Bác sĩ đưa lời khuyên để mọi người đón Tết an toàn, đối phó hậu Covid-19
Về quê hay ở lại TP.HCM đón Tết, làm sao để bảo vệ bản thân, gia đình cũng như chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 đang là câu hỏi chung.
Muốn về quê nhưng sợ lây bệnh cho người già?
Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán, chị V.T.H.T (29 tuổi, ngụ Đà Nẵng) vẫn đang phân vân không biết có nên đặt vé về quê để ăn Tết. Sau khi nhiều tỉnh/thành đã bỏ quy định cách ly, xét nghiệm người dân từ TP.HCM về quê, chị T. lại lo việc bản thân có thể lây nhiễm Covid-19 cho những người trong gia đình.
Mặc dù đã tiêm mũi vaccine liều bổ sung, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh nhưng trong nhà chị T. lại có 2 người lớn trên 70 tuổi khiến chị phải suy nghĩ. “Bản thân mình trẻ, có sức đề kháng thì không sao, chứ lỡ lây cho người lớn trong nhà, sợ có gì bất trắc, mình hối hận không kịp”, chị T. bày tỏ.
Cũng giống như chị T., anh Nguyễn Duy Tùng (23 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) cho biết việc ở quê, số ca nhiễm có dấu hiệu tăng lên trong những ngày qua khiến ý định về quê của anh có sự lung lay.
“Mình vào TP.HCM đã được 5 năm, chưa bao giờ mình ở đây ăn Tết cả, năm nay có thể là năm đầu tiên mình ở lại thành phố nếu như dịch bệnh vẫn phức tạp. Mỗi ngày, mình đều gọi điện cho bố mẹ để hỏi thăm tình hình dịch ở xã, chỉ sợ về quê có chuyện gì lại mất Tết của mọi người”, anh Tùng bày tỏ.
Theo BS.CK2 Phan Hoàng Nguyên – Giám đốc Y khoa BV Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức cho biết nếu có dự định về quê, mọi người nên trang bị đầy đủ các phương pháp phòng chống dịch bệnh cho bản thân, nhất là đối với trẻ nhỏ, thực hiện tốt quy định 5K của Bộ Y tế xuyên suốt đường về quê.
Tâm lý của người về quê thường chủ quan không khai báo y tế hoặc khi tự test nhanh cho kết quả dương tính lại sợ “mất Tết” nên không khai báo y tế, tự cách ly, điều trị kín. Điều này rất nguy hiểm cho những người xung quanh, đặc biệt là người lớn tuổi.
Để giảm tối đa nguy cơ mắc Covid-19 trong dịp Tết, mọi người nên hạn chế đi lại để giữ an toàn, đặc biệt không đi lại nếu đang mắc bệnh hoặc đã tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày trở lại. Với những người lưu trú ở các địa điểm công cộng như khách sạn, nhà nghỉ, trước khi đến, nên kiểm tra nơi đó có áp dụng các biện pháp phòng ngừa Covid-19 hay không. Bên cạnh đó, cần thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn trong suốt thời gian vui Xuân đón Tết.
“Mỗi người cần chủ động nâng cao ý thức, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch và chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đón Tết một cách cẩn trọng. Bởi chỉ cần một chút chủ quan, lơ là với Covid-19 cũng có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc“, BS. Nguyên chia sẻ.
Nỗi lo hậu Covid-19: Không chủ quan, không hoang mang…
Ngoài những lo lắng về một cái Tết Nguyên Đán an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đợt bùng phát dịch bệnh đã khiến cho hơn 2 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó nhiều người phải tiếp tục đối mặt với di chứng hậu Covid-19.
Dù công việc khá bận rộn trong những ngày cuối năm nhưng chị Tuyền (ngụ TP. Thủ Đức) vẫn tranh thủ đến phòng khám hậu Covid-19 để kiểm tra sức khỏe.
Theo chị Tuyền, sau khi khỏi Covid-19 được hơn một tuần, cảm giác cơ thể vẫn chưa hồi phục được nên chị chủ động đến bệnh viện thăm khám.
