5 đứa trẻ mồ côi sau đại dịch: Ngày đoàn tụ ngoại và mẹ, chỉ còn được ôm 2 hũ cốt lạnh lẽo

Lúc đó khu này bùng dịch dữ lắm, xóm trên người ta nhiễm quá trời rồi lây xuống từ từ… Rồi dì con, đến con và lần lượt cả gia đình cũng nhiễm hết. Sau đó, mẹ và bà ngoại chuyển biến nặng hơn nên dọn đồ xong là được chuyển ngay đến bệnh viện dã chiến, không ngờ đó cũng là lần gặp cuối”, em Đỗ Hoài Nam (14 tuổi) nghẹn ngào kể.

Ngồi bên cạnh Nam, những đứa em nhỏ hơn cũng đều không cầm được nước mắt, bật khóc rưng rức. Bởi ngày chia tay, mẹ và bà ngoại chưa kịp dặn dò, đến ngày tụi nhỏ có thể gặp lại chỉ còn là 2 hũ cốt lạnh lẽo trên bàn thờ.

Những bàn tay nhỏ xíu lần lượt cắm những thanh nhang, di ảnh của 2 người phụ nữ với dáng vẻ phúc hậu ẩn hiện trong làn khói nghi ngút. Ngày hôm ấy cũng gần tròn 2 tháng, các con bước vào cuộc sống mồ côi.

Những đứa trẻ bật khóc khi nhớ về bà ngoại và mẹ đã mất vào hồi tháng 9.

Mẹ và ngoại cùng qua đời trong đại dịch

Quãng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10, Nhơn Trạch (Đồng Nai) là một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Bởi nơi đây có rất nhiều khu công nghiệp, công nhân và người lao động tập trung sinh sống với mật độ cao. Nhiều người đã bị nhiễm covid, đa số mọi người may mắn qua khỏi nhưng cũng có những người đã mãi mãi ra đi.

Khi được hỏi về nạn nhân Đỗ Thị Quyên (trạc tuổi 40), người dân địa phương đều biết và chỉ đường: “Ra phía ngay sau chợ một khúc là gặp, cả mẹ và bà ngoại đều mất, giờ 5 đứa trẻ mồ côi tội lắm”. Đi theo hướng dẫn dọc con đường đầy tre mát rượi, chúng tôi tìm thấy căn nhà nhỏ khá cũ kĩ, lụp xụp nấp dưới bóng 1 cây me già.

Thấy người lạ hỏi thăm, cô Tư hàng xóm – cũng là người thân của gia đình, chia sẻ: “Trận dịch vừa qua kinh khủng thật sự, xóm mình nhỏ xíu xiu vậy thôi nhưng mất tới 3 mạng người. Nhà cô cũng có một người không qua khỏi, nhưng đáng thương nhất là mấy đứa nhỏ nhà này, mẹ và bà thì đều qua đời cả rồi cả rồi, cha thì đã có gia đình riêng”.

5 anh em của Nam cùng 2 người anh chị cùng cha khác mẹ mất cả bà ngoại và mẹ sau trận đại dịch kinh hoàng.

Người phụ nữ này cho biết bản thân cũng trải qua thời kỳ thập tử nhất sinh cùng với mẹ và bà ngoại của các bé khi điều trị chung tại 1 bệnh viện dã chiến. Đến ngày 3/9, bà ngoại của mấy đứa nhỏ trở nặng, không thể qua khỏi.

Cô Tư kể: “Lúc đó, tôi cũng động viên Bột (tên ở nhà của chị Quyên – PV) ráng ăn cho khỏe đi còn về với con. Bột mới nói là: Tư ơi, con bị tiểu đường, con sợ không qua khỏi…. Tôi còn đấm lưng chăm sóc cho con nhỏ mấy ngày, 2 tuần sau thì Bột bệnh trở nặng, ra đi mà chưa kịp trăn trối một lời nào”.

