2022 - sắc tím lên ngôi: Miền Tây có ông chú yêu màu tím đến mức bỏ Sài Gòn về quê mở hội quán, bị chê cười là "quái dị" nhưng vẫn khăng khăng ấp ôm giấc mơ lớn, được lãnh đạo tỉnh đề tặng "Người của hoa"
Sắc tím lên ngôi
Ngày 8/12/2021 đánh dấu lần đầu tiên Viện Pantone sáng tạo nên một gam màu hoàn toàn mới thay vì dùng những gam màu có sẵn. Very Peri là sự hòa trộn giữa sắc xanh hy vọng và sắc đỏ nhiệt huyết. Màu sắc này được kỳ vọng sẽ cổ vũ con người vượt qua khó khăn, cùng nhau tin tưởng và xây dựng nên cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
“Việc pha chế nên một gam màu mới rất quan trọng. Thiết kế nên một mã màu mới trong lịch sử Pantone phản ánh sự thay đổi nhanh đến chóng mặt trên toàn cầu”, theo Giám đốc viện màu sắc Pantone, Leatrice Eiseman.
Năm 2021 chứng kiến sự tàn phá nặng nề của làn sóng dịch bệnh toàn cầu song cũng nhìn thấy được những phát triển vượt bậc của nhân loại trong công nghệ và y tế. Cả thế giới chuyển mình thần tốc dưới sức nén của đại dịch và mong cầu về một trang mới “dễ thở” hơn, hạnh phúc hơn.
Ông chú miền Tây yêu màu tím và những lần bị chê cười vì đam mê “quái dị”
Bàn về việc sắc xanh tím đại diện cho năm 2022 với sứ mệnh cổ vũ tinh thần con người, tôi lại muốn nhắc về một lão nông miền Tây, bằng chính tình yêu thủy chung dành cho màu tím mà tạo nên thương hiệu riêng, nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Câu chuyện về một “phù thủy hoa”.
Ông giáo Tiếp – người có đam mê bất tận với màu tím – màu của năm 2022
Ông là Trần Văn Tiếp (72 tuổi), bà con quanh vùng gọi thân thương là ông Giáo Tiếp. Vẫn nhớ độ hơn 30 năm về trước, vì trót nhớ thương tà áo dài tím giữa vườn hồng Sa Đéc mà ông giáo cấp 2 rời bỏ phố thị Sài thành, về lập nghiệp ở mảnh đất hiền hòa này. Bên dòng Sa Giang, giữa một vùng xứ sở hoa kiểng, ngôi nhà của ông Giáo Tiếp nổi bật với màu tím độc nhất.
Ngôi nhà màu tím nằm lọt thỏm giữa màu xanh mát của hoa kiểng.
Từ cổng vào nhà toàn là màu tím
Không chỉ ngôi nhà mà hầu hết các vật dụng từ quần áo, giày dép cho đến bàn ghế, giường ngủ,… đều “tím toàn tập”.
Chia sẻ về tình yêu dành cho màu tím, ông Tiếp cho biết: “Nhiều người lúc đầu chỉ trỏ, cười tôi lắm nhưng tôi không giận. Tôi yêu màu tím vô cùng cũng nghĩ tại sao không dùng màu tím như một điểm đặc trưng, khác biệt của mình. Có lẽ cũng nhờ vậy mà mỗi dịp lễ tết, khách thập phương ghé nhà tôi tham quan, chụp ảnh rất nhiều.”
Hầu hết mọi vật dụng trong nhà ông giáo Tiếp từ bàn ghế, gường tủ cho đến cốc chén, dép… đều mà màu ông yêu
Không dừng lại ở việc sưu tầm, trang trí vật dụng, nhà cửa, ông Tiếp còn đưa tình yêu màu tím vào cả công việc trồng hoa, chăm kiểng của mình.
Không chịu bó hẹp với những giống hoa truyền thống, ông Tiếp luôn mày mò, nghiên cứu các giống cây mới và dĩ nhiên sẽ ưu tiên các giống có hoa hoặc quả màu tím. Một năm ông dành khoảng 1 – 2 tuần để đi sang nước bạn, tìm tòi và mang về trồng thử nghiệm thành công những giống cây độc lạ như: cúc hỏa châu, dưa pepino tím, ngọc long châu, lan hồ điệp…
Điều đặc biệt là khi trồng thành công một giống cây mới, ông Tiếp sẽ chia sẻ “tất tần tật” từ cây giống, đến kỹ thuật chăm sóc cho các nhà vườn lân cận chứ bản thân không hề “giấu nghề”.
