Xúc động hình ảnh người cha chăm con gái ở cữ: Ông ngoại là số một

Có lẽ trên đời này, chỉ có tình yêu của cha mẹ là vô điều kiện, chẳng thể đong đếm bằng lời. Dù lấy chồng xa hay lấy chồng gần thì các chị em vẫn mang tâm lý nhớ nhà.

Mới đây, trên diễn đàn tâm sự chị Thùy Dung quê Hưng Yên đã trải lòng với chị em và nhận về nhiều sự đồng cảm. Mặc dù chỉ lấy chồng cách nhà 10km, cũng thường lui tới thăm nhà nhưng chị luôn mang trong mình cảm giác nhớ cha mẹ. Khi đã lên thiên chức là một người mẹ, chị càng cảm thấy thương gia đình của mình hơn.

Ngày chị Dung cưới, bố đã không thể kìm được nước mắt dù con gái chỉ lấy chồng cách nhà 10km. Ảnh: Thùy Dung

Gần một năm “theo chồng về dinh”, chị Dung vừa hạ sinh bé đầu lòng, chị xin về nhà ông bà ngoại để ở cữ. Vì bé khó sinh, nên chị Dung phải đẻ mổ, sức khỏe cũng yếu hơn bình thường. Chị Dung tâm sự, bố mẹ thương nên không cho làm gì cả. Sáng nào bố cũng dậy từ 4 giờ sáng để đun nước cho cô con gái, rồi lúi húi nấu đồ ăn sáng.

Sáng nào, bố chị Dung cũng dậy từ sớm để lo chuẩn bị đồ ăn sáng cho con gái. Ảnh: Thùy Dung
Chỉ cần nghe tiếng cháu khóc, ông ngoại liền chạy vào bế ngay. Ảnh: Thùy Dung

Chị Dung ngủ dậy thì mọi việc trong nhà đã hoàn tất. Dù đang bận công việc gì, chỉ cần nghe tiếng cháu ngoại khóc o oe là ông lại vào dỗ liền. Từ ngày cháu nhỏ về nhà, bố chị Dung cũng bỏ luôn thuốc lào vì sợ ảnh hưởng tới em bé. Chị Dung nhớ lại, ngày mình đi lấy chồng, bố lén lau đi giọt nước mắt vì không muốn ai thấy bố yếu lòng. Ngày con gái vào phòng sinh, không lên được, bố chị Dung cứ gọi điện liên tục, lo lắng đứng ngồi không yên.

Là con gái út trong nhà, chị Dung được bố và các anh yêu thương. Ảnh: Thùy Dung

Trong gia đình, chị Dung là con út, trên chị có hai anh trai đều đã lập gia đình. Cứ vào mỗi dịp Tết đến hay giỗ là gia đình đa thế hệ hơn 10 người lại sum vầy bên nhau. Gia đình chị Dung không giàu có gì, nhưng các thành viên trong nhà ai nấy đều tự hào vì có một người cha, người ông hết lòng hi sinh. Câu chuyện của chị Dung sau khi đăng tải đã thu về nhiều bình luận của mọi người, đa phần ai cũng ngưỡng mộ tình yêu mà chị được nhận từ gia đình.

Chị Dung lấy chồng cách nhà chỉ 10km nhưng luôn có cảm giác nhớ thương gia đình. Ảnh: Thùy Dung

Ông ngoại là thế, dù chẳng là người hay nói nhưng là người luôn luôn hành động. Thương con gái bao nhiêu, thì tình cảm ông dành cho cháu ngoại cũng dồi dào bấy nhiêu. Như trước đó, câu chuyện của chị Mỹ Anh cũng từng khiến nhiều người xúc động. Cụ thể, trong đợt Covid-19 vừa qua, hai mẹ con chị Mỹ Anh đang là F0 nên phải cách ly trên phòng riêng, thế nhưng, vì lo lắng tình trạng của cháu, ông ngoại đã quyết định mặc đồ bảo hộ để lên xem xét tình hình.

