BQL chung cư nơi V.A sống ra thông báo "phủi tay", MXH dậy sóng: Không có một lời xin lỗi?

Mới đây, BQL chung cư Topaz 2, nơi bé V.A sống cùng bố ruột và dì ghẻ, đã có thông báo đến các cơ quan truyền thông về vụ việc. Trong văn bản có nội dung, qua rà soát sổ công tác của đội bảo vệ, hệ thống tiếp nhận thông tin của tòa nhà, BQL cho biết KHÔNG GHI NHẬN BẤT KỲ PHẢN ÁNH NÀO của cư dân về trường hợp gia đình bé V.A.

Chưa bàn đến việc điều này hoàn toàn mâu thuẫn với phát biểu của một số dân cư tại đây rằng họ đã nghe tiếng bé bị đánh suốt 1 năm, đã báo bảo vệ, BQT tòa nhà và BQL khu chung cư; văn bản của BQL cũng để lại nhiều tranh cãi.

RẤT NHIỀU “NGAY LẬP TỨC” NHƯNG KHÔNG CÁI NÀO KỊP

Theo đó, văn bản khi rõ, khi nhận được tin báo, BQL đã lên đến căn hộ và ghi nhận bố bé V.A đang sơ cứu cho con, theo lời kể của gia đình là bé bị sặc thức ăn. NGAY SAU ĐÓ, BQL và gia đình đã đưa bé đi cấp cứu.

Đề cập đến tin báo ngày 22/10/2021 của một thành viên BQT đề nghị BQL lưu ý quan sát việc bé V.A nghi ngờ bị mẹ đánh, thông tin của BQL ghi: “NGAY LẬP TỨC, BQL đã triển khai bảo vệ tuần tra căn hộ, đồng thời bảo vệ sảnh và lễ tân được yêu cầu quan sát khi gia đình này đi qua sảnh”.

Nhưng sau đó, họ cho rằng do giãn cách xã hội, bé ít ra ngoài và bảo vệ không phát hiện bất thường cũng như không nhận được phản ánh từ các hộ xung quanh nên sự việc đã được thông báo lại.

Và thế là, không biết thì không có tội!

Thông báo của BQL chung cư đang được dư luận chú ý.

Vì không biết nên họ sẽ không phải chịu trách nhiệm. Cái thông báo này, nó cho tôi thấy, lòng người thật lạnh như băng! Đọc hết văn bản thông báo không thấy một từ chia buồn hay tạ lỗi, toàn thấy nổi lên một ý tứ lạnh băng: Chúng tôi không biết.

Nó làm tôi nhớ đến bản tường trình vụ việc học sinh lớp 1 của Gateway tử vong trên xe bus đưa đón của nhà trường, năm 2019. Trên tờ giấy viết vội với những dòng chữ cẩu thả lên dốc xuống đèo, bản tường trình cũng được ghi chú 4 lần “ngay lập tức”.

Trường Gateway liên tục nhấn mạnh sự nhanh nhạy, kịp thời của mình bằng 4 lần “ngay lập tức”, nhưng chỉ cần một lần “ngay lập tức” của ông tài xế, cô phụ trách hay giáo viên chủ nhiệm vào buổi sáng hôm đó, có lẽ thảm họa. 4 lần “ngay lập tức” để chứng minh trách nhiệm, thực ra đã tố cáo sự vô trách nhiệm tột cùng.

Văn bản với 4 lần “ngay lập tức” của trường Gateway, vụ em bé bị bỏ quên trên xe đưa đón.

Và hôm nay, chúng ta lại nhìn thấy điều tương đồng trong thông báo của chung cư Topaz. Vẫn là “ngay lập tức”, “ngay sau đó” trên văn bản, cùng với trình bày lý do này, rào cản khác.

Và cũng tương tự, không có một lời xin lỗi nào được đưa ra. Không một lời chia buồn, cảm thông nào được viết xuống. Không một lời hứa sẽ có phương án để rút kinh nghiệm hay lên tiếng cho sự oan khuất của đứa trẻ.

Đương nhiên, không ai có thể quy tội cho hàng xóm hay BQL vì sự cố trong nhà một cư dân. Việc nhận lỗi và gánh vác trách nhiệm luôn là một điều vô cùng khó, nhất là khi nó liên quan đến sinh mạng của một đứa trẻ.

