Bố bất ngờ khi con trai mắc di chứng hậu Covid-19, sốt 20 ngày không hết
Song song với những di chứng nặng nề do Covid-19, Hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến Covid-19 (MIS-C) cũng là một căn bệnh nguy hiểm.
Người bố bất ngờ khi biết con trai mắc di chứng hậu Covid-19
Sau hơn 2 tuần sốt cao không giảm, dù đã đi nhiều bệnh viện, uống thuốc liều cao nhưng em Nguyễn Trọng Nghĩa (12 tuổi, ngụ TP. Dĩ An, Bình Dương) vẫn không khỏi khiến gia đình vô cùng lo lắng. Đến ngày thứ 18, Nghĩa mới được nhập viện Nhi đồng 2, TP.HCM để điều trị nội trú.
Với bệnh tình của Nghĩa, em được đưa vào khoa Tim mạch để điều trị, các bác sĩ cho biết với những kết quả kiểm tra cho thấy mạch vành của cậu bé 12 tuổi có giãn, các triệu chứng của Nghĩa giống với bệnh cảnh hậu Covid-19 hay gặp ở trẻ em: Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Đứng một góc bên giường bệnh của đứa con trai nhỏ, chú Nguyễn Văn Uyển (51 tuổi) cho biết rất sốc khi nghe bác sĩ nói con trai gặp phải các di chứng của hậu Covid-19. Theo chú Uyển, mặc dù những người hàng xóm xung quanh đều nhiễm Covid-19 nhưng gia đình chú không có những biểu hiện của bệnh nên cả gia đình đều nghĩ chưa mắc Covid-19, trong đó có cậu con trai 12 tuổi.
Tuy nhiên đến ngày 30/11, Nghĩa xuất hiện các đợt sốt cao, kéo dài từ 1-2 tiếng. Dù được gia đình đưa đi các bệnh viện, phòng khám để chữa trị nhưng các bác sĩ đều cho thuốc uống để về nhà điều trị vì chẩn đoán bé viêm amidan. Thấy con trai sốt kéo dài liên tục không hề bớt, sau nhiều lần đi khám bệnh ở các bệnh viện lớn, Nghĩa được nhập viện vào khoa Tim mạch, BV Nhi đồng 2 để điều trị hôm 17/12.
“Bác sĩ nói bé có thể đã từng nhiễm Covid-19 rồi, mình sốc, bất ngờ chứ. Trước giờ bé cũng không có biểu hiện gì của bệnh cả, may mà vô Nhi đồng 2 điều trị, giờ bé đã ổn, hết sốt, ăn uống bình thường rồi”, chú Uyển nói.
Sau những cơn đau nhức người kèm sốt kéo dài, Nghĩa cho biết con đã trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn, lo sợ.
“Cái cổ con trước đó nuốt nước bọt là đau, bác sĩ nói con bị hậu Covid-19. Con sợ lắm vì thấy mình sốt lâu quá, bình thường con sốt khoảng 2-3 ngày đã khỏi rồi. Con cũng không nghĩ mình phải nhập viện đâu, cứ tưởng uống thuốc rồi sẽ hết.
Đây là lần đầu tiên con nhập viện luôn, con hơi sợ sợ nhưng giờ con khỏe rồi, con mong được về nhà, con nhớ mẹ lắm”, Nghĩa thỏ thẻ.
Theo BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó khoa Tim mạch, BV Nhi đồng 2 cho biết sau khi dịch Covid-19 bùng phát, không những người lớn mà rất nhiều trẻ em đã nhiễm bệnh. Một số trẻ sau khi nhiễm Covid-19 thì mắc Hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến Covid-19 (MIS-C). Tính đến thời điểm hiện tại, khoa Tim mạch đã tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 20 bệnh nhi liên quan đến MIS-C sau nhiễm Covid-19.
Các bé nhập viện có thể với triệu chứng ở những cơ quan khác nhau, trong đó triệu chứng ở đường tiêu hóa là hay gặp nhất. Ngoài ra, một số ít các bé có biểu hiện triệu chứng ở đường hô hấp hay tim mạch… Đặc biệt có bé biểu hiện bệnh nặng hơn với hạ huyết áp, sốc, rối loạn nhịp do tổn thương cơ tim và hệ mạch vành nuôi tim”, BS. Phượng nói.
Bệnh có thể dẫn đến không qua khỏi, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý
Theo BS. Phượng, độ tuổi các bé hay gặp MIS-C hậu Covid-19 là trẻ lớn, thường là từ 5-9 tuổi. Những em bé có cơ địa b.é.o p.h.ì hay có bệnh lý nền kèm theo thì cần được theo dõi sát sao do bệnh có thể diễn tiến nặng hơn.
“Phần lớn các bé tới bệnh viện có triệu chứng về đường tiêu hóa với đau bụng, nôn ói hay tiêu chảy; chỉ có số ít có triệu chứng của tim mạch như mệt, tái, huyết áp tụt… Nếu những trường hợp này nếu không được cấp cứu và can thiệp kịp thời có thể sẽ dẫn đến không qua khỏi”, BS. Phượng lưu ý.