Nói về gia cảnh của chị Quyên, cô Tư hàng xóm cho biết cuộc đời của người phụ nữ không được suôn sẻ, 2 lần đứt gánh giữa đường. Sau khi kết thúc với chồng đầu khi đã có 2 con, chị rổ rá cạp lại với một người đàn ông khác và 5 người con đủ trai lẫn gái lần lượt ra đời.

Tưởng chừng hạnh phúc mỉm cười thì cuộc hôn nhân của chị một lần nữa đổ vỡ khi chồng sau có gia đình riêng của mình. Ngày mẹ mất, những đứa nhỏ mất đi nơi nương tựa cuối cùng, chơi vơi lạc lõng giữa dòng đời.

5 cháu được người dì đón về cưu mang

Dưới ánh nắng chiều, 5 đứa nhỏ ngoan ngoãn ngồi cạnh nhau như bầy mèo nhỏ, trầm ngâm chẳng nói với nhau câu nào. Cách đây vài tháng thôi, chúng vẫn còn mẹ, còn bà, còn được yêu thương nhưng giờ chúng phải tự lập để lo cho bản thân rồi.

“Trước đây, con cũng không biết mẹ làm công việc gì, chỉ biết trong xóm ai kêu gì thì mẹ đều bươn chải làm để kiếm tiền lo cho tụi con ăn học đầy đủ.

Tụi con đều được đến trường, con nghỉ một thời gian nên đang học lớp 6, em Khang và Vy thì học lớp 7, em Bảo thì học lớp 5 còn bé Út học lớp 2. Buổi sáng, mẹ thường chở 3 em nhỏ đến trường, buổi chiều mẹ chở 2 tụi con…”, Nam bất chợt nghẹn ngào rơi lệ.

Cả 5 đứa trẻ không hẹn mà đồng loạt bật lên tiếng nấc, rưng rức khóc, có lẽ các con biết quãng đời tiếp theo sẽ không còn được mẹ yêu thương và che chở như trước nữa. Không đành lòng nhìn các cháu như vậy, chị Nữ (dì ruột) đã quyết định đón tất cả về nuôi dưỡng.

Thương cho hoàn cảnh các cháu, chị Nữ đã đón tất cả về để nuôi dưỡng.

“Trước đây, các bé cũng thường xuyên về dưới nhà chơi nên em thương lắm, lúc mẹ các bé đi em cũng hứa rồi nếu như mẹ có chuyện gì thì các con cứ xuống dì mà ở, lo được tới đâu dì cố tới đó. Em có 2 con rồi, vợ chồng cũng chỉ làm công ăn lương bình thường thôi, đón thêm 5 bé nữa thì tổng cộng có tới 7 trẻ trong nhà.

Cuộc sống còn bấp bênh nhưng giờ mình không nuôi tụi nhỏ thì ai sẽ nuôi bây giờ, cố không được thì cũng cố thôi. Em chỉ mong sao có thể tiếp tục cho cả 5 đứa đi học, để mẹ tụi nhỏ có thể yên lòng nơi chín suối”, người dì gạt nước mắt cho biết.

Ngồi cạnh bên, 5 đứa trẻ nghe dì nói chuyện cũng im bặt tiếng khóc, nhưng những dòng lệ vẫn chực rơi. Các em chầm chậm nối đuôi nhau vào nhà để thắp nén hương cho bà ngoại và mẹ. “Con nhớ mẹ, giờ con chẳng mong gì hơn, chỉ mong bà và mẹ sớm được siêu thoát…”, Nam đại diện cho các em khấn nguyện trước bàn thờ.

Những tia nắng chiều tà cuối ngày đã đổ xéo vào căn phòng tăm tối, càng làm làn khói hương óng ánh huyền ảo nhiều hơn. Những đứa trẻ đứng nép vào nhau dưới di ảnh của bà và mẹ, nước mắt tự tuôn trào.

https://soha.vn/5-dua-tre-mo-coi-sau-dai-dich-ngay-doan-tu-ngoai-va-me-chi-con-duoc-om-2-hu-cot-lanh-leo-20211204082321068.htm