Khi bị covid, chị Mỹ Anh đã cách ly tại phòng riêng để không ảnh hưởng tới gia đình, nhưng vì thương con gái và cháu ngoại, bố chị Mỹ Anh đã mặc đồ bảo hộ để vào thăm cháu. Ảnh: Mỹ Anh
Hai ông cháu thường quấn quýt bên nhau hạnh phúc. Ảnh: Mỹ Anh
Nhìn thấy ông ngoại lên, con gái chị Mỹ Anh cũng chạy lại ôm ngay vào lòng ông. Hình ảnh khiến nhiều người không kìm được nước mắt, thế mới thấy dù ở hoàn cảnh nào thì bố mẹ, ông bà vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc nhất của mỗi người. Ảnh: Mỹ Anh

Hay trước đó, chị Trần Trinh cũng chia sẻ câu chuyện về người cha của mình khiến nhiều người xúc động. Cụ thể, chị Trinh viết trên trang cá nhân: “Về ngoại từ ngày con tròn 1 tháng tuổi giờ bé sắp về nhà nội, ngày nào ông cũng bế cháu nhiều hơn, cũng thì thầm cùng cháu nhiều hơn”. Vì lấy chồng xa, chị Trinh mới đầu bị gia đình một mực ngăn cản, vì lo con gái ở xứ lạ 1 thân 1 mình, không ai chăm sóc, lúc vợ chồng cãi nhau không ai tâm sự.

Tấm ảnh ngày còn bé của chị Trinh trong vòng tay cha. Ảnh: Trần Trinh

Bố chị Trinh còn “dọa”: “lấy chồng xa mốt đẻ không ai lên thăm đâu!”. Ấy vậy mà, mới nghe tin mẹ cháu gọi vỡ ối, ông bà ngoại đã tức tốc mang “cả thế giới” lên với hai mẹ con. Dù đã lớn tuổi, mắt kèm nhèm không thấy rõ, bố chị Trinh vẫn đeo kính để làm cho cháu ngoại chiếc vòng dâu đủ đeo đến lớn. Chị Trinh xúc động: “Có con rồi mới thấy nỗi cực nhọc của ba mẹ, rồi thương ba mẹ nhiều hơn. Nuôi con chăm cháu suốt cuộc đời chỉ có thể là ông bà ngoại”.

Lúc chị Trinh bị tắc sữa, ông bà ngoại đã phải lặn lội hơn 20km để đem lá cây đinh lăng cho con gái, rồi về trong đêm muộn. Ảnh: Trần Trinh

Bố chị Trần Trinh luôn thủ thỉ bên cạnh cháu ngoại những ngày gần chia tay. Ảnh: Trần Trinh

Khi còn nhỏ, cha mẹ là người dạy dỗ chúng ta nên người. Đến khi lớn, cũng cha mẹ là người mong chúng ta hạnh phúc. Dù con cái có lớn như thế nào, có thành công ra sao, thì trong mắt các bậc phụ huynh, chúng vẫn luôn là những đứa trẻ mà họ mãi muốn được yêu thương và bảo vệ. Những ai còn cha mẹ hãy yêu thương và trân quý những phút giây này. Bạn có ngưỡng mộ tình cảm của các ông bố trong câu chuyện trên không? Chia sẻ với Bestie nhé!

MUỐN LÀM NGƯỜI LƯƠNG THIỆN TRƯỚC HẾT PHẢI BIẾT HIẾU THẢO VỚI CHA MẸ

Ai trong chúng ta cũng muốn bản thân thành công, là một người lương thiện có ích cho xã hội. Thế nhưng để làm được điều đó, trước hết bạn cần đối xử hiểu thảo với chính gia đình của mình. Đối với cha mẹ, lòng hiếu thảo đối với con cái có thể không đến từ những việc lớn, mà là từ sự quan tâm, hỏi han hằng ngày.

Vì vậy, nếu bạn vẫn còn cha mẹ, đừng chờ đợi thành công hay bằng cấp, hãy bắt đầu chăm sóc họ ngay bây giờ khi họ vẫn ở bên bạn. Đạo hiếu được coi là gốc của đức tính con người, người có tấm lòng hiếu thảo là người biết nhớ ơn cội nguồn, sống tình cảm. Những người biết kính trên nhường dưới, sống tình cảm chắc chắn sẽ là người trưởng thành, lương thiện,…