Về phương pháp điều trị, sau khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ MIS-C, khoa Tim mạch sẽ tiến hành thăm khám và xác định chẩn đoán để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp theo Hướng dẫn của Bộ Y tế. May mắn là các trường hợp MIS-C tại khoa Tim mạch đều được phát hiện, can thiệp kịp thời nên không gây nguy hiểm đến tính mạng các bé.
“Khi đưa con đến bệnh viện, bố mẹ lo lắng rất nhiều do bởi trước đó con mình đã trải qua giai đoạn nhiễm Covid-19 rồi, giờ lại tiếp tục trải qua một giai đoạn bệnh hậu Covid-19 nữa nên rất lo sợ.
Đặc biệt là các bé nhập viện trong tình trạng bệnh cảnh nặng, phải hỗ trợ về y tế và thuốc men rất nhiều. Nếu bé nào bị tổn thương cơ tim và tổn thương mạch vành thì cần phải được theo dõi, tái khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa tim mạch . Đồng thời các bé cần có sự hỗ trợ cả về mặt tâm lý cho cả bệnh nhi lẫn gia đình bệnh nhi”, BS. Phượng thông tin.
Với việc đã chuẩn bị tâm thế để chữa trị cho các bé hậu nhiễm Covid-19, bên cạnh điều trị về mặt cơ địa, tâm lý cũng luôn được các y bác sĩ quan tâm, nhất là các bé lớn, thường sẽ hoang mang, lo sợ rất nhiều. Theo BS. Phượng, hiện tại số lượng bé mắc MIS-C có vẻ đang tăng lên. Tuy nhiên, điều may mắn là các bé đều được bố mẹ đưa đến bệnh viện kịp thời để điều trị nên vẫn trong khả năng kiểm soát của các y bác sĩ.
Con trai sốt cao 20 ngày không hết, người bố sốc nặng khi biết do di chứng hậu Covid-19 để lại
“Tất cả những trẻ trong khoảng từ 2-6 tuần sau khi nhiễm Covid-19 hoặc sống cùng nhà với các thành viên trong gia đình đã từng nhiễm Covid-19, mà có những triệu chứng như sốt kéo dài, phát ban ngoài da, triệu chứng đường tiêu hóa, đường hô hấp thì nên đưa bé tới cơ sở y tế để các y bác sĩ kiểm tra để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra”, BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói.
Nhiều trẻ rối loạn cảm xúc, hành vi hậu nhiễm Covid-19
Theo Th.S Tâm lý Mai Thị Nguyệt, BV Nhi đồng 2 cho biết thời gian vừa qua, khoa Tâm lý có tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi đến điều trị trong tình trạng tâm lý bất ổn, có sự rối loạn về mặt cảm xúc, hành vi.
“Bé tỏ ra khó chịu, né tránh không muốn giao tiếp với người khác hoặc có những hành vi lặp đi lặp lại. Nhiều khi trong đêm các bé hốt hoảng, không ngủ được, ban ngày thì mệt mỏi, khó thở, nhức đầu, không thể học được nữa… Từ tâm lý rối loạn như vậy thì sẽ có những dấu hiệu rối loạn về mặt cơ thể như tiêu chảy, khó thở, tim đập nhanh, khi nhập viện, các y bác sĩ sẽ kiểm tra lại về mặt thực thể, đồng thời khoa Tâm lý cũng hỗ trợ điều trị mặt tâm lý cho các bé”, Th.S Nguyệt cho biết.
Vì đến bệnh viện trong tình trạng sợ hãi, các bé thường ngồi nép mình, né tránh mọi thứ và không muốn trả lời các câu hỏi của bác sĩ tâm lý. Điều đầu tiên, Th.S Nguyệt cho biết cần phải tạo niềm tin với các bé, giúp bé tin tưởng, cảm giác an toàn rồi thì bé mới chia sẻ được cảm xúc của bé với người đối diện.
“Khi mà mình chạm được nỗi đau của các bé thì bé khóc rất là nhiều và gần như những lần tiếp xúc đầu, bé không hợp tác với mình. Mình cần làm sao cho những đau khổ nội tại của các bé được cất lên thành lời.
Đối với những bé còn gia đình sẽ đỡ hơn chứ những bé có người thân mất trong đại dịch Covid-19, việc điều trị cho bé phải mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều giai đoạn mới có thể ổn định được tâm lý.
Khi các bậc phụ huynh thấy bé có biểu hiện hốt hoảng, run sợ, nói nhiều hoặc không nói, khép mình lại… phụ huynh cần tạo được niềm tin, kích thích sự an toàn cho bé. Người thân phải biết chấp nhận tất cả những biểu hiện của bé không nên chặn đứng những biểu hiện đó mà phải giúp cho bé bộc lộ hết ra, phải hiểu thấu cảm nỗi đau của bé và chấp nhận điều đó vô điều kiện, từ đó mới giúp bé cảm thấy đây là môi trường an toàn để chia sẻ với mình được”, Th.S Tâm lý Mai Thị Nguyệt chia sẻ..