Nhưng đó cũng là cách duy nhất để người ta có thể thấy sự hối hận của những người lớn khi đã không đi đến tận cùng sự việc, đã không có đủ kết nối với nhau, đã không lường trước những đọa đày mà một đứa trẻ phải hứng chịu trong tòa cao ốc. Để những người dũng cảm báo tin vì lo lắng cho sự an nguy của bé V.A không bị hoài nghi là kẻ dối trá.

ĐỪNG IM LẶNG! SAU CÁNH CỬA CÓ THỂ LÀ CHỐN ĐỌA ĐÀY

Đừng im lặng! Sau cánh cửa có thể là chốn đọa đày

Câu chuyện những người hàng xóm nghe thấy tiếng la hét, khóc lóc của bé V.A và báo tin cho BQL chung cư nhiều lần nhưng không được quan tâm có thật hay không, chỉ người trong cuộc mới rõ.

Bức ảnh nhìn có vẻ hạnh phúc của V.A bên bố và dì ghẻ.

Việc BQL phủ nhận chuyện họ nhận tin thông báo nhiều lần mà không xử lý cũng chẳng lạ. Trong phần lớn vụ bạo hành trẻ em, chỉ khi vỡ lở người ta mới ồ lên, vì “ai mà nghĩ được đến mức ấy”, “chuyện nhà người ta chõ mũi vào làm gì”, “báo án xong khó nhìn mặt nhau”…

Đám đông có thể bàn tán rôm rả về chuyện nhà này phạm pháp, nhà kia bất thường, nhưng chuyện sử dụng pháp luật để đấu tranh chống cái sai thì lại hiếm.

Khi một cá nhân lên tiếng chống lại cái ác mà chứng kiến, đôi khi còn bị xem là “tên chỉ điểm”, “mách lẻo” vì “chuyện chẳng liên quan đến mình, nói làm gì” hoặc “chuyện gia đình, để họ đóng cửa bảo nhau”.

Nhưng đằng sau cánh cửa có thể là tổ ấm mà cũng có thể là “hỏa ngục” đọa đày. Sự lên tiếng có thể kéo theo phiền hà và rắc rối, nhưng nếu có thể cứu được mạng người, nó cũng đáng mà, phải không?

Nói đến “giá như” với bé V.A thì đã quá muộn rồi. Giá như đường dây 111 được rung, giá như công an được báo án, giá như mẹ bé có một mẩu thông tin về việc con đang bị bạo hành, giá như…

Điều tất cả chúng ta có thể làm bây giờ, đó là đừng bình thường hóa việc trẻ em bị đánh đập, coi đó là chuyện riêng tư của nhà người ta. Chúng ta ĐỪNG IM LẶNG.

Những đứa trẻ cần được bảo vệ sớm hơn chứ không phải chờ đến khi chúng đã đã tử vong, hay nhẹ hơn là sang chấn về cả tâm lý lẫn thể chất thì chúng ta mới lên tiếng phẫn nộ, đòi pháp luật trừng trị.

Đừng chờ đến khi quá muộn mới lên tiếng.

ĐỪNG IM LẶNG không phải là đổ lỗi cho người này người kia, đổ lỗi cho giãn cách xã hội hay tôn trọng riêng tư mà lờ đi sự an nguy của một đứa trẻ. ĐỪNG IM LẶNG là quan tâm lành mạnh, lên tiếng bảo vệ một đứa trẻ ta biết khi có dấu hiệu bất thường. Thà nhầm, còn hơn là hối hận.

Lên tiếng vì trẻ em không phải là bao đồng, mà là trách nhiệm công dân, là cách chúng ta tạo ra một môi trường an toàn để trẻ em, trong đó có con mình được sống an toàn. Đứa bé bị bạo hành ấy, V.A, M.M. hay một đứa trẻ nào đó vô tình ta biết, dù là con ai, chúng vẫn là những đứa trẻ cần được chúng ta bảo vệ.

https://soha.vn/nhieu-chu-lap-tuc-nhung-khong-loi-ta-loi-den-tu-bql-chung-cu-noi-va-bi-di-ghe-bao-hanh-20211229191715986.htm