Ông giáo Tiếp cũng được biết đến la “Phù thủy hoa” xứ Sa Giang, các loại hoa ông trồng cũng màu tím
Gắn bó tại vườn nhà ông Tiếp hơn 6 năm nay, anh Nguyễn Vũ Anh Khoa (28 tuổi) gọi ông Tiếp một tiếng “thầy” đầy kính trọng.
“Trước mình là sinh viên ngành Hoa viên cây cảnh ở ĐH Cần Thơ. May mắn được thực tập tại nhà thầy rồi mình theo phụ thầy đến giờ này. Thầy Tiếp luôn tận tình chỉ cho mình kinh nghiệm chăm sóc, thuần dưỡng giống mới và mua bán hoa kiểng như thế nào. Mà không chỉ riêng mình, bà con quanh đây hay các bác từ xa đến học hỏi, ai thầy cũng nhiệt tình chia sẻ”, Anh Khoa cho biết.
Người học trò may mắn được truyền nghề chi sẻ về ông giáo Tiếp
Ước mơ làm giàu đẹp thương hiệu hoa Sa Đéc
Với mong muốn có một nơi để bà con trồng hoa có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, ông Tiếp xây dựng hội quán “Tôi yêu màu tím”. Nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy để các nhà vườn, doanh nghiệp, các nhà khoa học đến và cùng giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau đồng thời cũng là nơi tìm và kết nối nhu cầu hoa kiểng cho các doanh nghiệp lớn.
Ông Tiếp không ngại chia sẻ bí quyết nghề hoa cho người khác
Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 kéo đến, rất nhiều những ngành nghề, lĩnh vực phải chịu tác động nặng nề, nghề trồng hoa cũng thế. Theo ông Tiếp, dịch bệnh khiến cho các loại hoa truyền thống trở nên khó bán, nhu cầu thị trường ngày càng hạn chế. Tuy nhiên, các loại cây công trình, cây giống độc, lạ lại “được lòng” khách hàng. Đây cũng là lúc hội quán “Tôi yêu màu tím” phát huy vai trò, cung cấp cho bà con nhà vườn giống cũng như kinh nghiệm chăm sóc cho các loại cây mới.
Chính nhờ những đóng góp tích cực của mình vào việc thay đổi diện mạo của làng hoa Sa Đéc, năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, bấy giờ là Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp đã đề tặng ông Tiếp dòng chữ: “Người của hoa, của đam mê khát vọng – Đất người tình thêm nữa một bài ca”. Bức thư pháp được ông Chủ nhiệm hội quán nâng niu và treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà.
Ông giáo Tiếp từng được Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp đề tặng chữ “Người của hoa”
Đã hơn 40 năm gắn bó với nghề “làm đẹp cho đời”, tình yêu hoa trong ông không bớt đi mà ngược lại, càng yêu, càng quý hơn cái nghề truyền thống của quê hương xứ sở. Mong muốn lớn nhất của ông Tiếp không phải là làm giàu cho bản thân mà muốn thương hiệu hoa Sa Đéc sẽ được quảng bá rộng khắp và được nhiều người biết đến. Tình yêu hoa, tình yêu màu tím của người nghệ sĩ – nghệ nhân Trần Văn Tiếp sẽ luôn như “một bài ca” cất lên những khúc hòa âm tuyệt vời cùng tình đất, tính người nơi xứ hoa.
https://afamily.vn/2022-sac-tim-len-ngoi-mien-tay-co-ong-chu-yeu-mau-tim-den-muc-mo-ca-hoi-quan-bi-che-cuoi-la-quai-di-nhung-van-khang-khang-ap-om-giac-mo-lon-duoc-lanh-dao-tinh-de-tang-nguoi-cua-hoa-20211219005310573.chn Chuyện những người phụ nữ miền Tây làm “việc của đàn ông”: Tay giữ lửa những “lâu đài” trăm tuổi, tấm lưng còng kéo cả giấc mơ con!