Bố ăn mặc lấm lem đi họp phụ huynh, con trai bèn đuổi về, người mẹ đã làm điều này
Cậu bé đã phản ứng mạnh mẽ khi thấy bố mặc bộ đồ đi làm đến trường họp phụ huynh.
Với suy nghĩ của trẻ con, các em thường vẫn đề cao cái tôi cá nhân và không thích bản thân bị người khác xem thường. Nên trong một số trường hợp, những đứa trẻ vô tình có cách xử lý làm tổn thương ông bà, cha mẹ của mình.
Hạ Tử Du, một câu bé đang học Tiểu học tại Trung Quốc vừa trải qua sự việc khiến nhiều người lớn không khỏi nghĩ ngợi. Theo đó, em sinh ra trong một gia đình vốn không khá giả, bố em chỉ là lao động chân tay, làm nghề tài xế nhưng chưa bao giờ để em thiếu thốn. Dù thế, em vẫn cảm thấy xấu hổ với bạn bè về xuất thân của mình. Mỗi lần bạn cùng lớp hỏi về nghề nghiệp của bố, em chỉ im lặng cho qua và lấy tiền mà bố cho mình để mua đồ ăn vặt đãi các bạn.
Cậu bé tin rằng, với cách này những người bạn của mình sẽ không còn để ý tới gia cảnh của mình nữa. Nhưng một ngày nọ, khi giáo viên chủ nhiệm tổ chức một buổi họp phụ huynh thường niên, dự định ban đầu mẹ của Tử Du sẽ tham gia nhưng lại gặp vấn đề về sức khỏe buộc bố em phải đi thay.
Tuy nhiên, việc đi họp được giao cho bố cậu bé trong thời gian quá gấp, khi ông đang làm việc tại kho hàng. Người bố chẳng kịp thay quần áo lấm lem mà chạy vội đến trường học của con trai ngay.
Khi thấy bố là người đi họp cho mình, cậu bé đã tỏ thái độ ngay lập tức, em không chịu ngẩng đầu lên nhìn bố và xem như không quen biết. Chẳng những vậy, em còn nhắn tin cho bố rằng: “Bố đừng nói là bố quen con, bố phải nói là vào nhầm lớp rồi mau chóng rời khỏi đó đi!”
Tin nhắn khiến người cha vô cùng sửng sốt, ông không ngờ mình lại là nỗi xấu hổ cho con trai nhưng vì thương con nên dù đã yên vị tại chỗ, ông vẫn đứng dậy và xin lỗi cô giáo vì… vào nhầm lớp.
Sau khi chồng trở về nhà, người vợ phát hiện ra câu chuyện của hai bố con nên đã trách mắng Tử Du một cách nghiêm khắc. Người mẹ này đã cứng rắn bảo: “Bố cho con ăn, cho con quần áo đẹp, bươn chải ngoài đường để kiếm từng đồng tiền cho con đi học. Ông ấy không xấu hổ khi mặc bất cứ thứ gì! Con không được phép có cái tôi mạnh mẽ như vậy chỉ vì con không thích công việc hay bộ đồ bố mang!”
Sau đó, người mẹ tìm đến giáo viên chủ nhiệm để nói ra về sự việc lý do vì sao mình vắng mặt trong buổi họp phụ huynh. Ngoài ra, nghề nghiệp của người bố cũng được bà mẹ tiết lộ và sau đó bạn học của Tử Du đều biết chuyện này.
Có thể thấy, Hạ Tử Du có cái tôi quá mạnh mẽ, em tỏ rõ thái độ khi không thích công việc và quần áo của bố ngay cả ở việc em không muốn bố đến tham dự buổi họp phụ huynh. Việc một đứa trẻ không thích cha mẹ tưởng chừng như là chuyện nhỏ nhặt, nhưng thực ra đó là một khuyết điểm về tính cách của đứa trẻ. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải tích cực can thiệp và hướng dẫn, giáo dục trẻ càng sớm càng tốt để tránh xảy ra các sự việc nghiêm trọng hơn.
Trước hết, cha mẹ hãy quan tâm đến con cái nhiều hơn, bản năng trẻ sẽ đáp lại tình cảm mà người thân dành cho mình.
Khi cảm nhận được tình thương quá lớn từ bố mẹ dành cho mình, các em cũng sẽ tìm cách đáp lại những tình cảm đấy và yêu thương, hiểu thảo với cha mẹ.
Thứ hai, giao tiếp giữa cha mẹ và con cái là chìa khóa.
Cha mẹ có thể giao tiếp với con nhiều hơn và hỏi con xem con có thấy xấu hổ về cha mẹ không? Tại sao con lại có suy nghĩ như vậy. Ví dụ, khi đứa trẻ nói rằng mình cảm thấy nghề nghiệp của cha mình thật đáng xấu hổ, sự nghiệp của bố mẹ không tốt bằng những phụ huynh khác. Khi đó người cha có thể tập trung nói cho con biết, phần đóng góp trong sự nghiệp của mình là ở đâu? Tại sao việc làm của mình nên được tôn trọng.
Cha mẹ cũng nên chú ý hơn đến việc phân tích cho con hiểu từng khía cạnh, từ đó trẻ có thể thay đổi suy nghĩ từ phản kháng, khinh thường sang hiểu và chấp nhận. Dần dần trẻ sẽ yêu thương bố mẹ nhiều hơn.
Theo Sohu