Bão số 9 mạnh lên cấp 15, giật trên cấp 17 trong đêm, trở thành cơn bão lớn nhất lịch sử từng được ghi nhận ở Biển Đông
Liên quan đến vị trí và đường đi của cơn bão số 9, Zing dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết vào khuya 18/12. Lúc 23h, trạm khí tượng Song Tử Tây đã bị mất kết nối do 2 cột đo gió bị đổ.
Số liệu gió mạnh nhất ghi nhận được trước khi trạm mất tín hiệu là 45,61 m/s, tương đương cấp 14, giật cấp 17. Cường độ này chưa từng được ghi nhận ở những cơn bão trên Biển Đông trong lịch sử quan trắc của ngành khí tượng.
Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cấu trúc phân bố đối xứng rõ ràng như bão Rai cũng là một trong những trường hợp hiếm. Đồng thời, đường đi tương tự cơn bão được cho là chưa từng xuất hiện vào mùa bão trên Biển Đông kể từ năm 1951.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia khí tượng, lúc 4h ngày 19/12, bão số 9 cách Bình Định – Phú Yên khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 4h ngày 20/12, bão cách Quảng Nam – Bình Định khoảng 230km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 16.
Bão số 9 giật cấp 17, cách Bình Định – Phú Yên 270km về phía Đông
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 10 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè biển trong vùng nguy hiểm đều nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 4h ngày 21/12, bão số 9 cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 340km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Vùng nguy hiểm trên biển, ven biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 13,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108.0 đến 115,5 độ Kinh Đông.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi 10-15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 22/12, bão cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 250km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành một vùng áp thấp.
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 ở vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông; vùng biển ven bờ từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên là cấp 3
Ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-15, giật trên cấp 17; sóng biển cao từ 9-11m; biển động dữ dội.
Hình ảnh vệ tinh ghi lại thời điểm bão mạnh cấp 14-15, mắt bão mở to, cấu trúc mây đối xứng khi quét qua vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa khuya 18/12. Ảnh: NICT
Vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên Huế – Phú Yên gió mạnh dần lên cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội; vùng biển ven bờ (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4-6m; biển động dữ dội.
Từ nay đến 20/12, trên đất liền các tỉnh/thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7; trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 9.
Ngoài ra, ngày và đêm nay (19/12), ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên sẽ mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.