9 ngày liên tiếp số F0 mới cao nhất cả nước, Hà Nội chịu áp lực kép

Trong giai đoạn dịch bệnh ác liệt nhất, phía Nam còn phong tỏa để chống dịch, còn Thủ đô vừa chống dịch, vừa đảm bảo các hoạt động KT-XH.

Ngày 27/12, TP Hà Nội đã ghi nhận 1.948 ca mắc mới COVID-19. Ngày thứ 9 liên tiếp, TP ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước và cũng là cao nhất từ trước đến nay, cao hơn cả số ca mắc mới trong ngày ở một số tỉnh thành phía Nam trong giai đoạn dịch bệnh ác liệt nhất. Tuy nhiên, Hà Nội có một điểm thuận lợi là 90% người dân thành phố đã được tiêm đủ liều vaccine.

Người dân trong khu vực cách ly tại phố Hàng Thiếc (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN

Nhìn lại dịch COVID-19 tại Hà Nội 1 tháng qua

Vào đầu tháng 12, mỗi ngày Hà Nội chỉ ghi nhận vài trăm F0. Trong đó, tỷ lệ F0 trong cộng đồng chiếm khoảng 20%-30%. Tuy nhiên, đến tuần cuối tháng 12, số mắc mới mỗi ngày nhanh chóng vượt mốc 1.000 và tăng liên tục.

Đến 27/12, số ca mắc mới là gần 2.000. Hiện toàn thành phố có khoảng 20.000 F0, trong đó 1/4 được điều trị tại bệnh viện. Số còn lại được theo dõi tại nhà, tại các khu thu dung, cách ly tập trung.

Ngành y tế Hà Nội nhận định, số ca mắc mới như hiện nay vẫn là nằm trong tầm kiểm soát. Trước đó, thành phố cũng đã có phương án chuẩn bị cho tình huống số ca mắc mới lên đến 3.000 ca mỗi ngày.

Bệnh viện Bạch Mai cử lực lượng hỗ trợ vùng “cam” Hà Nội

Hiện nay, để hỗ trợ cho Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cử cán bộ, y, bác sĩ tham gia chống dịch tại quận Đống Đa – nơi dịch bệnh đang là nóng nhất hiện nay ở Hà Nội.

Các bác sĩ, cán bộ y tế này sẽ phụ trách 21 trạm y tế lưu động tại các phường, và hỗ trợ tại cơ sở thu dung; hỗ trợ, đào tạo cho cán bộ y tế cơ sở. Mục tiêu là 100% F0 của quận Đống Đa được giám sát, theo dõi.

Quận Đống Đa là quận đầu tiên tại Hà Nội nâng cấp độ dịch lên cấp độ 3. Mật độ dân cư đông đúc. Việc hỗ trợ cả về nhân lực lẫn chuyên môn cho quận Đống Đa lúc này là hết sức cần thiết, kịp thời.

Ngoài ra Bệnh viện Bạch Mai cũng sẵn sàng cử nhân lực đến các địa bàn khác của Hà Nội. Các bác sĩ, nhân viên viên y tế của bệnh viện này đã có kinh nghiệm tham gia chống dịch và vận hành các bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh và sẽ vận dụng linh động các kinh nghiệm này khi hỗ trợ Hà Nội.

Áp lực của các trạm y tế

Hiện toàn thành phố Hà Nội có khoảng 20.000 F0, trong đó khoảng 50% đang được theo dõi, điều trị tại nhà. Có thể nói, áp lực đang đè nặng lên hệ thống y tế cơ sở.

Phường Trương Định được coi là điểm nóng với số ca mắc COVID-19 tăng nhanh chóng của Quận Hai Bà Trưng. Mặc dù chỉ có 8 nhân viên y tế nhưng có ngày, trạm y tế này phải gánh đến 100 ca F0.

8h30, những nhân viên y tế này lại thay nhau đi từng ngõ ngách để xét nghiệm, phát thuốc. Nhiều tháng nay những hình ảnh này cứ diễn ra liên tục.

Tiêm chủng, tiếp nhận thông tin khai báo y tế từ người dân, nhập dữ liệu lên hệ thống, truy vết… những công việc liên tiếp diễn ra tại các trạm y tế này mà không có ngày nghỉ, giờ giấc. Với khối lượng công việc quá lớn, nếu không có các lực lượng hỗ trợ, trạm y tế khó đủ sức vượt qua.

Hà Nội hiện đang là địa phương ghi nhận số ca mắc cao nhất cả nước trong 1 tuần trở lại đây và đỉnh điểm ngày hôm qua lên tới gần 2.000 ca. Mệt mỏi, áp lực do khối lượng công việc quá nặng nề trong một thời gian dài khiến sức khỏe của nhân viên y tế đang bị bào mòn.

Họ làm việc triền miên không thể về nhà, đồng lương ít ỏi, trong khi áp lực công việc lại quá lớn. Tuy nhiên, chống dịch là thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đặc biệt, đặc thù nên không thể áp dụng chế độ phụ cấp, thu nhập như trong điều kiện bình thường. Do đó cần có một chế độ đãi ngộ và chính sách phù hợp trong thời điểm hiện nay, giúp lực lượng y tế cơ sở yên tâm làm nhiệm vụ.

Trước tình hình thực tế như vậy, Sở Y tế Hà Nội đã có phương án để giảm tải cũng như nâng cao hiệu quả cho đội ngũ y tế cơ sở.!.