“Chị vừa khỏi Covid-19 được hơn 1 tuần, giờ cảm giác cơ thể vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nên đến khám. May mắn là người thân của chị vẫn chưa mắc bệnh nên giờ càng phải cẩn thận hơn. Đặc biệt là Tết năm nay gia đình chị sẽ dành thời gian ở nhà cho an toàn“, chị Tuyền chia sẻ.
Ths.BS Nguyễn Văn Hiệp – BS Điều trị tại Phòng khám hậu Covid-19, BV Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức cho biết trong khoảng 2 tuần triển khai, Phòng khám hậu Covid-19 đã tiếp nhận hơn 100 người bệnh đến thăm khám.
“Trường hợp người bệnh có những triệu chứng nặng khá ít. Đa số người bệnh gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, đau đầu rụng tóc, hay lo lắng bất an… với độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có những người bệnh là trẻ em, người lớn tuổi”, BS. Hiệp thông tin.
Theo BS. Hiệp các di chứng hậu Covid-19 có thể gặp ở bất kỳ ai từng mắc Covid-19, bao gồm những người không có triệu chứng đến những người bệnh rất nặng phải điều trị trong các đơn vị Hồi sức tích cực (ICU).
Hậu Covid-19 có rất nhiều triệu chứng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Trong đó, phổ biến nhất là mệt mỏi, hụt hơi, kiệt sức và sương mù não. Các triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn khi người bệnh gắng sức hoạt động thể chất hoặc tinh thần.
Ngoài ra ho, đau ngực hoặc viêm dạ dày, đau đầu, đánh trống ngực, đau cơ khớp, tiêu chảy, sốt, chóng mặt khi đứng dậy, có sự thay đổi về tâm trạng, vị giác, khứu giác, chu kỳ kinh nguyệt (ở nữ) cũng là một số di chứng mà hậu Covid-19 để lại.
“Một số người đã khỏi Covid-19 có tư tưởng mình đã an toàn, có thể thoải mái đi lại, không lo nhiễm bệnh nữa. Đây là một quan điểm rất nguy hiểm khi người từng mắc Covid-19 vẫn có nguy cơ mắc bệnh thêm lần nữa, chưa kể các di chứng mà hậu Covid-19 gây ra”, BS. Hiệp nói.
Làm gì khi gặp phải các di chứng hậu Covid-19?
Theo BS. Nguyễn Văn Hiệp, một số người sau khi khỏi bệnh dù cơ thể không có triệu chứng gì vẫn tìm đến phòng khám hậu Covid-19 vì quá lo lắng. Đây cũng là một việc tốt vì sau khi được bác sĩ tư vấn, thực hiện cận lâm sàng, họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu sức khỏe của mình vẫn ổn.
Trong trường hợp Covid-19 thực sự có ảnh hưởng đến cơ thể, chủ động thăm khám sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm mà hậu Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, BS. Hiệp cũng đưa ra lời khuyên rằng không phải tất cả F0 đều cần đi kiểm tra sức khỏe sau khi khỏi Covid-19.
“Trường hợp nên đi khám hậu Covid-19 sớm là những người mắc bệnh nặng từng phải điều trị trong phòng hồi sức; người bệnh thở máy nhiều, bị phụ thuộc máy thở; những F0 đã âm tính nhưng vẫn bị khó thở, tức ngực, vận động kém; người bị mất ngủ kéo dài, có dấu hiệu rối loạn tâm thần như hoảng loạn, bế tắc, nhạy cảm quá mức…
Đối với người bệnh sau khi khỏi Covid-19 nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như đau mỏi người, ho nhẹ, hồi hộp thì chỉ cần theo dõi, tập thở, tập luyện vận động tại nhà, bổ sung vitamin khoáng chất. Nếu những triệu chứng này khiến chất lượng cuộc sống giảm sút thì mới cần đi khám để tìm cách điều trị, cải thiện tình hình”, Ths.BS Nguyễn Văn Hiệp đưa ra lời khuyên.!.