà bị cắt bỏ, khí quản bị rạch để mở đường thở, một ống dẫn được đưa vào đầu để loại bỏ máu trong khi một ống khác gắn vào dạ dày để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Ngay cả khi bà may mắn tỉnh lại thì một nửa người bên trái cũng sẽ bị liệt

Tôi sẽ chăm sóc bà ấy”, ông Gao tự thề với chính mình.

Trong nhiều tuần, bà Ma nằm trên giường bệnh, ông Gao liên tục đến để nắm tay và gọi tên vợ mình, ông kể về những kỷ niệm, về gia đình và bạn bè, trông đợi bất kỳ một thay đổi nào dù là nhỏ nhất trên gương mặt tái nhợt của người bạn đời, ông cầu xin: “Dậy đi bà. Bà không nhớ con và cháu sao?”.

May mắn thay, vào đầu tháng 2, bà Ma đã tỉnh lại. Người chồng tận tụy không thể đè nén niềm hạnh phúc khi trông thấy đôi mắt của vợ mở ra, ông liên tục bảo vợ duỗi tay, nháy mắt hoặc di chuyển các ngón tay để xác nhận. Ông Gao thích thú với bất kỳ phản ứng nào dù là nhỏ nhất của vợ mình và liên tục an ủi bà hãy nghỉ ngơi thêm.

Và mặc dù không thể bày tỏ bất cứ cảm xúc nào, đôi mắt của bà vẫn luôn không rời khỏi chồng mình. “Tôi rất vui khi thấy bà. Bà có hạnh phúc khi nhìn thấy tôi không?”, đó là câu hỏi mà ông đặt cho vợ mình sau thời gian dài hôn mê.

Cặp vợ chồng gốc Á thực hiện "giấc mơ Mỹ": Chỉ ăn cơm với trứng mỗi ngày, chắt chiu cho con cháu rồi gặp cơn "ác mộng" hối hận cả đời - Ảnh 6.
Ông Gao cất dây buộc tóc mà bà Ma đeo vào ngày xảy ra vụ tấn công trong ngăn kéo trong căn hộ của mình.

Nỗi đau đớn tột cùng

Ông Gao và bà Ma đã trưởng thành trong ngôi nhà tình thương được xây dựng bởi Chính phủ, cha mẹ của họ là công nhân tại một mỏ sắt. Ông Gao nghỉ học sau khi hết lớp 10 và trượt khi tham gia kỳ thi đại học, còn bà Ma lại chỉ học đến lớp 9. Họ kết hôn với nhau vào năm 22 tuổi và chào đón đứa con trai đầu lòng Yang một năm sau đó.

Để trang trải cuộc sống cho cả gia đình, ông Gao đã đến làm việc tại một nhà máy thép trong khi bà Ma ở nhà chăm sóc cho con và cứ đến mỗi cuối tuần cả hai lại làm việc dọn cỏ vườn ngô để kiếm khoản thù lao nhỏ nhoi chưa đến 1 đô la/ngày (khoảng 22 nghìn đồng). Vào bữa tối, bà liên tục cam đoan rằng mình đã ăn no chỉ để nhường cho chồng phần thịt của mình.

Khi bắt đầu vào tuổi đi học, Yang đã được gửi đến trường với những chai nước ngọt – thứ tốt nhất mà bố mẹ có thể mua cho anh. Cả gia đình phải sống trong căn phòng thuê rẻ tiền mà họ có thể bị đuổi bất cứ lúc nào. Quá túng quẫn, bà Ma đã cùng ông Gao đến nhà máy thép làm việc.

Ông Gao nhớ lại cuộc sống lúc trước: “Cuộc đời của chúng tôi chỉ xoay quanh công việc, không có thời gian thừa cho những thứ khác”.

Khi Yang trưởng thành, hai vợ chồng đã dùng số tiền tiết kiệm cả đời để tổ chức đám cưới cho con trai và giúp anh mở một cửa hàng tiện lợi.